1. Dòng sự kiện:
  2. 20 năm Chương trình Nhân ái

Nhờ sự chung tay của bạn đọc Dân trí, cô sinh viên trường ĐH Bách Khoa đã được ghép thận

(Dân trí) - Đang là sinh viên năm 3 trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, Nguyễn Thị Phương Thảo được phát hiện bị bệnh thận giai đoạn cuối với những tổn thương nghiêm trọng, xơ hết cầu thận, không còn khả năng hồi phục. Nhờ sự chung tay, giúp đỡ của bạn đọc Dân trí, Thảo đã được tiến hành ghép thận thành công và đã được xuất viện trở về nhà.

Câu chuyện của cô bé sinh viên năm 3 trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, Nguyễn Thị Phương Thảo bất ngờ phát hiện căn bệnh suy thận ở giai đoạn cuối được phản ánh trong bài viết: “Tình cảnh nguy kịch của nữ sinh viên ĐH Bách Khoa bị suy thận giai đoạn cuối” đăng trên báo điện tử Dân trí cách đây 6 tháng. Ngày đó, Thảo gần như đã nắm chắc trong tay “án tử” bởi căn bệnh đã ở mức báo động và không còn khả năng cứu chữa.

Nhờ sự chung tay của bạn đọc Dân trí, cô sinh viên trường ĐH Bách Khoa đã được ghép thận - 1
Nỗi đớn đau của gia đình Thảo khi hay tin con bị bệnh.
Nhờ sự chung tay của bạn đọc Dân trí, cô sinh viên trường ĐH Bách Khoa đã được ghép thận - 2
Đang học trên giảng đường, Thảo bị ngất xỉu và được thầy cô, bạn bè đưa đi cấp cứu.
Nhờ sự chung tay của bạn đọc Dân trí, cô sinh viên trường ĐH Bách Khoa đã được ghép thận - 3
Tại bệnh viện bác sĩ phát hiện Thảo bị suy thận ở giai đoạn cuối không còn khả năng phục hồi.

Là người trực tiếp điều trị cho em, bác sĩ Nguyễn Đăng Quốc- Trưởng khoa Thận của bệnh viện Thanh Nhàn khi đó đã chia sẻ: “Thảo bị bệnh thận giai đoạn cuối với những tổn thương, xơ hết cầu thận, không còn khả năng hồi phục nữa. Tình thế rất nguy cấp nên em phải vào điều trị ngay bằng phương pháp thay thế có thể là lọc máu, lọc màng bụng hoặc là ghép thận. Trong 3 cách đó thì ghép thận là phương pháp tối ưu nhất nhưng chi phí rất là lớn. Mẹ của Thảo cũng tha thiết nói với chúng tôi việc chị sẵn sàng cho con 1 quả thận nhưng số tiền lên đến vài trăm triệu đồng thật sự là cả 1 gia tài quá khổng lồ với gia đình của em”.

Nhờ sự chung tay của bạn đọc Dân trí, cô sinh viên trường ĐH Bách Khoa đã được ghép thận - 4
Mẹ của Thảo đã khóc ngất tại bệnh viện khi hay tin bệnh của con gái.

Sinh ra trong một gia đình thuần nông ở Nghệ An, bố mẹ nghèo khổ nên những ngày đi học, Thảo phải bươn trải làm thêm để chi trả các khoản ăn, ở của mình. Căn bệnh suy thận ở giai đoạn cuối khiến em bàng hoàng và không tin vào sự thật đang diễn ra trước mắt mình. Phía trước Thảo còn dang dở bao ước mơ, hoài bão rằng một ngày không xa sẽ ra trường, đi làm kiếm tiền phụ giúp bố mẹ.

Nhờ sự chung tay của bạn đọc Dân trí, cô sinh viên trường ĐH Bách Khoa đã được ghép thận - 5
Trong những ngày điều trị bệnh, em luôn được thầy cô, bạn bè bên cạnh nên có thêm động lực để chiến đấu với "Thần chết".
Nhờ sự chung tay của bạn đọc Dân trí, cô sinh viên trường ĐH Bách Khoa đã được ghép thận - 6
Bố mẹ Thảo làm nông nghiệp nên không bao giờ dám mơ đến số tiền hàng trăm triệu đồng ghép thận cho con.

“Thời gian đó thật sự là rất sốc chị ạ. Em muốn khóc, muốn hét lên thật to sao ông trời có thể bất công với em đến vậy nhưng em không làm được vì còn có mẹ. Em biết mẹ không đêm nào ngủ được, mẹ lén ra ngoài bên ngoài khóc cạn cả nước mắt. Chính hình ảnh đó khiến em phải mạnh mẽ để vượt qua và chiến đấu”- Thảo nghẹn ngào tâm sự, nhớ lại quãng thời gian chạy đua cùng Thần chết trước kia của mình.

