Nhiều bạn đọc Dân trí khao khát được nhận bé bị bỏ rơi làm con
(Dân trí) – Sau khi Dân trí đăng tải bài viết “Cậu bé vừa lọt lòng đã bị mẹ bỏ rơi”, tổng đài của báo “nóng máy” bởi rất nhiều bạn đọc Dân trí gọi điện đến bày tỏ mong muốn được nhận bé làm con, được chăm sóc Hoàng Huy như ruột thịt…
“Thấy con bị bỏ lại bơ vơ trong bệnh viện, mình rơi nước mắt. Bởi vợ chồng mình 7 năm nay đã cố gắng tìm kiếm một “của để dành” đó mà không thể có được. Vì thế, mình tha thiết mong được nhận con, chăm bẵm con như chính ruột thịt của mình”, chị B tâm sự.
Cũng với mong muốn nhận bé Nguyễn Hoàng Huy làm con, anh N.V.M cho biết: “Mình rất mong mẹ bé sẽ về với con. Không ai lại nỡ bỏ đi núm ruột của mình thế cả, rất thương bé. Nếu trong trường hợp người mẹ đó không quay về, xin phép cho vợ chồng mình đón bé về nuôi. Gia đình mình, 7 năm nay thiếu vắng tiếng cười trẻ thơ”.
Không giấu nổi xúc động, anh M cho biết, anh và 5 cặp vợ chồng hiếm muộn trở nên thân thiết như anh em một nhà trong chặng đường vất vả tìm kiếm tiếng cười con trẻ. Cả 4 cặp vợ chồng kia đã đi đến đích, chỉ vợ chồng anh là không thể thành công. Anh biết được thông tin này cũng nhờ người bạn trong nhóm báo. Hai năm nay, anh luôn khao khát nhận một đứa con về nuôi nhưng chưa có duyên. Lần này, vừa nhìn thấy đôi mắt mở tròn to của bé Huy, rồi hình dung ra gương mặt mếu máo, tủi hờn của con trong lúc ngủ, anh đã hi vọng mình sẽ là vòng tay che chở cho con. Anh chị cũng đã đến thăm con tại bệnh viện, lại càng thương, càng khao khát được nhận con.
“Vợ chồng đứa em mình đang thu xếp từ Lào Cai xuống Hà Nội để thăm bé Nguyễn Hoàng Huy. Vợ chồng nó 10 năm nay không có con, luôn khao khát được vỗ về, bế bồng con trẻ. Đọc báo Dân trí, thấy bé Hoàng Huy bị mẹ bỏ rơi từ khi lọt lòng, hai vợ chồng cứ khóc nấc lên vì thương bé, muốn đón con về, dành tình yêu thương, sự chăm sóc của tình cha mẹ để bù đắp thiệt thòi cho con”, chị Nguyễn Thu L (Sở xây dựng Lào Cai) cho biết.
Rụt rè gọi đến báo Dân trí, chị N.T.V (Bắc Ninh) hỏi han về tình hình của Hoàng Huy. “Con yêu thế, chắc nhiều cặp vợ chồng muốn nhận nuôi lắm. Nếu mẹ bé không trở về đón con, em có cơ hội không chị ơi? Hai vợ chồng em, 10 năm rồi không có con, thèm khát tiếng khóc cười con trẻ lắm”, giọng V qua điện thoại như nghẹn lại vì xúc động.
Trên đây chỉ là một trong số ít những cặp đôi bày tỏ nguyện vọng mong muốn được nhận Hoàng Huy làm con. Rất nhiều cặp vợ chồng mong muốn được dành tình cảm, sự yêu thương để bù đắp sự thiệt thòi, tủi hờn mà khi vừa sinh ra con đã phải gánh chịu.
“Chúng tôi rất xúc động trước những tình cảm mà mọi người dành cho bé Nguyễn Hoàng Huy. Điều chúng tôi mong mỏi nhất là mẹ bé sau quyết định nông nổi, bồng bột sẽ quay trở về đón con, chăm sóc, nuôi nấng, yêu thương bé. Vì thế, trước mắt, bé vẫn sẽ được các y, bác sĩ khoa Nhi chăm sóc tại bệnh viện trong một vài tuần để có thời gian chờ thông tin từ mẹ bé. Chúng tôi cũng đang xin ý kiến từ Ban lãnh đạo BV Bạch Mai và sẽ chờ sự chỉ đạo tiếp theo”, BS Nam cho biết.
