(Dân trí) - "Trời mưa, nước rơi cả vào mặt con. Tôi muốn làm cái nhà cho lành lặn mà ở mà không có tiền", chị Bùi Thị Thảnh khó nhọc diễn đạt.
Một tháng dùng không đến 10.000 đồng tiền điện
Theo chân ông Hoàng Văn Bảy, xóm trưởng xóm Phú Sơn (Lăng Thành, Yên Thành, Nghệ An), chúng tôi đến thăm gia đình anh Vương Văn Đào (43 tuổi).
Anh Đào và người em trai Vương Văn Quỳnh (32 tuổi) đang ngồi nhặt rau trên thềm. Rổ rau dền, anh Quỳnh vừa hái ngoài vườn về. "Mẹ được dì đón về chăm sóc, chữa bệnh, vợ thì đưa con về ngoại rồi, trưa 2 anh em ăn thế thôi", anh Đào chỉ rổ rau nói.
"Lạ kỳ, nhà này chỉ toàn ăn cơm rau, tháng may lắm được bữa thịt, bữa cá mà sao cả nhà đều mắc bệnh đái tháo đường, từ bà mẹ chồng, vợ chồng nhà Đào đến chú Quỳnh. Ông cụ nhà Đào cũng mắc bệnh đái tháo đường thời gian dài trước khi qua đời", ông Bảy nói.
Anh Đào bị khuyết tật trí tuệ, vợ anh - chị Bùi Thị Thảnh (39 tuổi) - bị di chứng chất độc da cam. Hồi anh chị cưới nhau, làng xóm chỉ biết nén tiếng thở dài lo âu...
Di chứng chất độc da cam cộng thêm căn bệnh đái tháo đường, tính tình không được khôn khéo nên giữa chị Thảnh và mẹ chồng thường xuyên xảy ra mâu thuẫn. 3 năm trước, bà Bùi Thị Hòa (mẹ anh Đào) quyết định chia cho vợ chồng anh Đào và 2 đứa cháu gian nhà ngang bé xíu, cũ kỹ.
Hồi đầu năm, bà Hòa vốn mắc bệnh tiểu đường nặng, thiếu ăn nên bị choáng, ngất xỉu ngoài vườn. Cú ngã khiến bà phải nằm viện gần 2 tháng trời. Bà Hòa xuất viện về nhà, được người em gái ở xã bên đón về. Vả lại, ở bên đó, ít nhất em gái cũng lo nổi cho bà ngày 3 bữa cơm cho người bệnh.
Mẹ và em trai ở nhà trên, vợ chồng, con cái anh Đào ở nhà dưới. 4 người tá túc trong gian nhà vừa cũ, vừa dột, đồ đạc lộn xộn khiến người ngoài nhìn vào càng thấy cám cảnh hơn. Trong nhà, ngoài cái xe máy cũ của anh Đào, không có tài sản nào đáng giá. 4 con người, nằm trên chiếc giường ọp ẹp với một cái quạt trần nhỏ xíu treo ở đỉnh màn.
"Nói chị không tin, nhà này chưa tháng nào dùng hết quá 10.000 đồng tiền điện. Nóng thế chứ nóng nữa, chị Thảnh cũng chả mấy khi cho chồng con bật quạt đâu. Tính khí tuy như vậy nhưng Thảnh là đứa siêng năng. Cả nhà này mình nó gồng gánh đấy. Bệnh tật thế nhưng suốt ngày ở ngoài đồng, không chăm lúa thì mò cua, bắt ốc, có hôm tối mịt mới về", ông Bảy nói.
Chăm chỉ, siêng năng, nhưng sức khỏe có hạn, thành ra, chị Thảnh cũng chẳng thể cáng đáng nổi gia đình mình. Mọi sinh hoạt trong gia đình phụ thuộc vào khoản trợ cấp chất độc da cam của chị Thảnh và trợ cấp thiểu năng trí tuệ của anh Đào. Chồng ngẩn, vợ ngơ, 2 con nhỏ dại, khoản tiền ấy chẳng thấm vào đâu...
Người phụ nữ bệnh tật mơ mái nhà lành lặn
Nấu xong nồi canh rau dền, anh Quỳnh và anh Đào dọn lên ăn. Hai người đàn ông nấu nồi cơm to, xới hẳn vào bát tô, chan canh vào húp xì xụp.
Giữa trưa, chị Thảnh tất tả đội nắng đạp xe chở 2 con nhỏ về. Vừa dựng chiếc xe đạp vào thềm, chị đưa cho chồng cái túi: "Cá đấy, ông ngoại vừa bơm ao, ở bên đó sốt ruột quá nên mang về", chị Thảnh giọng chỏng lỏn.
Trong khi chồng và em chồng ăn nốt bữa cơm, chị Thảnh xuống nhà dọn dẹp. Một góc nhà chất đầy những bao tải quần áo cũ. Số quần áo này chị xin từ các hội từ thiện về, chất vào bao tải, lúc nào cần mặc thì lôi ra tìm, vừa cái nào mặc cái ấy.
Chị Thảnh khẽ khàng ngồi lên giường cũ, tựa hồ có thể sập bất kỳ lúc nào, kê sát bức tường loang lổ nước ngấm từ trận mưa trước đó vài ngày. Dưới mái ngói, ngay phía trên chỗ đặt giường là tấm bạt che mưa đã rách từng mảng, sà xuống tận đỉnh màn.
Chị Thảnh kể, ngày nắng thì nóng nhưng chịu được. Ngày mưa, nước nhỏ hết cả vào mặt hai đứa con nhỏ. Thành thử, cứ mùa mưa là 2 đứa lại thay nhau đi viện, cảnh khổ lại càng khổ hơn. Thương con, bố mẹ chị bảo về hẳn bên nhà mà sống nhưng chị thương chồng, thương con, không chịu...
"Tôi chỉ ước có vài gian nhà lành lặn mà ở nhưng không có tiền, không làm được", chị Thảnh chia sẻ.
Ông Đoàn Bá Cảnh, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Lăng Thành cho biết, gia đình anh Vương Văn Đào, chị Bùi Thị Thảnh là hộ khó khăn về nhà ở địa bàn xã.
"Vợ chồng anh Đào sức khỏe yếu, không được nhanh nhẹn như những người khác, nên dù có cố gắng nhưng không thể vươn lên trong cuộc sống. Để giải quyết vấn đề khó khăn về nhà ở, giúp vợ chồng anh Đào ổn định cuộc sống, chính quyền địa phương và Mặt trận tổ quốc đang lên kế hoạch vận động, kêu gọi hỗ trợ gia đình xây nhà.
Chúng tôi mong muốn nhận được sự chung tay, góp sức của độc giả báo Dân trí để có thêm kinh phí xây căn nhà kiên cố cho gia đình anh Đào", ông Cảnh chia sẻ.