1. Dòng sự kiện:
  2. 20 năm Chương trình Nhân ái

Gặp lại cô bé giành giải nhất cuộc thi “Mùa hè của tôi”:

Nghị lực phi thường của đứa con hiếu thảo

(Dân trí) - Nén nỗi đau vào trong, Trần Thị Lan Hương (lớp 12C7 trường THPT Nam Đàn 2) cố gắng thay mẹ chăm em, thay bố lo toan việc nhà và nỗ lực trong học tập và trở thành một bí thư chi đoàn xuất sắc của trường.

Nghị lực phi thường của đứa con hiếu thảo - 1
Cô bé Trần Thị Lan Hương đoạt giải nhất cuộc thi Mùa hè của tôi do báo Dân trí tổ chức.

Tuổi thơ của Hương không được may mắn như những bạn bè cùng trang lứa. Vừa tròn 10 tuổi mẹ Hương đã bị căn bệnh trầm cảm biến chứng sang một dạng tâm thần phân liệt. Bán trâu, bán hết lúa trong nhà, bố đưa mẹ ra Hà Nội chữa bệnh. Hương ở nhà chăm sóc em Trà khi đó mới được 5 tuổi. Sau một năm điều trị ở Bệnh viện Bạch Mai, thấy bệnh của vợ có dấu hiệu thuyên chuyển, số tiền mang theo cũng đã hết nhẵn ông Trần Văn Đào xin đưa vợ về quê tiếp tục điều trị.

Năm 2005, chị Lam (mẹ của Hương) mang thai đứa con thứ 3. Mặc dù đã được các bác sỹ khuyến cáo không nên sinh con trong thời gian điều trị bệnh tâm thần nhưng khao khát có một đứa con trai chị bỏ ngoài tai mọi sự khuyên can của gia đình. Bé Anh Thơ vừa được 3 tháng tuổi thì căn bệnh tâm thần của chị tái phát và trở nên trầm trọng hơn. Chị không còn nhận ra ngay cả đứa con vừa mới sinh của mình. Mẹ không thể chăm em, không thể cho em bú, Hương trở thành “vú em” của em Anh Thơ.

Khi trong nhà không còn cái gì đáng giá để bán lấy tiền mua thuốc điều trị cho vợ, anh Đào quyết định bán chiếc xe Honda 82 phương tiện đi lai sau bao nhiêu năm tích góp của cả hai vợ chồng được 4 triệu đồng để dành mua thuốc cho vợ. Số tiền đó chỉ đủ mua thuốc thang điều trị cho chị Lam trong thời gian ngắn. Anh Đào đành gửi con ở nhà ra Hà Nội làm thuê. Bố đi vắng, mẹ bị bệnh, cô bé Hương lúc đó mới 13 tuổi trở thành trụ cột trong gia đình.

Em Anh Thơ không có sữa bú cứ khóc ngằn ngặt, Hương bế em đi khắp xóm xin cho em bú nhờ, rồi chắt nước cơm cho thêm một ít đường bón cho em ăn. Hương lo cho em từ cái ăn, tắm rửa cho em đến thức trắng đêm những khi em lên cơn sốt. Nhưng cái vất vả nhất đối với em là dỗ dành mẹ uống thuốc. Nhiều khi cho thuốc vào miệng rồi, vừa dỗ mẹ uống một ngụm nước cho thuốc trôi vào trong thì mẹ bất ngờ phun thắng cả nắm thuốc vào mặt em.

“Lúc đó em chỉ biết khóc thôi, tủi thân thì ít mà thương mẹ thì nhiều. Em chỉ sợ mẹ uống thuốc không đủ liều thì bệnh càng lâu khỏi. Nhiều hôm giữa đêm đang ngủ yên mẹ bỗng mở mắt trừng trừng ngồi dậy nhìn vào em Anh Thơ và nói “Mi là đứa nào ” rồi xông vào đánh em. Lúc đó em chỉ biết ôm lấy em Anh Thơ chạy ra sang nhà hàng xóm trú nhờ.

"Trời mưa, vừa ôm em, vừa gõ cửa nhà hàng xóm nước mắt hoà vào nước mưa mặn chát cả mồm", Hương tâm sự. Bà nội, bà ngoại đều tuổi đã cao nên cũng chẳng giúp hai chị em được nhiều. Các chú các gì cũng khó khăn, vất vả nuôi con ăn học nên chỉ hỗ trợ gia đình Hương được một phần. Còn lại phải trông vào tài quán xuyến việc nhà của em.

Mỗi tháng bố gửi về gần 1 triệu đồng, Hương tằn tiện chi tiêu để dành tiền mua thuốc cho mẹ và mua sữa cho em. “Chị em mình khoẻ mạnh, ăn như thế nào cũng được nhưng em Thơ đã thiệt thòi nhiều thứ phải để dành phần tốt cho em”, Hương nói với Trà như nói với chính mình. Có những ngày bố chưa kịp gửi tiền về, còn một ít chỉ dám để dành mua thức ăn cho mẹ và mua ít thịt hay quả trứng gà nấu cháo cho em ăn còn Hương và em Trà phải ra đồng bắt cua, đào rau má về ăn trừ bữa.

