Bạc Liêu:
Một mình cơ cực kiếm tiền ăn học
(Dân trí) - Khi mới sinh ra cha đốt nhà rồi đã bỏ đi, mấy năm sau đó mẹ cũng qua đời. Em phải sống cùng ông bà ngoại, vừa đi chăn trâu vừa đi học. Mấy năm qua tự mình kiếm tiền lo cái ăn và lo cho con đường học vấn.
Ông Đào Hoàng Nam, Hiệu trưởng Trường Đại học Bạc Liêu kiêm Phó Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Bạc Liêu cho biết về hoàn cảnh của em Trần Văn Tân (SN 1989) đang học tại trường. Được sự giới thiệu của ông, chúng tôi xin được gặp em Tân để tìm hiểu thêm.
Em Trần Văn Tân sinh tại ấp Giáp Nước, xã Vĩnh Trạch, thị xã Bạc Liêu. Vừa mới sinh ra khoảng 7 tháng thì cha của em do nghiện cờ bạc, thường xuyên bực bội gia đình nên đã đốt nhà và bỏ đi biền biệt để lại người vợ cùng 2 đứa con thơ. Một mình mẹ em, bà Thạch Thị Ổi gồng gánh nuôi 2 con ăn học.
Do không còn nhà, đất bị bên nội lấy lại nên cả gia đình bà Ổi chuyển về ở với cha mẹ ruột của bà. Hàng ngày, bà Ổi làm thuê, làm mướn kiếm vài chục ngàn đồng để nuôi con. Mới 6 tuổi, em Tân đã phải đi giữ trâu mướn để kiếm tiền phụ mẹ. 9 tuổi em mới bước vào lớp 1. Một buổi học, một buổi chăn trâu cho đến khi học hết cấp 2.
Mong ước lớn nhất của Trần Văn Tân bây giờ là có sức khỏe
để kiếm tiền lo cho việc học và tìm lại được chị gái ruột của mình.
Khi mẹ mất, ông bà ngoại cũng làm thuê, làm mướn để tiếp tục nuôi Tân ăn học. Tân cho biết, do hoàn cảnh khó khăn quá nên em cũng đã có ý định nghỉ học rồi đi tìm gì đó làm kiếm tiền nuôi ngoại khi ngoại già. Nhưng rồi em đã quyết tâm đến trường vì em nghĩ rằng có học vấn sẽ có nhiều cơ hội có việc làm sau này hơn.
Sau khi học hết lớp 9, đây là thời gian mà em Tân gặp khó khăn nhất vì học lớp 10 sẽ xa nhà nên có rất nhiều nỗi lo cũng như chi phí cho việc học hành. Thời điểm này, do trường THCS Thuận Hòa (nơi Tân học cấp 2) đang xây dựng nên em xin vào làm thợ hồ để kiếm tiền đi học tiếp.
Sau khi làm 3 tháng hè, vào đầu năm học lớp 10, Tân phải rời gia đình ông bà ngoại để ra trung tâm thị xã Bạc Liêu học cấp 3. Rất may, ngoài số tiền em giành dụm được khi làm hồ, thì còn có sự trợ giúp của báo Bạc Liêu hỗ trợ 500.000 đồng vào đầu năm học. Số tiền 500.000 đồng này em mua sách vỡ, quần áo, một chiếc xe đạp để đi học nên số tiền ít ỏi này cũng hết.
Được sự giới thiệu của báo Bạc Liêu, Tân xin vào ở miễn phí trong ký túc xá của Trung tâm Giáo dục thường xuyên Bạc Liêu và em bắt đầu vừa học vừa đi làm, tự mình lo mọi việc. Ngoài việc học, Tân đi làm phụ giúp rửa chai, đóng nắp, lau chùi ở một xưởng rượu gần đó, kiếm mỗi tháng 300.000 đồng.
Làm tại đây cho đến nửa năm lớp 11, Tân nghỉ và xin làm tiếp viên ở nhà hàng Công tử Bạc Liêu, mỗi tháng cũng kiếm được 300.000 đồng để lo việc ăn uống và học tập. Tân bộc bạch: “Với số tiền ít ỏi đó em đã phải tiết kiệm nhiều lắm mới đủ. Vì một buổi học, một buổi làm nên em không còn thời gian để vui chơi với bạn bè vì thế cũng không dùng nhiều tiền lắm”.
