1. Dòng sự kiện:
  2. 20 năm Chương trình Nhân ái

An Giang:

“Người đàn ông đi là ngã, … đã "đứng dậy"!

(Dân trí) - Dù bác sĩ đã “bó tay” với căn bệnh lạ của mình, nhưng anh Tưởng vẫn gượng dậy sau những cú ngã "tự nhiên” để lên mạng tìm tòi học hỏi về cách nuôi rắn, nuôi sâu ngay trong căn nhà nhỏ của mình.

Anh là Trầm Hoàng Tưởng - nhân vật trong bài viết: “Không mong sống, chỉ mong được biết mình chết vì bệnh gì” (ngụ khóm Bình Đức 4, P.Bình Đức, TP Long Xuyên, An Giang) mà báo điện tử Dân trí đã đăng tải trong thời gian qua. Mới đây PV Dân trí có dịp ghé thăm anh và chúng tôi thật cảm phục trước ý chí “vượt lên chính mình” của anh khi anh Tưởng bắt tay vào việc nuôi sâu, nuôi rắn ngay trong căn nhà của mình.

Lên mạng tìm hiểu về cách nuôi rắn

Anh Tưởng không sợ chết. Anh chỉ mong trước khi mình chết sẽ biết được căn bệnh lạ của mình là bệnh gì. Nhưng sau nhiều lần anh Tưởng khăn gói lên TPHCM điều trị, … thậm chí có bác sĩ tìm đến tận nhà, nhưng cuối cùng anh Tưởng tạm gác lại “di nguyện” - đi tìm “tung tích” căn bệnh lạ của mình để tập trung vào công việc “làm ăn”.

Một hôm anh Tưởng xem truyền hình, thấy mô hình nuôi rắn hổ hèo trong nhà khá thành công. Anh âm thầm một buổi đi bán vé số, một buổi lên mạng tìm hiểu về cách nuôi rắn. Sau hơn 1 tuần lễ anh đã nắm bắt được hết kỹ thuật nuôi về loại rắn này nên anh đã bàn với chị Trần Thị Nghiêm - vợ anh Tưởng thực hiện mô hình nuôi rắn hổ hèo tại nơi ăn chốn ở của gia đình.
“Người đàn ông đi là ngã, … đã "đứng dậy"! - 1
Anh Tưởng cho biết nếu có vốn anh sẽ mở rộng mô hình nuôi rắn của mình
 
“Ban đầu, nghe anh Tưởng nói, tui cũng thấy đâm lo! Thậm chí tui còn nghĩ anh mắc thêm chứng bệnh hoang tưởng. Vì thấy riêng việc đi đứng của anh còn không xong thì nói chi đến việc nuôi con gì. Nhưng thấy anh kiên quyết quá và cũng rành mạch về cách nuôi nên tui đã đồng ý và nghĩ: nếu anh Tưởng nuôi đạt thì tốt còn không thì cũng là cách giúp anh Tưởng quên đi bệnh tật”. Chị Nghiêm bùi ngùi kể lại.

Trước khi bắt rắn con về nuôi, anh Tưởng ì ạch, bò tới bò lui xây cái bể nuôi rắn và phải mất đến 4 ngày liền mới hoàn thành (chiều ngang 0,7m dài 2 m). Sau khi xong việc chuồng trại, anh Tưởng tiếp tục lên mạng, truy tìm những nơi bán rắn con chất lượng, giá thấp. Cuối cùng anh tìm được địa chỉ tin cậy ở tận bên Tiền Giang. Anh Tưởng bỏ một ngày trời, một mình bắt xe buýt đi tới nơi để mua 30 con rắn con hổ hèo được 1 tuần tuổi với giá bán 120.000 đồng/con về nuôi.

Sau gần 1 năm bỏ công chăm sóc, đến nay đàn rắn của anh Tưởng còn được 26 con với trọng lượng trung bình từ 1kg – 1,5kg. Ngoài ra, anh Tưởng tận dụng diện tích mặt bể nuôi rắn để nuôi thử nghiệm 2 kg sâu con. Kết quả ban đầu cũng khả quan và anh đang lên kế hoạch mở rộng mô hình nuôi sâu độc đáo này.