Nhiều hôm bữa cơm của hai chị em chỉ có độc mấy quả cà mặn chát ăn với một ít cơm. Để nuốt được hai chị em phải chế nước sôi vào. Căn bệnh của mẹ có dấu hiệu thuyên giảm, mẹ không còn la hét hay đập phá nữa mà chỉ ngồi nói luyên thuyên cả ngày. Không còn trừng mắt hỏi con “Mi là ai” nữa mà mẹ luôn tìm cách lẩn trốn chị em Hương.

“Mẹ nói là trong đầu mẹ luôn vang lên lời nói của ai đó rằng nếu mẹ ở gần mấy chị em mẹ sẽ giết hết cả”, Hương cho biết. Nhiều lúc đi học về là thấy mẹ đi vòng ra sau nhà rồi biến mất. Chưa kịp nấu cơm, hai chị em lại đổ xô đi tìm vì sợ mẹ lạc. Những lúc tỉnh táo hiếm hoi, chị Lam cũng giúp con nấu nồi cơm nhưng phần sống luôn nhiều hơn phần chín, chị em Hương ăn cơm mà nước mắt chan hoà với niềm hy vọng ngày mẹ khỏi bệnh sẽ không còn xa. Hai chị em sẽ được em an ủi, vỗ về và yêu thương như những bạn khác.

Nghị lực phi thường của đứa con hiếu thảo - 2
Giờ đây gia đình chị Lam rất cần đến sự giúp đỡ của mọi người

Khó khăn vất vả Hương lại có thêm nghị lực để vươn lên. Liên tục trong nhiều năm liền em là học sinh tiên tiến. Hương còn là một bí thư chi đoàn năng nổ nhiệt tình và có nhiều đóng góp vào phong trào chung của lớp, của trường. Nhận xét về cô học trò của mình, cô giáo Nguyễn Thị Minh Hải - giáo viên chủ nhiệm lớp 12 C7 cho biết: “Mặc dù gia đình rất hoàn cảnh nhưng em Hương đã nỗ lực cố gắng rất nhiều trong học tập cũng như trong công tác đoàn. Hương đặc biệt có năng khiếu về môn Tiếng Anh và Toán. Không có điều kiện để đi học thêm nên phần lớn kiến thức ngoài giờ học trên lớp Hương tự học ở nhà. Khó khăn vất vả là vậy nhưng Hương luôn là học sinh khá, điểm các môn Toán, Tiếng Anh đạt loại giỏi. Kết thúc chương trình THPT (lớp 12) vừa qua Hương được nhận học bổng Học sinh nghèo vượt khó của huyện. Hương là một tấm gương sáng về nghị lực và ý chí vươn lên rất đáng được các bạn trong lớp, trong trường học tập”.

Những ngày này, tranh thủ những thời gian rảnh rỗi hiếm hoi, Hương tập trung ôn luyện kiến thức cho kỳ thi đại học sắp tới. Nói về dự định tương lai của mình, Hương tâm sự: “Mơ ước của em là trở thành giáo viên hoặc một nhà kinh tế, vì vậy trong kỳ thi tuyển sinh ĐH năm nay em nộp hồ sơ vào khoa kế toán trường ĐH Hà Tĩnh và khoa sư phạm Tiếng Anh trường cao đẳng sư phạm Nghệ An.

Thi để thử sức vậy thôi chứ nếu có đậu thì em cũng không thể đi học được trong khi gia đình còn quá khó khăn, mẹ còn đau ốm và các em còn nhỏ quá, em không thể ích kỷ mà chỉ nghĩ cho riêng mình được. Mong mỏi lớn nhất bây giờ của em là mẹ nhanh khỏi bệnh để cả gia đình được sum vầy bên nhau.”

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:

 

1 . Em Trần Thị Lan Hương, hoặc anh Trần Văn Đào: xóm 2, xã Nam Cường, huyện Nam Đàn, Nghệ An. 

2. Quỹ Nhân ái - Báo Khuyến học và Dân trí - Báo điện tử Dân trí (Hà Nội)

Số 2/48 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội (Cạnh cây xăng Kim Mã)
Tel: 04. 3. 7366.491/ Fax: 04. 3. 7366.490 
Email:
quynhanai@dantri.com.vn

* Tài khoản VNĐ:

Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí

Số TK: 10 201 0000 220 639

Tại: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam - Chi nhánh Hoàn Kiếm


* Tài khoản USD:

Tên TK : Báo Khuyến học & Dân trí

Số TK : 10 202 0000 004346

SWIFT Code: ICBVVNVX106

Tại: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương thành phố Hà Nội

3. Văn phòng đại diện của báo:

VP Hà Tĩnh: 46 Nguyễn Công Trứ, Phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh. Tel: 039.3.857.122

VP Đà Nẵng: 25 Nguyễn Tri Phương, Quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Tel: 0511.3653.725


VP HCM: 40/17/16 Nguyễn Văn Đậu, phường 6 quận Bình Thạnh. Tel: 08. 35107. 331


VP Cần Thơ: 53/13 Lý Tự Trọng, Q Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Tel: 071.3.733.269

 

Nguyễn Duy - Hoàng Lam