Những tấm lòng nhân ái đã đưa cậu bé từng bị in ảnh thờ trở về từ cõi chết
(Dân trí) - Ngày 12/12/2018, đánh dấu ngành ghép tạng nói riêng và ngành y tế nói chung với sự kiện ghép cùng lúc 6 tạng từ người chết não để cứu sống 5 người khác. Trong đó phải kể đến ca ghép phổi cho cậu bé Nguyễn Văn Đức một bệnh nhân bị mắc bệnh mô bào ở phổi, suy đa tạng, suy kiệt cơ thể.
Phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi với Giáo sư Nguyễn Hữu Ước – Trưởng khoa Tim mạch, lồng ngực, Bệnh viện Việt Đức, người tham gia chính và tổ chức ca ghép tạng này.
Sự kiện ghép phổi cho cậu bé 17 tuổi Nguyễn Văn Đức (Hải Dương) vào ngày 12/12/2018 trở nên rất đặc biệt và được vinh danh là 1 trong 9 sự kiện tiêu biểu của ngành y tế năm 2018. Ông có thể nói kĩ hơn về ca ghép phổi này?
Trước ca ghép phổi này đã có 2 ca ghép phổi trước đó ở bệnh viện Quân y 103 (21/2/2017) ghép phổi từ người sống cho cháu bé 7 tuổi và tại bệnh viện Quân đội 108 (16/03/2018) ghép từ người chết não cho một bệnh nhân 64 tuổi cho với sự hỗ trợ của đoàn chuyên gia nước ngoài.
Đối với ca ghép phổi cho cậu bé Nguyễn Văn Đức, được thực hiện với 100% ê kíp các bác sĩ Việt Nam trên nền bệnh nhân bị mắc bệnh mô bào ở phổi, suy đa tạng, suy kiệt cơ thể trầm trọng.
Tình trạng lúc đó, bệnh nhân phải liên tục thở ô-xy do bệnh mô bào ở phổi (langerhans) giai đoạn cuối nên tiên lượng tử vong rất cao và chỉ có cơ hội sống sót nhờ ghép phổi.
Đây là ca ghép phổi đầu tiên của ê kíp các bác sĩ bệnh viện Việt Đức nên không tránh được những rủi ro có thể xảy ra. Ông có thể nói rõ hơn về điều này?
Đúng như bạn nói, chúng tôi đã ghép tạng rất nhiều nhưng là thận, tim, gan, còn phổi thì đây là ca đầu tiên nên càng phải có sự chuẩn bị và tính toán kĩ lưỡng để tránh tất cả mọi rủi ro có thể xảy ra.
Trước ca ghép phổi này, chúng tôi đã nghiên cứu rất kĩ các tài liệu trên thế giới và quan sát bằng thực tiễn thông qua các ca lấy ghép tạng mà chúng tôi đã tiến hành.
Từ giữa năm 2018, chúng tôi cũng đưa các bác sĩ sang bệnh viện đại học quốc gia Đài Loan để học tập, hỏi học kinh nghiệm tại Trung tâm ghép phổi bởi bên đó các bác sĩ đã thực hiện hơn 100 ca ghép phổi.
Kết hợp rất nhiều yếu tố như thế, thời điểm ngày 12/12/2018 chúng tôi đã tiến hành ghép phổi cho cậu bé Nguyễn Văn Đức với sự tính toán rất kĩ.
Bởi ghép phổi là phẫu thuật rất lớn, với nhiều biến cố và biến chứng có thể xảy ra sau khi ghép nên chúng tôi phải cẩn trọng không để xảy ra 2 trường hợp đó là: Không để xảy ra chảy máu sau mổ và không để xảy ra nhiễm trùng.
Với ca ghép phổi của em Đức, điều khó khăn nhất theo ông đánh giá là gì?
Mặc dù đã có sự chuẩn bị kĩ lưỡng về kĩ thuật từ 3 năm trước nhưng tôi vẫn phải nhấn mạnh rằng điều khó khăn nhất vẫn là về mặt kĩ thuật. Tôi lấy ví dụ phổi của bệnh nhân dính chặt như mảng bê tông vào thành ngược vì bị viêm nhiễm quá lâu. Vậy việc tính toán làm sao cắt được phần phổi đi mà hạn chế biến chứng.
