1. Dòng sự kiện:
  2. 20 năm Chương trình Nhân ái

Nghị lực phi thường của chàng sinh viên hiếu thảo

(Dân trí) - Bố mất sớm, mẹ đau ốm nằm một chỗ, đứa con trai phải vất vả kiếm tiền nuôi bản thân và nuôi cả người mẹ tội nghiệp...

Đó là hoàn cảnh của hai mẹ con bà Nguyễn Thị Thân (66 tuổi) ở xóm 2, xã Sơn Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) và Thân Văn Thế (SN 1985) hiện đang học lớp toán 3A, Trường Đại học Sư phạm Huế.

Gia cảnh của người đàn bà tội nghiệp...  

Căn nhà tranh vách vôi của mẹ con bà Nguyễn Thị Thân nằm khuất sau một ngọn đồi đá trắng chẳng có gì khá giả. Bà Thân, một người phụ nữ đảm đang một đời vì chồng con nhưng cuộc sống thật bạc mệnh. Năm bà 15 tuổi vùng đất Đồng Lộc, Khe Giao (nơi bà sống) bị bom đạn giặc đánh phá bà hăng hái tham gia vào đội quân tải đạn, san lấp hố bom, chỉ đường cho bộ đội hành quân qua nơi mìn bom ác liệt. "Hết chiến tranh, tôi lấy chồng nhưng mãi đến năm 1985 mới sinh được một đứa con trai thì chồng phải chuyển vào Nam công tác", bà Thân đượm buồn kể.
 
Nghị lực phi thường của chàng sinh viên hiếu thảo - 1
Bao năm nay bà thui thủi một mình vì bệnh tật. Bà cũng đau đớn vì bệnh tật của bà mà đứa con phải chịu cảnh học hành chắp vá  
 
Chồng công tác xa nhà, ở nhà còn bố mẹ chồng ốm đau nằm một chỗ cùng đứa con nhỏ dại phụ thuộc vào bàn tay bà chăm sóc. Để có cái ăn, khi bà phải lặn lội lên rừng vác củi, khi xuống khe mò cua về bán kiếm từng bơ gạo nuôi gia đình. Lần hết cái ăn bà lên rừng chặt củi về bán mua gạo, khi đang vác củi từ trong rừng ra thì thấy chân rung, mặt choáng váng... tỉnh dậy thì thấy mình đang nằm trong trạm xá tay chân không cử động được. Bà Thân bị căn bệnh biến chứng mạch máu não từ đấy.

Sau tai nạn ấy, ông Tư (chồng bà) đành viết đơn xin cơ quan cho nghỉ hưu trước thời hạn không chế độ để về chăm lo cho gia đình. Có chồng về, bà Thân phần nào được bớt đi gánh nặng nhưng cũng từ đó sức khỏe bà giảm hẳn, mỗi lúc làm việc nặng là bà lên cơn co giật, tay chân không cử động được. Thương bà nhưng không có tiền để đưa tới các bệnh viện lớn chữa trị, ông Tư chỉ còn cách tìm các phương thuốc nam cho bà uống cầm chừng căn bệnh.

Một lần trèo cây hái thuốc trắc cho vợ uống thì ông ông Tư trượt tay ngã xuống rồi chết vì bị chấn thương sọ não.

Từ khi ông Tư mất, cuộc sống của mẹ con bà Thân càng trở nên khó khăn. Căn bệnh tai biến mạch máu não khiến chân tay bà co giật liền hồi không còn khả năng làm việc. Con trai bà Thân Văn Thế (SN 1985), học lực loại giỏi, tốt nghiệp xong cấp 3 nhưng vì hoàn cảnh gia đình nên đành gác lại giấc mơ vào giảng đường Đại học để vào Nam làm thuê kiếm tiền nuôi mẹ, vừa nuôi hi vọng có tiền đi thi Đại học.

Gần chục năm nay, từ khi chồng mất, đứa con trai duy nhất của bà lại xa nhà, hàng ngày trong căn nhà dột nát bên góc đồi ấy bà chỉ biết ôm lấy chiếc dường đơn xiêu vẹo mà chống chọi lại những cơn co giật triền miên. Thương bà đau yếu không đi lại, xóm làng góp tiền lấy cho bà liều thuốc giảm đau. Hằng ngày họ thay phiên nhau đưa nhúm gạo, mang bó củi đến nấu cơm cho bà ăn qua ngày. Bà Nguyễn Thị Thục (65 tuổi), một hàng xóm mấy năm nay cưu mang bà Thân thở dài:  "Tội nghiệp bà Thân, lên cơn co giật toàn thân, không anh em chú bác, suốt ngày nằm một mình trong nhà sống chết không biết lúc nào".

Bà Thục cũng cho biết thêm, mấy năm nay căn bệnh biến chứng mạch máu não của bà Thân ngày càng biến chuyển xấu, ngày bà Thân chỉ ăn được miệng chén cơm đêm về đau không ngủ được đau quằn quại van rên một mình trên giường mà không có ai chăm sóc...

