1. Dòng sự kiện:
  2. 20 năm Chương trình Nhân ái

Nhà có ba người bệnh

“Anh Quang bệnh khớp lâu lắm rồi nhưng chưa bao giờ đi khám. Cứ mỗi lần khớp sưng anh lại mua thuốc giảm đau về uống. Ảnh sợ tốn tiền, ảnh để dành tiền lo chữa bệnh cho em với bé Đình”.

Nói đến đây, đôi mắt người vợ trẻ của thầy giáo Thái Trung Quang đỏ hoe. Đứa con gái bốn tuổi cứ ngơ ngác hết nhìn mẹ rồi nhìn người lạ.

 

Nhà có ba người bệnh - 1

Gia đình có ba người bệnh nhưng đầm ấm của thầy Thái Trung Quang

 

Tiền thuê nhà trọ ba trăm ngàn đồng mỗi tháng, điện nước, sinh hoạt phí, tiền đưa vợ con đi tái khám ở TPHCM, tiền mua thuốc cho vợ, cho con, rồi bao nhiêu khoản chi phát sinh khiến số tiền lương một triệu tám trăm ngàn đồng mỗi tháng lãnh ra của Quang cứ như “gió vào nhà trống”.

 

Trăm ngàn chuyện phải lo

 

Sau ngày sinh con gái, Mỹ Linh thường xuyên bị mệt. Bác sĩ phát hiện Linh mắc bệnh tim, vậy là cứ mỗi tháng một lần, Linh lại đi về giữa Cà Mau - TPHCM để bác sĩ theo dõi điều trị. Lo bệnh cho Linh thôi đã vất vả thì hai vợ chồng lại nhận được tin dữ: bé Khả Đình, con gái họ, mắc bệnh giảm tiểu cầu, một căn bệnh nguy hiểm về máu. Đó là khi họ liên tục phát hiện cơ thể con gái mình có những vết tím bầm mà không rõ nguyên nhân.

 

Đưa con đi bệnh viện Nhi Đồng 1, bác sĩ bảo bé Đình bị máu khó đông rồi khuyên Linh đừng để bé Đình bị trầy xước, chảy máu sẽ rất nguy hiểm cho tính mạng của cháu. Mấy lần bé Đình nhập viện, hai vợ chồng nơm nớp nỗi lo mình sẽ mất con. Chỉ còn cách trông chừng con thật kỹ…

 

Ngày chưa sinh bé Đình, Linh còn đi bán buôn lặt vặt kiếm chút tiền chợ búa. Từ khi con bệnh, Linh không dám rời con nửa bước, sợ con mình lỡ nghịch đứt tay, trầy chân không phát hiện kịp, không cầm được máu thì con sẽ bỏ mình mà đi. Gia đình cha mẹ hai bên đều khó khăn lại ở xa, chẳng biết cậy nhờ ai, họ thu vén sống nhờ vào số tiền lương của Quang.

 

Mới ra trường mấy năm, lương của Quang sống một mình thôi đã khó, đằng này... Mỗi một lần đi lại, khám bệnh, mua thuốc cho Linh, ít nhất cũng hết một triệu đồng. Mỗi lần bé Đình nằm viện hay bệnh nặng thì cứ năm, ba triệu đi vay mượn để trang trải thuốc thang. Có lẽ vì vậy mà người thầy giáo trẻ ấy không một lần đi khám chữa bệnh khớp cho mình mà cố chịu đau.

 

Không nói ra, nhưng chúng tôi biết người thầy ấy còn lắm điều ray rứt. Cha anh bị nhồi máu cơ tim, hàng tháng cũng phải đi Sài Gòn tái khám và lấy thuốc, cùng một lượt với Mỹ Linh. Kiếm tiền cho vợ con đi chữa bệnh thôi đã khó, không lo được cho cha, hỏi mấy ai không thấy nhói lòng?

 

Ngôi nhà giàu tình thương

 

Hàng xóm bảo nhà thầy Quang hiền lắm. Thầy Quang hiền, vợ cũng hiền khô. Chưa bao giờ họ làm buồn lòng ai, cũng chưa bao giờ thấy họ buồn nhau. Đằng sau cánh cửa phòng trọ chừng mười bốn mét vuông nóng bức ấy là một gia đình nhà giáo nghèo, lắm lo toan nhưng đầm ấm: con gái ngồi chơi mấy món đồ chơi nấu ăn bằng nhựa đã cũ mà học trò thầy Quang gửi cho, vợ lúi húi chiên trứng cho bữa cơm trưa, thi thoảng lại đưa mắt trông chừng con, còn người chồng thì bò lăn ra đất để chấm bài. Có lẽ sự đầm ấm ấy giúp họ đủ sức để nắm tay nhau chống chọi những khó khăn, để lúc nào cũng cười rất hiền, rất hồn hậu.

 

Linh kể: “Trước đây, anh Quang được một đồng nghiệp cho mượn máy tính để soạn bài nhưng máy hư lâu rồi mà chưa có tiền sửa nên cứ đi dạy ban ngày, ban đêm anh sang nhà các thầy cô khác mượn máy tính làm việc, còn soạn bài chấm bài ở nhà anh Quang đều phải bò ra đất mà làm”. Kể, nghe như sự giải thích vì sao không có chỗ cho Quang ngồi làm việc trong căn nhà trọ bé xíu, nhưng ánh mắt người vợ trẻ lấp lánh những yêu thương.

 

Còn trẻ, vợ chồng Quang khuyên nhau: Cố gắng lo cho con, cố dành dụm mà trả nợ, nhưng chưa tháng nào hai vợ chồng được thấy mình có chút tiền dư. Nhưng, “nghèo khó, em chịu được hết, em chỉ lo cho bé Khả Đình…”, Linh tâm sự. Nhìn con ngày một lớn lên là niềm vui lớn, nhưng đó cũng chính là nỗi lo của người làm cha, làm mẹ. Tuổi thay răng của bé Đình ngày một đến gần. Lúc ấy, biết giữ làm sao để răng con gái không chảy máu? Biết giữ làm sao để con không phải xa mình…

 

Nhìn khắp phòng trọ của vợ chồng Quang chẳng thấy thứ gì đáng giá. Chỉ có chồng bệnh án, sổ khám chữa bệnh, toa thuốc và thuốc của hai mẹ con được cất cẩn thận, gọn gàng trên đầu giường. Chỉ cảm nhận được sự hy sinh, tình yêu thương họ dành cho nhau. Chia tay vợ chồng Quang, thầm cầu mong những người hiền lành, những người tử tế rồi sẽ gặp nhiều may mắn….

 

Theo Bích Uyên

 Sài Gòn tiếp thị