Rồi trong quá trình ghép phổi, có nhiều miệng nối, cấu trúc mạch máu ở phổi rất khác nhau và rất nhỏ nên các công đoạn đều rất rất tỉ mỉ và đòi hỏi yêu cầu độ chính xác tuyệt đối.
Cái khó khăn tiếp nữa đó là vấn đề hậu phẫu sau ghép phổi rất phức tạp, bên cạnh việc dùng thuốc chống thải ghép thì rất nhiều thứ đặc biệt. Trước khi ghép cháu bé trong tình trạng suy dinh dưỡng rất nặng và suy đa tạng, cụ thể là gan và thận suy rất nặng. Vì thế mà thời gian hậu phẫu lâu dài.
Cái khó khăn thứ 3 đó là vấn đề kinh phí. Trước khi ca ghép tạng được diễn ra, gia đình cháu Đức đóng được cho bệnh viện vẻn vẹn 11 triệu đồng. Đứng trước câu hỏi : “Lấy tiền ở đâu ra để ghép cho bệnh nhân” quả thật với chúng tôi là một bài toán khó có lời giải.
Gia đình bệnh nhân không có tiền, ca ghép lại có quá nhiều điều rủi ro. Vậy động lực nào khiến ông và ê kíp của mình vẫn “mạo hiểm” tiến hành ca ghép?
Về điều này, tôi lại phải nhấn mạnh 1 điều đó là “thời khắc vàng”, hiểu ngắn gọn đó là mọi điều kiện ở cậu bé này vô tình trùng khớp đặc biệt với điều kiện tạng được hiến.
Trong ghép phổi, yêu cầu rất gắt gao việc phải có điều trị trước ghép vì phổi bệnh vốn dĩ đã nhiễm trùng rất nặng với đầy mủ và vi khuẩn nên phải điều trị phổi sạch nhất trước khi ghép.
Với cậu bé này đã đạt những điều đó vì cháu bị biến chứng phổi rất nặng và đã điều trị ở bệnh viện Bạch Mai trước đó cả tháng trời. Ngày cháu vừa điều trị dứt điểm cũng là ngày chúng tôi nhận thông tin có tạng hiến.
Thời gian trùng khớp như thế là rất hiếm bởi thời gian có thể ghép chỉ tích tắc trong vài ngày thôi, qua ngày đó thì tình trạng nhiễm trùng lại tăng cao nên không làm được gì nữa cho dù có tạng hiến đi chăng nữa. Thời gian “vàng” đã đáp ứng rồi, qua xét nghiệm các chỉ số thì ở cháu Đức lại hoàn toàn trùng khớp với tạng người hiến và có thể ghép được.
Được sự đồng ý của ban giám đốc bệnh viện và sự đồng hành của bạn đọc báo điện tử Dân trí, đó chính là động lực khiến chúng tôi thực hiện ca ghép phổi lần này.
Bạn đọc báo điện tử Dân trí hỗ trợ cho ca ghép phổi này với tổng số tiền là gần 800 triệu đồng. Ông đánh giá như thế nào về sự chung tay, giúp đỡ của cộng đồng?
Số tiền này dành cho 1 ca bệnh là rất lớn và rất quý. Trước đây với ca bệnh cháu bé ghép tim nhỏ tuổi nhất Việt Nam năm 2017, chúng tôi cũng đã nhận được sự chung tay, giúp sức của bạn đọc báo điện tử Dân trí với số tiền là 1,2 tỉ đồng chỉ trong vòng vài ngày. Và còn rất nhiều ca phẫu thuật từ nhiều năm nay, các bệnh nhân của tôi đã nhận được sự hỗ trợ từ các nhà hảo tâm.
Với chúng tôi báo Dân trí luôn luôn là hình tượng, là đơn vị mà chúng tôi vô cùng trân trọng vì hoạt động Nhân ái của báo đã và đang mang lại rất nhiều lợi ích cho những bệnh nhân nghèo.
Chúng tôi rất biết ơn các bạn. Và nhân trường hợp cháu Đức, chúng tôi rất cám ơn quý báo và độc giả chung tay đóng góp. Với chúng tôi vẫn nhắc người bệnh là các vị sống được là nhờ nhiều thứ, trong đó có sự đóng góp của nhiều tấm lòng hảo tâm của bạn đọc báo điện tử Dân trí !
Phạm Oanh - Toàn Vũ