1. Dòng sự kiện:
  2. 20 năm Chương trình Nhân ái

Năm 2013, “Cơm có thịt” tặng “Học sinh cặp lồng”

(Dân trí) - Năm 2012, ''Cơm có thịt'' đã đến với trẻ 3, 4 tuổi của các trường mầm non. Thời gian tới sau khi tất cả trẻ em mầm non nhận được tiền hỗ trợ từ ngân sách, Dự án ''Cơm có thịt'' sẽ chuyển sang giúp đối tượng ''Học sinh cặp lồng''.

Một nhóm các nhà báo khi thấy bữa ăn nội trú của học trò Suối Giàng chỉ có cơm trắng và canh rau loãng, đã nhen nhóm lập một dự án nhỏ, để gần 200 học sinh nội trú dân nuôi của Suối Giàng, Văn Chấn, Yên Bái được ăn một, hai miếng thịt mỗi bữa ăn. Lúc đầu chỉ là dự định vài cá nhân gom tiền giúp, nhưng khi các nhà báo chia sẻ câu chuyện này trên trang nhật kí điện tử của mình, rất đông những người không quen trên cộng đồng mạng đã thiết tha đề nghị lập tài khoản để mọi người cùng chung tay, góp sức giúp học trò vùng cao. Dự án “Cơm có thịt” đã ra đời như vậy.

Từ Suối Giàng...

Suối Giàng là một địa điểm tại Văn Chấn (Yên Bái). Trên một đỉnh núi cao có ba trường: mầm non, tiểu học và trung học cơ sở quây quần. Gần hai trăm học sinh tiểu học và THCS xa nhà, ở lại trường trong các dãy nhà đủ các kiểu khác nhau, trong đó nhiều nhà sơ sài không đủ tránh rét.

Phần lớn số tiền quyên góp vào Dự án ''Cơm có thịt'' từ những ngày đầu tiên cho đến bây giờ chủ yếu đến từ những đóng góp nhỏ, những người không giàu có. Có người gửi tiền ủng hộ, và nhắn rằng: ''Hiện em đang chưa có việc làm, nếu sắp tới có chỗ đi làm, em sẽ gửi nhiều hơn''. Có bác gái trước khi lìa trần, dặn lại cháu con hãy mang tiền ủng hộ ''Bữa cơm có thịt''. Và con cháu bác đã nghẹn ngào thực hiện...

Những người Việt sinh sống xa quê, mà lo lắng chuyện ''Cơm có thịt'' cho những vùng họ chưa bao giờ biết đến, nhưng họ luôn cảm nhận đó là nơi phên dậu của Tổ quốc. Một số người khi về thăm quê đã tìm đến gặp các thành viên của Dự án. Chúng tôi chưa kịp nói lời cám ơn thì có người trong số họ đã nói: ''Tôi ở xa, cám ơn các anh chị đã làm thay tôi''.

Một bạn du học sinh người Việt ở nước ngoài thì gửi tin nhắn: ''Em không dư dả gì nhưng em đang nghĩ mỗi ngày chỉ cần em không mua một chai nước ở máy bán nước tự động mà chịu khó mang nước ở nhà đi là em đã có thế dành ra khoản nho nhỏ cho vào ống rồi cuối mỗi tháng em dồn lại gửi vào tài khoản giúp đỡ các bé''.

''Tháng 9 năm 2011, khi từ Suối Giàng về Hà Nội, chúng tôi dừng giữa đường ăn cơm. Và đó có thể là bữa cơm lặng lẽ nhất, khi ai cũng thấy đắng trong miệng. Nhưng từ khi chúng tôi đi đến các trường, mang áo ấm, mang quà của mọi người đến học sinh, thì bữa cơm nào của chúng tôi cũng tràn đầy niềm vui và tiếng cười, cho dẫu là khi ăn cùng các thầy cô giáo trong sương mù và cái rét ghê gớm của Y Tý, hay bát mỳ gói hiếm hoi đêm hỏng xe, ngủ lại ở Sàng Ma Sáo. Điều chúng tôi nhận được khi thay mặt mọi người đem thịt và áo ấm đến cho các em, đơn giản là hạnh phúc”, nhà báo Trần Đăng Tuấn, phụ trách Dự án ''Cơm có thịt'' xúc động chia sẻ.

...Lan sang hàng chục trường vùng cao

Khi số tiền cho ''Cơm có thịt'' ở Suối Giàng đã đủ, Dự án đã lan rộng sang nhiều trường bán trú tại Văn Chấn, Mù Cang Chải của Yên Bái. Quỹ Thiện Tâm (của Vingroup) đã chung tay giúp 1.400 em nội trú. Khi đó Dự án Cơm có thịt chuyển sang đối tượng là học sinh mầm non vùng cao. Đến thời điểm này có 46 trường mầm non, với 5.800 bé, của Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên... được ăn bữa ''Cơm có thịt''.

Và giờ đây, từ những đồng tiền ấy, các cháu học sinh ở những nơi Dự án giúp đỡ, đã tăng cân đến mức thầy cô giáo cũng ngạc nhiên. Từ những đồng tiền ấy, các em bé Tiểu học Lao Chải không phải tự nấu ăn, rồi chuyền tay nhau chiếc thìa chung xúc cơm từ nồi ăn mỗi bữa. Nay các cháu có bếp, nhà ăn ấm cúng, chúng quây quần bên bữa cơm chung có thịt, có rau.
 
Mẫu giáo Pha Lay (Điện Biên) ngày đầu ăn “Cơm Có Thịt”.
Mẫu giáo Pha Lay (Điện Biên) ngày đầu ăn “Cơm Có Thịt”.

