Nhói lòng những đứa trẻ vùng biên giới Việt - Lào tới lớp trong bộ dạng nhem nhuốc
(Dân trí) - Hình ảnh những đứa trẻ ở bản Hòa Xuân, xã biên giới Keng Đu, Kỳ Sơn, Nghệ An (giáp biên giới Việt - Lào), chỉ cần nhìn vào cũng cảm thấy rơi nước mắt, khi trên thân thể các em với những bộ quần áo nhem nhuốc.
Điểm trường Mầm non Hòa Xuân là điểm lẻ thuộc trường Mầm non xã Keng Đu. Các em ở đây là lớp ghép 3 đến 5 tuổi. Ở đây các cháu 100% là người dân tộc Khơ Mú.
Hiện điểm trường này là lớp học tạm, đã xuống cấp, hư hỏng và làm ảnh hưởng đến công tác dạy, học của thầy và trò nơi đây. Tại đây, có một cô giáo "cắm bản", vừa dạy học, vừa nấu ăn cho 23 cháu. Tuy nhiên, trong số 23 cháu này, chỉ có 10 em có chế độ và buộc cô giáo phải san sẻ cho các em khác trong bữa ăn.
Những hình ảnh nhói lòng của con trẻ ở bản Hòa Xuân:
Để vào được bản Hòa Xuân phải qua một con suối lớn. Nếu gặp trời mưa, thì không thể qua lại và bản Hòa Xuân sẽ bị chia cắt.
Điểm trường Mầm non bản Hòa Xuân nằm dưới chân núi Huồi Xác. Nơi đây được biết là ngọn núi cao bậc nhất của xã Keng Đu. Bản Hòa Xuân có 48 hộ dân với hơn 200 nhân khẩu. 100% bà con ở bản Hòa Xuân là dân tộc Khơ Mú. Bà con ở bản Huồi Xuân rất vất vả, đời sống chủ yếu dựa vào nương rẫy, thi thoảng xuống dưới dòng sông Nậm Nơn.
Tại điểm trường này giao động từ 23-25 em học sinh và phải học lớp ghép 3-5 tuổi. Cô giáo Xeo Thị Tâm cắm bản tại đây cho biết: Gian nan nhất là câu chuyện các em thiếu ăn, đói và phải đến từng gia đình vận động các cháu tới lớp.
Tại điểm trường này được dựng một phòng học cấp 4 với mái ngói tôn, xung quanh được lắp ghép bằng những tấm ván non xẻ từ cây rừng. Hiện điểm trường này đã xuống cấp và rất bất an cho các em học trong lớp.
Đồ chơi của các em ở đây sử dụng những thứ đã cũ kỹ, vứt đi nhưng cũng phải để lại cho các cháu có đồ để chơi.
Trong lớp học, nền đất được san gạt sơ sài nên mỗi khi các em tới trường dường như nhem nhuốc...
Tủ đựng đồ của các cháu đã hư hỏng theo thời gian.
Cô giáo Xeo Thị Tâm vẫn miệt mài gieo những con chữ cho các em ở bản Hòa Xuân.
Cô Tâm cho biết thêm: "Công việc gieo chữ cho các em ở đây còn lắm gian nan vất vả. Khó khăn khi các em tiếng Kinh không biết, lạc hậu, đói và thường hay theo bố mẹ lên rẫy...".
Các em đến lớp ăn mặc sơ sài, nhơ nhuốc và thậm chí còn không có đôi dép để xỏ chân.
Những đứa trẻ ở Hòa Xuân vẫn mang bao nỗi khó khăn, xót xa... khi gia đình các cháu vẫn thiếu thốn.
Cô Xeo Thị Tâm - mới ra trường xin vào điểm trường này để hy vọng gieo những con chữ cho các em sau này được nên người. Vì vậy, cô không quản ngại gian nan, vất vả... Dù chỗ ăn, chỗ ở chỉ là một góc nhà bếp của điểm trường này khi nó đã xuống cấp.
Ông Lương Văn Ngam - Chủ tịch UBND xã Keng Đu mong muốn: "Chúng tôi mong muốn là làm sao cho bà con, các cháu Mầm non ở bản Hòa Xuân được giảm bớt khó khăn vất vả. Mong có trường lớp ổn định để con cháu ở đây được học hành đến nơi đến chốn, để cô giáo dạy học được chu đáo hơn. Điểm trường này cũng chỉ là căn nhà tạm bợ, đã xuống cấp. Chúng tôi sợ nhất là xuất hiện những cơn mưa bất chợt kèm theo gió lốc sẽ cuốn mất điểm trường này".
Trưởng bản Hòa Xuân Lương Văn Doọc cho biết: “Bà con ta ở đây khó khăn lắm. Học ít, trình độ dân trí thấp, sản xuất nương rẫy chịu nhiều ảnh hưởng của nắng nóng khá nhiều trong năm, rẫy dốc, cao. Đặc biệt, vùng này chịu ảnh hưởng nóng của thời tiết, thường xảy ra dịch bệnh cho gia súc, trẻ em cũng hay mắc bệnh. Mong muốn của bà con bản ta là điểm Trường Mầm non này được khang trang hơn, sạch sẽ hơn. Ở đây, các cô phải đến từng gia đình để vận động các em đi học, vì các cháu cũng đói lắm”.
Bản Hòa Xuân học sinh cấp 1 và mầm non có khoảng 55 em; trong đó bậc mầm non giao động từ 23-25 em, các em học sinh ở đây đi học là các cô phải vận động chứ không các bạn cứ thích là nghỉ học nên nhiều khi lớp trống huơ trống hoác.
Bản Hòa Xuân hiện vẫn còn đói nghèo và lạc hậu bậc nhất cái xã Keng Đu - một xã biên giới Việt - Lào.
Nguyễn Duy