1. Dòng sự kiện:
  2. 20 năm Chương trình Nhân ái

Những “ngọn nến” ấm đêm bản Chùa

(Dân trí) - Đã 3 năm qua, 12 học sinh dân tộc Vân Kiều ở bản Chùa (xã Cam Tuyền, Cam Lộ, Quảng Trị) lại háo hức chờ đêm đến để được các thầy, cô giáo Trường THCS Lê Hồng Phong thay phiên nhau đến dạy cho từng phép tính, con chữ.

Tất cả các em đều mang khát vọng được đến trường sau một ngày lang thang trong rừng đào bới, tìm kiếm phế liệu chiến tranh bán lấy tiền mong phụ giúp thêm cho cuộc sống gia đình còn khó nghèo, lam lũ...

 

Lớp học đêm

 

Khi biết chúng tôi tìm đến với ý định viết về lớp học, thầy Lê Văn Ngạn, chủ nhiệm lớp cho biết: Tất cả các giáo viên dạy lớp học này đều là giáo viên của Trường THCS Lê Hồng Phong (xã Cam Tuyền, Cam Lộ). Cách đây 3 năm (năm 2004), thấy các em học sinh ở bản Chùa bỏ học giữa chừng nhiều quá, thương các em, nhiều thầy, cô giáo đã không ngần ngại đường xá đi lại khó khăn tình nguyện đến bản Chùa dạy cho các em vào các tối thứ 2, 4, 6 trong tuần.

 

Địa điểm tổ chức lớp học là căn phòng mượn của Trường Tiểu học Kim Đồng nằm ở đầu bản. Số lượng học sinh 12 em có độ tuổi từ 13-21 tuổi hiện tại đang theo học chương trình lớp 7 và hầu hết đều có hoàn cảnh gia đình khó khăn.

 

Mà không khó khăn sao được khi ở bản Chùa phần đông các hộ gia đình đều trông chờ vào nguồn thu nhập từ việc rà đào phế liệu chiến tranh. Từ tờ mờ sáng các em đã vào rừng hái rau, kiếm củi đến chiều lại theo cha, mẹ tiếp tục vào rừng đào bới, tìm kiếm phế liệu chiến tranh đến tối mịt mới về nhà. Có muốn đi học thì cha mẹ chúng cũng không cho với cái lý do là học xong cũng chẳng để làm gì thà ở nhà phụ giúp gia đình còn hơn.

 

Những ngày mới đến đây dạy học, nhìn xuống thấy các em gầy đen, áo quần rách không nguyên vẹn mà thấy lòng mình dâng lên niềm xa xót. Dạo ấy, các thầy, cô giáo trong trường lại vận động nhau quyên góp tiền mua áo quần tặng các em. Nhiều khi cứ nghĩ lẽ ra ở tuổi các em ngày ngày được cắp sách đến trường vui cùng bạn bè, đến tối ngồi vào bàn say mê học tập, thế mà từng ấy tuổi các em đã phải bỏ học để vật lộn mưu sinh cùng gia đình nên thấy thương và gắn bó với các em nhiều hơn.

 

Cô giáo Nguyễn Thị Hương, giáo viên dạy môn Văn tâm sự: Các em học sinh bản Chùa hiếu học lắm. Chính vì sự hiếu học của các em mà nhiều hôm một thân, một mình vẫn cố gắng vượt mấy cây số trong đêm tối để đến dạy cho các em. Thà mình lên lớp đợi học sinh đến học chứ đừng để học sinh đến đợi mình lâu, chúng tưởng mình không đến dạy đâm nản mà bỏ học thì tội lắm.

 

Có đêm đến lớp chờ mãi chẳng thấy em học sinh nào đến học đành phải mò mẫm trong đêm trở về, hôm sau hỏi học sinh sao không đến lớp thì mới biết là hôm đó trong bản tổ chức lễ nên cha, mẹ bảo ở nhà giúp việc.

 

Nhận dạy các em dù có vất vả nhưng vẫn cảm thấy ấm lòng vì mình đã góp phần giúp các em có kiến thức để sau này mang kiến thức ấy giúp cho bà con bản Chùa thoát cảnh khó nghèo. Đó là tâm nguyện của các thầy, cô giáo khi đến bản Chùa dạy học cho các em.

 

Thắp sáng những ước mơ

 

Khi chúng tôi hỏi em Hồ Thị Nguyệt rằng em ước mơ gì khi tham gia lớp học đêm, em bùi ngùi cho biết: Trước đây em đã học đến lớp 5 Trường Tiểu học Kim Đồng ( xã Cam Tuyền, Cam Lộ) rồi mẹ em lấy chồng (là người bố dượng thứ 3 bây giờ). Lúc ấy, gia đình em khó khăn lắm bởi đông con (có 9 anh, chị em) thế là bố dượng bảo em phải nghỉ học để theo dượng vào rừng kiếm củi. Nhiều lần em xin dượng được vừa học, vừa làm, dượng em giận dữ bảo em học chừng đó đủ rồi, có mài chữ ra mà ăn được không. Con gái phải phụ giúp gia đình một thời gian sau đó đi lấy chồng.

 

Trước sự đay nghiến của  bố dượng, em đành phải bỏ học. Rồi mới đây, các thầy, cô giáo ở Trường THCS Lê Hồng Phong đến mở lớp, em theo học. Ước mơ của em là được tiếp tục học lên các lớp trên nếu được có thể em sẽ thi Đại học, Cao đẳng để sau này đem kiến thức trở về giúp dân bản. Tất cả dự định đều còn ở phía trước và bây giờ cứ học được chừng nào hay chừng ấy.

 

Em chỉ tay sang chỗ trống cuối lớp rồi bảo rằng em còn hạnh phúc hơn nhiều bạn trong lớp. Chỗ trống kia là nơi bạn Hồ Thị Hằng vẫn ngồi từ trước tới nay, cách đây mấy hôm bạn Hằng đã xin thôi học để đi lấy chống ở tận Linh Thượng (huyện Gio Linh).

 

Chia tay các thầy, cô giáo và các em học sinh Vân Kiều ở bản Chùa để trở về Đông Hà trong đêm, tôi vẫn mang theo trong mình hình ảnh các em cặm cụi bên trang sách dưới ánh đèn đêm. Các em chính là những ngọn nến làm ấm đêm bản Chùa, ấm lòng các thầy, cô giáo ở Trường THCS Lê Hồng Phong đã đến với các em bằng cái tâm của người giáo viên vì học sinh thân yêu.

 

Bài và ảnh Sĩ Hoàng