1. Dòng sự kiện:
  2. 20 năm Chương trình Nhân ái

Sóc Trăng:

"Một triệu cuốn vở..." đến với học sinh dân tộc Khmer

(Dân trí) - Sáng 15/12, PV Dân trí, Hội Khuyến học tỉnh Sóc Trăng cùng với công ty CPTS Bình An – nhà tài trợ đến trường tiểu học Pô Thi và trường THCS Dân tộc nội trú huyện Thạnh Trị (Sóc Trăng) trao 4.000 quyển vở tới các học sinh dân tộc Khmer nghèo nơi đây.

Điểm đầu tiên chúng tôi đến là trường Tiều học Pô Thi (Phường 5, TP. Sóc Trăng). Tuy trường Pô Thi “đóng đô” tại trung tâm thành phố nhưng số học sinh thuộc diện nghèo, cận nghèo chiếm trên 50% tổng số học sinh của trường.

Thầy Trần Văn Hiếu – Hiệu trưởng trường tiểu học Pô Thi cho biết: “Trường có 22 lớp học với tổng số học sinh là 637 em. Trong đó có đến 70% học sinh là con em đồng bào dân tộc Khmer và thương nhất là có đến  300 em học sinh thuộc diện cận nghèo và hộ nghèo. Bởi vậy, khi các em nghe tin được nhận vở các em mừng lắm, nhất là học kỳ 2 sắp đến”.
"Một triệu cuốn vở..." đến với học sinh dân tộc Khmer  - 1
Thầy Trần Văn Hiếu – Hiệu trưởng trường tiểu học Pô Thi trao vở cho các em học sinh

Tại buổi trao vở, niềm vui hiện rõ trên gương mặt của các em học sinh trường tiểu học Pô Thi. Em Lâm Thao – học sinh lớp 4 A cười tít mắt cho biết: “Vở mới tinh, trắng lắm, em rất thích. Và em nghĩ mẹ em sẽ rất vui vì không phải tốn 100.000 đồng để mua vở cho em trong học kỳ 2”

Đại diện chính quyền địa phương ông Lâm Văn Thao – Phó chủ tịch UBND phường 5 chia sẻ: “Món quà tuy không mang giá trị về mặt vật chất, nhưng qua chương trình “Một triệu cuốn vở đến với học sinh nghèo vùng sâu, vùng xa” do báo Dân trí phát động và sự đồng hành của Công ty Bình An là rất có ý nghĩa. Địa phương ghi nhận tấm lòng của quí vị và cầu chúc bạn đọc báo Dân trí cũng như công ty Bình An tiếp tục phát triển, cùng nhau thực hiện các chương trình mang nhiều ý nghĩa nhân văn như thế này.”
"Một triệu cuốn vở..." đến với học sinh dân tộc Khmer  - 2
Nhận được những quyển vở mới các em học sinh tiều học Pô Thi rất vui

Chia tay thầy trò trường tiểu học Pô Thi, chúng tôi theo quốc lộ 1 A, vượt 40 km nữa mới đến trường THCS Dân tộc nội trú huyện Thạnh Trị (Sóc Trăng).

Trường THCS dân tộc nội trú huyện Thạnh Trị được xây dựng từ năm 2006. Qua 5 năm phục vụ, vẻ bên ngoài của trường còn khá khang trang. Nhưng một điểm bất cập nhất ở đây là hơn 25 giáo viên của trường chưa có nhà công vụ để ở và hàng ngày phải đi chung nhà vệ sinh với các em học sinh.

Trao đổi với chúng tôi thầy Lâm Kim Hà – phó hiệu trưởng trường dân tộc nội trú huyện Thạnh Trị cho biết: “ Có những thầy cô đi về hơn 20 km, bởi vậy dạy xong buổi sáng các thầy cô phải nghỉ tại trưởng để dạy tiếp buổi chiều. Vì thế việc xây nhà công vụ hoặc một khu nhà vệ sinh riêng cho các thầy cô là niềm mong mỏi lớn nhất của tập thể giáo viên nhà trường hơn 5 năm qua.”
"Một triệu cuốn vở..." đến với học sinh dân tộc Khmer  - 3
Bà Đỗ Thị Hồng Loan - Chủ tịch Công đoàn công ty CPTS Bình An tặng vở đến các em học sinh

Được biết, trường THCS dân tộc nội trú huyện Thạnh Trị đang  nuôi, dạy 220 em học sinh. Tất cả các em học sinh đang theo học tài trường đều là con em dân tộc Khmer, 100% các em thuộc diện nghèo, gia đình chính sách. Mặc dù được nhà nước “bao cấp” về nơi ăn chốn ở nhưng cuộc sống của các em còn nhiều khó khăn.

Bịn rịn giờ chia tay với chúng tôi em Sơn Ngọc Phương – lớp 6A1 dẫn chúng tôi ra xem những luống rau do các bạn trong lớp tự tay gieo trồng, nhằm cải thiện bữa ăn hoặc bán cho căng tin làm quỹ lớp. Ngoài ra em còn thố lộ số vở vừa nhận được em sẽ lấy một nửa mang về tặng cho đứa em đang học tiểu học.

Riêng thầy hiệu trưởng Lâm Kim Hà chia sẻ: “Cuộc sống, dụng cụ học tập của các em học sinh nơi đây còn khó khăn lắm. Bởi vậy, khi nhận được 2.000 quyển vở này thầy trò chúng tôi rất vui mừng và mong báo Dân trí tiếp tục là cầu nối để nhiều em học sinh vùng sâu, vùng xa được các nhà hảo tâm, doanh nghiệp tiếp sức đến trường!”

Đại diện nhà tài trợ, bà Đỗ Thị Hồng Loan – Chủ tịch Công đoàn công ty CPTS Bình an (đơn vị tài trợ 15.000 quyển vở) chia sẻ sau chuyến đi: “Càng đi càng thấy chương trình “Một triệu cuốn vở đến với các em học sinh vùng sâu, vùng xa” do báo Dân trí phát động thật ý nghĩa! Và thấy nổi lo tiền mua sách vở của các em học sinh ở vùng sâu, vùng xa  khi học kỳ 1 sắp kết thúc là vấn đề cần san sẻ với các em. Nên tôi sẽ trình với Tổng giám đốc công ty tiếp tục đồng hành với Dân trí kịp thời tặng vở cho các em học sinh nghèo khu vực ĐBSCL, trước khi học kỳ 2 đến.”
 
Ngô Nguyễn