Từ những đồng tiền ấy, các bé Mẫu giáo Dền Thàng không phải mang cập lồng đi học nữa. Các cháu ăn cơm bằng bát mới, thìa mới, và các cô giáo trẻ hàng ngày xúc vào bát chúng những miếng thịt, miếng cá - những món ăn mà trước kia các cháu chỉ hiếm hoi có được vào những dịp lễ tết.

Từ những đồng tiền ấy, nhiều bà mẹ ở Mường Nhà thôi không phải nén tủi hổ thả con hàng sáng cách cổng trường mẫu giáo rất xa, để con tự lon ton chạy vào, còn mẹ lẩn nhanh về, sợ cô giáo nhìn thấy, sẽ hỏi sao chưa đóng tiền ăn cho con. Giờ đây, mẹ có thể bế cháu trao tận tay cô, trong lòng không vương vấn nỗi khổ tâm ngày trước.

Từ những đồng tiền ấy, cậu học sinh nội trú ở Cát Thịnh (huyện Văn Chấn, Yên Bái), không bỏ giờ học ngồi canh mấy con cua bắt được ngoài suối, để dành cho bữa cơm mình tự nấu. Giờ đây cùng bạn bè, cháu có thể yên tâm học hành, và biết rằng khi trống tan lớp vang lên là đã có ''Bữa cơm có thịt'' đón đợi...

Kết nối toàn cầu

Điều mới của ''Cơm có thịt'' năm học 2012-2013 là sự lan toả đến lưu học sinh tại các nước. Chị Bùi Thu Thuỷ, Phó Trưởng Ban Biên tập chương trình VTV3, là nghiên cứu sinh tại Brisban, đã dấy lên ''Cơm có thịt'' Úc. Không ai ngờ rằng, qua Internet, học sinh Việt Nam ở Mỹ, Nhật, Anh, Nga, Hàn Quốc, Singapore, Ý, Ba Lan, Phần Lan, Thuỵ Điển, Bỉ, Pháp đã... vào cuộc. Trong mấy tháng gần đây, 1 tỷ đồng đã được gửi về Dự án từ cộng đồng du học sinh Việt Nam.
 
Các thành viên “Cơm Có thịt” ở Đức.
Các thành viên “Cơm Có thịt” ở Đức.

Bùi Thu Thủy chia sẻ trên trang nhật kí điện tử của mình: ''Không nề hà nhiều hay ít. 5 đô cũng quý, 50 đô cũng tốt, 500 thì càng tuyệt hơn. Mình sẽ công khai số tiền để các bạn biết. Các bạn ở Việt Nam thì có thể gửi theo địa chỉ trong bài của bác Trần Đăng Tuấn. Và nhờ sự lan tỏa của Dự án, mùa đông Úc sẽ ấm áp hơn''.

Võ Ngọc Ánh, du học sinh tại Mỹ thì san sẻ: ''Dự án ''Cơm có thịt'' cần các bạn, các em cần các bạn. Chúng ta sẽ bắc chiếc cầu yêu thương từ những tấm lòng đến với các em, sẽ trải tấm thảm yêu thương lên những triền đồi sỏi đá. Hạnh phúc sẽ kết nối hạnh phúc''.

Năm 2013, “Cơm có thịt” tặng “Học sinh cặp lồng”

Trong đêm Nhạc hội của học sinh trường Quốc tế Olympia (Hà Nội), đại diện Dự án ''Cơm Có Thịt'' đã có một video về một bé học sinh tiểu học Dền Thàng (Bát Xát, Lào Cai) mang đến lớp một cặp lồng, trong đó chỉ có những miếng bí đỏ lẫn ít hạt cơm trắng. Nhiều phụ huynh và học sinh của nhà trường đã rơi nước mắt. Ngay sau đó, phụ huynh và học sinh có trong khán phòng đã trao 50 triệu đồng ủng hộ Dự án ''Cơm có thịt''. Những em học sinh không trong diện bán trú thường mang cơm đến lớp ăn trưa, và bữa trưa của các em nói chung không có thức ăn ngoài cơm, thậm chí cơm độn như trường hợp em bé Dền Thàng.
 
Cặp lồng ăn tại lớp của một học sinh Tiểu học Dền Thàng.

Cặp lồng ăn tại lớp của một học sinh Tiểu học Dền Thàng.

Thời gian qua, chính sách hỗ trợ của Nhà nước đã lần lượt đến với nhiều đối tượng học sinh vùng cao. Thời gian đầu Dự án ''Cơm có thịt'' hướng vào học sinh dân tộc bán trú, sau đó Dự án ngừng với đối tượng này vì Nhà nước đã có chính sách cấp tiền ăn. Chính vì vậy, ''Cơm có thịt'' đã đến với trẻ 3, 4 tuổi của các trường mầm non. Thời gian tới sau khi tất cả trẻ em mầm non nhận được tiền hỗ trợ từ ngân sách, Dự án ''Cơm có thịt'' sẽ chuyển sang giúp đối tượng ''Học sinh cặp lồng''.

Xin mượn lời của một nhà thơ người Áo Rainer Maria Rilke để thay cho lời kết của bài viết này: ''Có điều kỳ diệu xảy đến với những người thực sự biết yêu thương: họ càng cho nhiều, họ càng có nhiều''. Điều đáng nói của Dự án ''Cơm có thịt'' là đã có một dòng chảy yêu thương liên kết hàng vạn con người, từ trong đến ngoài nước. Điều lớn nhất mà ''Cơm có thịt'' làm được chính là dòng chảy ấy. Nếu muốn chung tay giúp đỡ những em bé vùng cao, bạn đọc có thể dễ dàng tìm hiểu qua website: trandangtuan.com.

Phương Nhung
Ảnh: Dự án ''Cơm có thịt''