Nỗ lực vươn lên của người con hiếu thảo

Bố mất khi đang học lớp 11, mẹ bị bệnh nặng, nhà nghèo nhưng Thân Văn Thế (con bà Nguyễn Thị Thân) không từ bỏ ước mơ của mình là được trở thành một bác sỹ giỏi chữa những căn bệnh quái ác cho những người như mẹ mình. Tốt nghiệp cấp 3 với học lực loại giỏi, nhưng không có tiền để tiếp tục đi thi Đại học em đành 'lỗi hẹn" với ước mơ của mình khi phải vào Nam làm thuê. "Ngày đó, tốt nghiệp cấp 3 cũng giống như các bạn là chuẩn bị ba lô, sách vở để lên đường đi thi thì em cũng vậy nhưng chỉ có khác là các bạn đi thi còn em mang sách vở vào Đắc Lắc hái cà phê cho một người quen gần nhà để kiếm tiền mua thuốc cho mẹ rồi ôn hy vong năm sau có tiền đi thi"- Thế tâm sự.

Suốt một năm, rồi hai năm trôi đi..., cứ mỗi mùa thi trôi qua là Thế lại rơm rớm nước mắt khi nghe tin các bạn báo tin đậu vào đại học. Còn em, thân trai nghèo khổ phải vật lộn nơi đất khách để kiếm từng đồng tiền gửi về mua thuốc, đong gạo cho mẹ sống qua ngày. Mỗi lần nghe bạn báo tin đang học trên giảng đường là mỗi lần khát khao vào Đại học trong người Thế trổi dậy. Để được học, Thế đành gác lại "ước mơ trở thành một bác sỹ" để thi vào Đại học sư phạm.

Và năm 2007 Thế đã đậu vào ngành sư phạm toán. "Để được học và sau này có thể không mất tiền chạy việc em chỉ còn cách thi vào đại học sư phạm. Học sư phạm không mất học phí và vừa đi học vừa làm gia sư để kiếm tiền nuôi thân" - Thế đượm buồn chia sẻ.
 
Nghị lực phi thường của chàng sinh viên hiếu thảo - 2
Ngoài việc học ở lớp, để có tiền trang trải học tập và nuôi mẹ bệnh tật ở nhà Thân Văn Thế phải đi dạy thêm, bưng cà phê kiếm tiền.
 
 
Hiện Thế đang học năm 3 lớp Toán 3A, trường ĐHSP Huế nhưng em không một lần chùng bước trước hoàn cảnh gia đình mình. Để có tiền nuôi bản thân và gửi về cho mẹ mua thuốc thì ngoài những buổi đến lớp là Thế phải lao vào làm thêm, khi làm gia sư, lúc lại bưng bê cà phê ở một góc hẻm nhỏ. Thế kể rằng, ''em đang làm gia sư cho 4 em học sinh cấp 2 và cấp 3 ở Huế, mỗi tháng em kiếm được 900 ngàn đồng nhờ làm gia sư, 200 ngàn trả tiền cơm tháng, 200 ngàn trả tiền phòng trọ, còn 300 trăm ngàn gửi về cho mẹ đong gạo, lấy thuốc uống, số tiền lẻ còn lại em gắng chi tiêu tằn tiện sống qua ngày...".
Với Thế, suốt 3 năm nay trên giảng đường không một ngày em được thảnh thơi, ngoài việc học tốt ở trường em phải tự kiếm tiền nuôi thân và nuôi thêm người mẹ bệnh nặng ở quê nhưng em chưa một lần từ bỏ ý chí học tập của mình. Khoản tiền nợ ngân hàng trước đây vay mượn chữa bệnh cho mẹ và lo tang cho cha giờ vẫn đang chồng chất, liệu rồi đây khi ra trường Thế có đủ khả năng gánh vác hay không?.
 

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:

 

1. Bà Nguyễn Thị Thân hoặc em Thân Văn Thế: xóm 2, xã Sơn Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh).

2. Quỹ Nhân ái - Báo Khuyến học và Dân trí - Báo điện tử Dân trí (Hà Nội)

Số 2/48 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội (Cạnh cây xăng Kim Mã)
Tel: 04. 3. 7366.491/ Fax: 04. 3. 7366.490 
Email: quynhanai@dantri.com.vn

* Tài khoản VNĐ:

Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí

Số TK: 10 201 0000 220 639

Tại: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam - Chi nhánh Hoàn Kiếm


* Tài khoản USD:

Tên TK : Báo Khuyến học & Dân trí

Số TK : 10 202 0000 004346

SWIFT Code: ICBVVNVX106

Tại: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương thành phố Hà Nội

3. Văn phòng đại diện của báo:

VP Hà Tĩnh: 46 Nguyễn Công Trứ, Phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh. Tel: 039.3.857.122



VP Đà Nẵng: 25 Nguyễn Tri Phương, Quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Tel: 0511.3653.725


VP HCM: 40/17/16 Nguyễn Văn Đậu, phường 6 quận Bình Thạnh. Tel: 08. 35107. 331


VP Cần Thơ: 53/13 Lý Tự Trọng, Q Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Tel: 071.03.733.269

Văn Dũng - Văn Tuân