Theo quy định của pháp luật với trường hợp của bé Nguyễn Hoàng Huy, Bệnh viện Bạch Mai sau khi xác định bé Nguyễn Hoàng Huy là trẻ bị bỏ rơi sẽ làm việc với cơ quan chức năng để chuyển bé đến trung tâm chăm sóc trẻ mồ côi trên địa bàn Hà Nội. Bạn đọc Dân trí muốn nhận bé Nguyễn Hoàng Huy làm con nuôi phải nộp hồ sơ của mình gửi đến trung tâm chăm sóc trẻ mồ côi đăng ký nhận nuôi bé Nguyễn Hoàng Huy chứ không thể đăng ký trực tiếp với Bệnh viện Bạch Mai hay qua báo Dân trí. Điều 19 Luật Nuôi con nuôi năm 2010 quy định cụ thể như sau: Người nhận con nuôi phải nộp hồ sơ của mình và hồ sơ của người được giới thiệu làm con nuôi tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người được giới thiệu làm con nuôi thường trú hoặc nơi người nhận con nuôi thường trú. Thời hạn giải quyết việc nuôi con nuôi là 30 ngày, kể từ ngày Ủy ban nhân dân cấp xã nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Trong do,Hồ sơ của người nhận con nuôi gồm có: "1. Đơn xin nhận con nuôi; 2. Bản sao Hộ chiếu, Giấy chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ có giá trị thay thế; 3. Phiếu lý lịch tư pháp; 4. Văn bản xác nhận tình trạng hôn nhân; 5. Giấy khám sức khoẻ do cơ quan y tế cấp huyện trở lên cấp; văn bản xác nhận hoàn cảnh gia đình, tình trạng chỗ ở, điều kiện kinh tế do Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người nhận con nuôi thường trú cấp, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 14 của Luật này." Hồ sơ của người được giới thiệu làm con nuôi trong nước gồm có: "a) Giấy khai sinh; b) Giấy khám sức khoẻ do cơ quan y tế cấp huyện trở lên cấp; c) Hai ảnh toàn thân, nhìn thẳng chụp không quá 06 tháng; d) Biên bản xác nhận do Ủy ban nhân dân hoặc Công an cấp xã nơi phát hiện trẻ bị bỏ rơi lập đối với trẻ em bị bỏ rơi; Giấy chứng tử của cha đẻ, mẹ đẻ hoặc quyết định của Tòa án tuyên bố cha đẻ, mẹ đẻ của trẻ em là đã chết đối với trẻ em mồ côi; quyết định của Tòa án tuyên bố cha đẻ, mẹ đẻ của người được giới thiệu làm con nuôi mất tích đối với người được giới thiệu làm con nuôi mà cha đẻ, mẹ đẻ mất tích; quyết định của Tòa án tuyên bố cha đẻ, mẹ đẻ của người được giới thiệu làm con nuôi mất năng lực hành vi dân sự đối với người được giới thiệu làm con nuôi mà cha đẻ, mẹ đẻ mất năng lực hành vi dân sự; đ) Quyết định tiếp nhận đối với trẻ em ở cơ sở nuôi dưỡng." Lưu ý: Cha mẹ đẻ hoặc người giám hộ lập hồ sơ của người được giới thiệu làm con nuôi sống tại gia đình; cơ sở nuôi dưỡng lập hồ sơ của trẻ em được giới thiệu làm con nuôi sống tại cơ sở nuôi dưỡng. Ngoài ra, cũng nên lưu ý về điều kiện đối với người nhận nuôi con nuôi và người được giới thiệu làm con nuôi như sau:
a) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; b) Hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên; c) Có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi; d) Có tư cách đạo đức tốt. (2) Những người sau đây không được nhận con nuôi: a) Đang bị hạn chế một số quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên; b) Đang chấp hành quyết định xử lý hành chính tại cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh; c) Đang chấp hành hình phạt tù; d) Chưa được xóa án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của người khác; ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình; dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người chưa thành niên vi phạm pháp luật; mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em. (3) Người được nhận làm con nuôi, bao gồm: 1. Trẻ em dưới 16 tuổi. 2. Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: a) Được cha dượng, mẹ kế nhận làm con nuôi; b) Được cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận làm con nuôi. 3. Một người chỉ được làm con nuôi của một người độc thân hoặc của cả hai người là vợ chồng. 4. Nhà nước khuyến khích việc nhận trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khác làm con nuôi. |
Hồng Hải - Thế Nam