1. Dòng sự kiện:
  2. 20 năm Chương trình Nhân ái

"Người mẹ" thứ hai của hàng trăm trẻ em bệnh tim

Đó là chị Marichia Simcik Arese, một phụ nữ Ý, từng tham gia xuống đường biểu tình chống chiến tranh VN và bây giờ đang sống ở Mỹ cùng chồng và 2 con trai... Dự án của chị đang thực hiện tại VN đã góp phần chữa lành cho hơn 150 trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh.

Con đường đến với VN

 

Cách đây 10 năm, Marichia Simcik Arese đã đến VN, một đất nước mà khi còn là sinh viên, chị đã xuống đường đòi Mỹ chấm dứt chiến tranh. Hồi ức của Marichia dường như vẫn còn cháy bỏng trong tim của một nữ SV Ý tuổi hai mươi ngày nào. Chị kể: Trước 1975, tôi đang là một SV ở Ý, lúc ấy chiến tranh VN đang khốc liệt, cùng với những người yêu chuộng hòa bình, tôi đã xuống đường cực lực phản đối việc Mỹ ném bom tàn phá các làng mạc của VN.

 

"Ở quê hương tôi, vùng Seveso (Ý), hồi ấy có một nhà máy sản xuất chất độc màu da cam để cung cấp cho Mỹ ném xuống VN. Trước đó, không ai biết về điều này, bởi vì mọi công việc của nhà máy được làm khép kín. Thế nhưng, sau đó có một vụ tai nạn đã làm cháy nhà máy, sự thật mới được phơi bày. Biết được việc này, tôi đã cùng nhiều bạn bè khác vô cùng căm phẫn. Chúng tôi đã xuống đường biểu tình để phản đối. Tôi đã bị bắt... Đất nước VN có trong tôi từ đó".

 

Marichia đến Hà Nội, chị thực hiện một dự án giúp những người H'Mông làm sản phẩm truyền thống để mang về Mỹ bán, công việc rất thành công và chị cũng đã giúp nhiều người H'Mông có việc làm, có thu nhập. Năm 2003, thông qua internet, Marichia biết đến tiến sĩ Nguyễn Viết Nhân, và những công việc từ thiện của Văn phòng tư vấn Di truyền và Hỗ trợ trẻ em khuyết tật thuộc trường Đại học Y khoa Huế. Cơ duyên này đã cho chị hiểu nhiều về những việc mà TS Nhân đã làm cho trẻ em khuyết tật, trẻ em nghèo, bệnh tật của người dân VN. Marichia quyết định đến Huế.

 

Câu chuyện từ rác

 

Ở Huế, Marichia được gặp các em khuyết tật thuộc Cơ sở dạy nghề và đào tạo việc làm cho người khuyết tật và trẻ em khó khăn tại số 20 Nhật Lệ, TP Huế (gọi tắt là Ngôi nhà Hy vọng - Hope House).  

 

Dự án được bắt đầu bằng ý tưởng dùng những thứ phế thải như vỏ lon bia, bao bì mì gói, bánh kẹo... làm thành những sản phẩm lưu niệm truyền thống của VN để bán cho khách hàng khắp nơi trên thế giới. Marichia hướng dẫn cho những người khuyết tật dùng những bao bì bánh kẹo, mì gói, vỏ lon bia... rửa sạch, quấn vào các nan tre rồi đan thành những chiếc rá, rổ... truyền thống xinh xắn và nhiều màu sắc.

 

Những sản phẩm khác như: vòng đeo tay, khăn quàng cổ, túi xách, khung ảnh... hầu hết đều được làm bằng chất liệu với mẫu mã và kỹ thuật truyền thống như vậy. Khi bán những sản phẩm này, Marichia cho in kèm theo những poster có hình trái tim màu hồng cùng với lời giải thích ý nghĩa của sản phẩm. Và tiền thu được từ việc bán sản phẩm, Marichia dùng để trả lương cho những người khuyết tật và trích một phần để giúp mổ tim cho trẻ em VN.

 

Bằng cách này, trong vòng 5 năm qua, Marichia, ngoài việc tạo được công việc có thu nhập ổn định cho 25 người khuyết tật từ 800.000 - 1.000.000 đồng/tháng (ngoài ra, các em còn được ăn uống, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế), số tiền tích lũy được Marichia đã giúp hơn 150 ca mổ tim cho trẻ em tại miền Trung, hơn 20 trẻ em u não được phẫu thuật bằng dao Gammar và hiện tại chị còn giúp 40 bệnh nhi được điều trị cấp cứu tại khoa Nhi của Bệnh viện Trung ương Huế.

 

Ngôi nhà của Marichia tại Los Angeles, 5 năm qua đã trở thành quầy bán sản phẩm của những người khuyết tật VN. Và cũng chính những sản phẩm được làm ra từ "rác" như thế này, những trẻ em bị bệnh tim ở VN được mổ và chữa trị ngày càng nhiều...

 

Marichia tâm sự: "Theo tôi, làm từ thiện không phải là chỉ có những người giàu, mang tiền đến cho những người nghèo. Như bạn thấy đấy, chính những người khuyết tật ở đây mới là những người làm ra tiền để giúp chữa lành những trái tim bị thương tổn và điều ấy đã tạo được cho chính những người khuyết tật một niềm tự tin bởi ngoài làm việc để có thu nhập, họ còn giúp được những người khác".

 

Marichia giải thích: "Người mua sản phẩm này có được 4 lợi ích: 1. sở hữu được những sản phẩm đẹp, tốt, được làm công phu bằng kỹ thuật truyền thống của VN; 2. giúp cho những người khuyết tật có việc làm và có thu nhập ổn định; 3. giúp chữa lành những trái tim bệnh tật; 4. làm sạch môi trường. Chính từ những ý nghĩa này mà những sản phẩm dù được bán với giá rất cao, nhưng hầu hết người mua đều cảm thấy hài lòng và rất hạnh phúc".

 

Theo Bùi Ngọc Long
Thanh Niên