Làm nửa năm ở nhà hàng Công tử Bạc Liêu thì em xin nghỉ. Sau đó, được một người quen giới thiệu, Tân mới đi giữ vuông tôm cho người ta được 800.000 đồng/3 tháng hè để kiếm tiền tiếp tục cho năm học lớp 12. Tân cho biết là do năm học cuối cấp nên em không đi làm nữa mà tập trung vào việc học để có thể có một kết quả tốt.
Thời gian em học lớp 12, ngoài số tiền giành dụm khi đi làm, Tân về xin gạo của gia đình ông bà ngoại (lúc này do tuổi cao, sức yếu nên ông bà ngoại của Tân sống cùng với người con út) và nhờ báo Bạc Liêu giúp đỡ thêm. Vì bên ngoại ai cũng nghèo nên cũng không giúp được gì cho em.
Tân tâm sự: “Sau khi học hết lớp 12, do không có tiền đi học nên thầy chủ nhiệm của em đã phải bán đi một số sách của mình để làm chi phí cho em lên Cần Thơ thi Đại học. “Cũng may” là em thi không đậu chứ nếu đậu chắc em cũng nghỉ chứ không có điều kiện để học tiếp được. Sau đó, em mới xin chuyển về Đại học Bạc Liêu và học ngành Nuôi trồng thủy sản”.
Khi nhập học, em xin vào ở căng tin trong trường THPT Phan Ngọc Hiển, vừa ở trường vừa giữ xe, phụ giúp mỗi tháng 400.000 đồng để lo chi phí cho việc học hành. Năm thứ I Đại học, được nhà trường giảm 50% nên cũng đỡ đần phần nào đó. Ở đây, em thường thức khuya, dậy sớm, một buổi học, một buổi làm nên nhiều khi rất mệt mỏi khiến việc học cũng bị ảnh hưởng nhiều. Nhưng em quyết tâm học cho hết Đại học để lo tương lai cho mình.
Năm học mới này, không biết phía nhà trường có miễn giảm học phí hay không nên mấy tháng hè vừa rồi em tập trung vào làm thêm, giành dụm thêm tiền để có thể trang trải đủ số tiền học phí. Càng ngày việc học càng bận hơn, nhiều khi em rất lo lắng không biết là mình có đủ điều kiện để có thể học được nữa hay không vì năm học thứ 2, rồi thứ 3, 4 sẽ có nhiều tốn kém, khó khăn, vất vả.
Tâm sự với chúng tôi, Tân cho biết, nhiều khi thấy bạn bè có điều kiện hơn, em rất ao ước được như thế, ít ra là một gia đình. Giờ bên nội hầu như không lo gì đến cho em, còn bên ngoại thì nghèo, tự ai nấy làm ăn không lo cho ai được gì. Chính vì thế em không muốn phụ thuộc bên ngoại nên phải tự mình chăm lo cuộc sống.
Hỏi Tân dự định cho mình thế nào ở những ngày sắp tới, Tân tâm sự: “Em chỉ mong có sức khỏe để làm kiếm tiền mà lo việc học Đại học cho xong. Ước mơ em muốn trở thành một kỹ sư thủy sản để cống hiến kiến thức của mình đã học cho quê hương”, Tân còn bộc bạch : “Em cũng muốn được tìm lại người chị ruột của mình đã cách biệt nhiều năm nay”.
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:
1. Em Trần Văn Tân - Trường THPT Phan Ngọc Hiển - Đường Nguyễn Tất Thành, phường 1, thị xã Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu. 2. Quỹ Nhân ái - Báo Khuyến học và Dân trí - Báo điện tử Dân trí (Hà Nội) Số 2/48 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội * Tài khoản VNĐ: Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí Số TK: 10 201 0000 220 639 Tại: Chi nhánh Ngân hàng Công thương Hoàn Kiếm Hà Nội
Tên TK : Báo Khuyến học & Dân trí Số TK : 10 202 0000 004346 Switch Code : ICBVVNVX106 639 Tại : Sở Giao dịch I – Ngân hàng Công thương Việt Nam 3. Văn phòng đại diện của báo: VP Hà Tĩnh: 46 Nguyễn Công Trứ, Phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh. Tel: 039.3.857.122 VP Đà Nẵng: 25 Nguyễn Tri Phương, Quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Tel: 0511.3653.725
|
Huỳnh Hải