Thương con và không chấp nhận việc con phải chết, chị Lê Thị Huyền (mẹ của em Thảo) được sự giúp đỡ của mọi người đã tiến hành các xét nghiệm ở các bệnh viện. Kết quả, thận của chị hoàn toàn tương thích với con gái nên hoàn toàn có khả năng ghép nhưng số tiền lên đến gần 400 triệu đồng khiến chị một lần nữa nghĩ mình phải bỏ cuộc. Đau đớn và ngậm ngùi, chị yêu con còn hơn cả tính mạng của mình nhưng cũng không làm thay đổi được một sự thật rằng chị không có một đồng nào cả để cứu con.

Nhờ sự chung tay của bạn đọc Dân trí, cô sinh viên trường ĐH Bách Khoa đã được ghép thận - 7
Được bạn đọc báo điện tử Dân trí giúp đỡ, Thảo đã trải qua ca ghép thận thành công.

“Lúc đó cả mẹ và em đều đã xác định bỏ cuộc chị ạ. Đường cùng, mẹ em còn tâm sự với bố em rằng, 1 quả thận mẹ cho em, 1 quả kia mẹ chấp nhận bán, đồng nghĩa với việc mẹ em phải chết để đánh đổi lấy sự sống cho em. Em biết được điều đó, thật lòng mà nói với em còn đớn đau hơn cả việc mình phải bỏ mạng”- Thảo khóc nấc lên kể chuyện.

Nhờ sự chung tay của bạn đọc Dân trí, cô sinh viên trường ĐH Bách Khoa đã được ghép thận - 8
Em hiện đã xuất viện và được trở về nhà tại Nghệ An.

Như một phép nhiệm màu, câu chuyện của em đã làm lay động bao trái tim bạn đọc báo điện tử Dân trí nên chỉ trong một thời gian ngắn số tiền gần 400 triệu đồng đã được quyên góp đủ. Không tin vào những điều cổ tích nhưng nó đã hiện hữu và gõ cửa với em. Thảo bước vào ca ghép thận tại bệnh viện Bạch Mai vào những ngày đầu tháng 2/2019 và nhanh chóng được xuất viện sau đó không lâu. Ca ghép thận của em được đánh giá là thành công mở ra cuộc sống mới cho cô bé sinh viên này.

“Con chị đã sống thật rồi em ạ. Ân tình này của các thầy cô giáo, bạn bè, các nhà hảo tâm là bạn đọc của báo điện tử Dân trí cả cuộc đời gia đình chị cũng không bao giờ quên được. Con sống là cả nhà chị còn được sống” – Chị Huyền (mẹ của Thảo) xúc động tâm sự những lời như được chắt ra từ gan ruột mình.

Nhờ sự chung tay của bạn đọc Dân trí, cô sinh viên trường ĐH Bách Khoa đã được ghép thận - 9
Thảo chia sẻ đến tháng 9/2019 em sẽ quay trở lại trường ĐH Bách Khoa Hà Nội để tiếp tục học tập.

Xuất viện, Thảo hiện đang nghỉ ngơi tại quê nhà ở Khối 6, phường Quỳnh Xuân, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An. Gương mặt phúng phính hồng, em khoe hiện đã tăng thêm được 3kg kể từ ngày về nhà. Sau phẫu thuật, hiện em vẫn đang uống thuốc thải ghép với thể trạng ngày một tốt hơn. Mẹ của Thảo, sau khi cho con 1 quả thận, hiện cuộc sống cũng bắt đầu đi vào ổn định, chị cũng đã đi làm được với tinh thần lúc nào cũng phấn khởi, vui tươi.

Theo dự định Thảo sẽ quay trở lại trường ĐH Bách Khoa Hà Nội vào tháng 9 tới để học lại năm 3, Khoa Công nghệ sinh học thực phẩm và sẽ học thêm 2 năm nữa (tổng là 5 năm) sẽ ra trường đi làm. Một cuộc sống mới đã được mở ra để Thảo tiếp tục thực hiện những ước mơ còn dang dở. Hình ảnh của em ngày hôm nay với nụ cười tươi rói trên gương mặt rạng rỡ chính là “kết tinh” của bao nhiêu tấm lòng, bao nhiêu tình thương và sự đùm bọc, chở che. Câu chuyện của em một lần nữa khẳng định những điều cổ tích luôn hiện hữu trong cuộc sống này để sưởi ấm những mảnh đời còn bất hạnh, khổ đau.

Phạm Oanh