Anh Tưởng bộc bạch: “Lời lỗ chưa biết như thế nào, nhưng thấy đầu ốc mình nhẹ nhõm. Và nếu một ngày tui có nằm xuống thì tui cũng vui khi để lại một chút vốn liếng cho vợ cho con. Chứ tiền bạn đọc giúp đỡ, mình để trong người thì sớm muộn gì cũng xài hết chú ơi!”

Mong muốn mở rộng mô hình

Anh Tưởng lăn xe đến bể nuôi rắn rồi mở nắp bể cho chúng tôi xem tận mắt 26 con rắn hổ hèo no tròn, da căng bóng lộng. Anh tính nhẩm: nếu bán rắn thịt hết thì cũng kiếm hơn 20 triệu đồng, nhưng tôi đã quyết định chỉ bán 8 con. Số còn lại tôi cho đẻ để sang năm bán rắn con cho mấy anh em trong xóm.

Thả con rắn chúa (con to nhất đàn gần 2 kg) về chuồng, anh Tưởng dẫn chúng tôi lại xem hai ổ trứng rắn mà anh đang ấp gia công trong 2 cái khạp to đặt cạnh góc bếp. Theo anh Tưởng nếu không có gì trở ngại thì trong khoảng 70 – 75 ngày nữa anh sẽ có hơn 100 con rắn con, với giá bán 250.000 đồng/con như hiện nay thì anh cũng kiếm được hơn 25.000.0000 đồng. 
“Người đàn ông đi là ngã, … đã "đứng dậy"! - 2
Thấu hiểu việc đi lại khó khăn của người khuyết tật nên anh còn nhận "chế" ra những chiếc xe chuyên dùng cho người khuyết tật như thế này

Sau khi đậy nắp khạp lại, anh Tưởng khó nhọc quay xe đến chỗ bể rắn và một mình anh tự thân đứng dậy (vịn vào thành bể - PV) để bê mấy cái thau chứa đầy những con sâu đang nhúc nhích cho chúng tôi xem. Anh nói: “Ban đầu định nuôi thử xem như thế nào, nhưng thấy cũng dễ nuôi nên tui đã nhân ra được 4 thau (tương đương 4 kg sâu). Trung bình mỗi tuần bán được 2 kg sâu con (với giá 150.000 – 200.000 đồng) cũng kiếm được từ 300.000 – 400.000 đồng. Xem như góp thêm tiền chợ cho bà xã!”

Trong lúc anh dẫn chúng tôi xem mô hình có một không hai của mình thì chị Nghiêm vẫn miệt mài vá xe cho khách ở ngoài đầu hẻm. Hai đứa con của anh cũng vừa đi học về. Bé nào cũng chăm ngoan. Lúc rãnh rỗi, cháu lớn (10 tuổi) còn biết phụ chị Nghiêm vá xe hoặc phụ anh Tưởng cho sâu, rắn ăn.

Trong suốt buổi nói chuyện với tôi, anh Tưởng chẳng nhắc gì đến căn bệnh “đi là ngã” của mình. Tuy nhiên, theo chị Nghiêm cho biết: “Lúc trước anh Tưởng còn tự đi từ đầu ngõ vào nhà được, nhưng bây giờ chân tay anh đều yếu. Bởi vậy, tất cả mọi di chuyển của anh hiện tại đều phải dựa vào 2 chiếc xe lăn (một chiếc đi ngoài đường, một chiếc đi trong nhà - PV). Mặc dù công việc nuôi sâu, nuôi rắn cũng vất vả, nhưng anh vẫn một mực muốn mở rộng thêm. Tui chẳng lo lỗ lời, chỉ sợ công việc nặng nhọc rồi ảnh sớm bỏ mẹ con em! ”

Chị Nghiêm đứng dậy, đôi mắt đỏ hoe chị đi vội ra tiệm sửa xe khi có tiếng khách gọi vá xe í ơi ngoài ngõ.

 Ngô Nguyễn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm