1. Dòng sự kiện:
  2. 20 năm Chương trình Nhân ái

Mã số 206:

Nghị lực của cô sinh viên mồ côi nuôi 4 em ăn học

(Dân trí) - 10 năm trước, người bố qua đời sau một tai nạn giao thông, người mẹ vì lo toan nuôi 6 đứa con ăn học nên cũng lâm bệnh và ra đi mãi mãi. 19 tuổi, là sinh viên năm thứ 2 nhưng em đã phải thay bố mẹ nuôi các em ăn học.

Nhận được cuộc điện thoại của một giảng viên trường Đại học Hà Tĩnh gọi đến, mong sự giúp đỡ của quý báo tới hoàn cảnh đáng thương của em Phạm Thị Lộc, SV năm 2, Lớp K2, Khoa Tiểu học, trường Đại học Hà Tĩnh, chúng tôi liền tìm đến thôn Mỹ Châu (xã Thạch Ngọc, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh), nơi chị em Lộc đang sinh sống.
 
Về đến đầu xã Thạch Ngọc hỏi thăm nhà chị em Lộc, ai cũng tỏ ý xót thương đồng thời khen ngợi nghị lực của cô sinh viên mồ côi phải nuôi 4 em ăn học này.
 
 “Nhiều gia đình có tiền muốn con cái học hành cho giỏi cũng không được. Đằng này mấy con bé dù mồ côi cả cha lẫn mẹ mà vẫn ngoan ngoãn, chăm chỉ học hành và ại học giỏi nữa. Ở cái thôn nghèo này, ai cũng thương mấy chị em chúng nó. Người cho ký gạo, người cho dăm bảy nghìn đồng, nhiều người không có tiền thì cho bát cà, bó rau” – một cụ già trạc tuổi thất tuần bế cháu đứng đầu xóm cho hay.

Khi chúng tôi đến, căn nhà nhỏ nằm im vắng dưới rặng tre. Một cụ bà nhỏ thó, thân hình còng rạp từ túp bếp lụp xụp bước ra chào khách. Đó là bà ngoại của chị em Lộc. “Các cháu nó đang đi học cả. Chắc phải quá trưa chúng nó mới về. Cái Lộc đạp xe đi học tận trong thành phố Hà Tĩnh nên thường về muộn lắm” – bà Nguyễn Thị Lý (70 tuổi) cho biết.

Xế trưa mấy chị em Lộc mới về đến nhà. Tranh thủ cất chiếc cặp, thay bộ áo quần đồng phục, mấy chị em Lộc lại cùng nhau xắn tay lo việc nhà. Em ra vườn hái rau, em vào bếp nổi lửa nấu cơm...

Nghị lực của cô sinh viên mồ côi nuôi 4 em ăn học - 1

Bữa cơm trưa đạm bạc của mấy chị em Lộc

Nhà Lộc có 6 chị em. Chị gái đầu Phạm Thị Vân học hết lớp 9 đã phải bỏ học vào miền Nam làm thuê, Lộc là con thứ 2 trong nhà. Sau Lộc còn có 4 em: Phạm Thị Minh (lớp 12), Phạm Danh Trường (lớp 9), Phạm Thị Quỳnh (lớp 6) và em út Phạm Thị Giang đang học lớp 4.

Bất hạnh bắt đầu ập đến với gia đình Lộc cách đây 10 năm. Ngày định mệnh đó, anh Phan Danh Sơn (bố em Lộc) qua đời sau một tai nạn giao thông. Kể từ đó gánh nặng gia đình đổ dồn lên đôi vai gầy của người vợ. Từ ngày chồng mất cũng là chuỗi ngày mà chị Nguyễn Thị Quang (mẹ em Lộc) phải trải qua một cuộc sống cực khổ đủ đường. Mọi chuyện từ cái ăn, cái mặc đến chuyện học hành của 6 đứa con đều do chị gánh vác.

Quá vất vả, lam lũ chắt chiu từng đồng để nuôi các con ăn học khiến chị cạn kiệt sức lực. Cuối năm 2010, chị lâm bệnh nặng. Không có tiền đến bệnh viện chữa trị nên chỉ sau một thời ngắn chị cũng qua đời.

Với ánh mắt đượm buồn, Lộc nghẹn ngào: “Từ ngày bố mất, cuộc sống gia đình dù khó khăn nhưng tụi em còn có mẹ. Từ khi mẹ lâm bệnh qua đời, chúng em không còn biết nương tựa vào ai…”.
 
Mới 19 tuổi, Lộc đã phải làm chỗ dựa ruột thịt của các em. “Lúc đó em đã tính đến chuyện bỏ học nhưng các thầy cô và bạn bè động viên, giúp đỡ và nhớ lời mẹ dặn trước lúc mất nên em lại cố gắng học. Nhưng em cũng không biết có theo học được đến ngày nhận bằng đại học không nữa” - Lộc nức nở nói.

Chị cả phải đi làm thuê xa, nên ngoài giờ đến trường Lộc còn phải thay bố mẹ chăm lo cho 4 em ăn học. Hàng ngày, Lộc thường dậy từ sáng sớm lo cơm nước cho các em xong, mới lọc cọc đạp chiếc xe cũ vượt 15 km đến trường.

“Em cũng muốn ở trọ để có điều kiện học cho tốt, nhưng nếu em ở lại thì 4 đứa em sau sẽ không có ai lo cơm nước, dạy bảo học hành” - Lộc nói.

Chị em Lộc còn bà ngoại, nhưng bà cũng đã già yếu nên không giúp được gì nhiều cho mấy chị em.

Đến thăm chị em Lộc hôm đó còn có cô Nguyễn Thị Én - Trưởng khoa Tiểu học, trường Đại học Hà Tĩnh. Cô Én cảm thương: “Lộc là một sinh viên có hoàn cảnh đáng thương nhất trong khoa cũng như trường, nhưng ở Lộc có một điểm mà các bạn trong trường phải nể phục. Đó là ý chí, nghị lực vượt lên hoàn cảnh và phấn đấu trong học tập. Nhiều giáo viên trong trường, trong khoa cũng thường hỏi thăm và chia sẻ phần nào gánh nặng cùng chị em Lộc. Nhưng để em Lộc có được tấm bằng đại học và nuôi các em ăn học thì vẫn rất cần đến sự quan tâm chia sẻ của cả cộng đồng”.

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:

 

1. Em Phạm Thị Lộc: Sinh viên năm 2, Lớp K2, Khoa Tiểu học, trường ĐH Hà Tĩnh, hoặc (Phạm Thị Lộc, thôn Mỹ Châu, xã Thạch Long, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh).


ĐT liên hệ:0169.4560.158

 

2. Quỹ Nhân ái - Báo Khuyến học và Dân trí - Báo điện tử Dân trí (Hà Nội)

Ngõ 2 nhà số 48 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội (Cạnh cây xăng Kim Mã)

Tel: 04. 3. 7366.491/ Fax: 04. 3. 7366.490

Email: quynhanai@dantri.com.vn

 

* Tài khoản VNĐ tại VietComBank:
Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí
Số TK: 0451 001 944 487
Tại: Ngân Hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh Thành Công

 

* Tài khoản USD tại VietComBank:
Account Name: Bao Khuyen hoc & Dan tri

Account Number: 045 137 195 6482

Swift Code: BFTVVNVX

Bank Name: THE BANK FOR FOREIGN TRADE OF VIETNAM (VietComBank)

 

* Tài khoản VNĐ tại VietinBank:
Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí
Số TK: 10 201 0000 220 639
Tại: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam - Chi nhánh Hoàn Kiếm

 

3. Văn phòng đại diện của báo:

 

VP Hà Tĩnh: 46 Nguyễn Công Trứ, Phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh. Tel: 039.3.857.122

VP Đà Nẵng: 25 Nguyễn Tri Phương, Quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Tel: 0511.3653.725

VP HCM: 40/17/16 Nguyễn Văn Đậu, phường 6 quận Bình Thạnh. Tel: 08. 35107. 331
VP Cần Thơ: 53/13 Lý Tự Trọng, Q Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Tel: 0710.3.733.269

Đặng Tài – Văn Dũng