Mẹ già 72 tuổi nhịn đói, nhường cơm cho con!
(Dân trí) - Khi những giọt nắng cuối ngày dần rơi xuống, người mẹ già bước thấp, bước cao trở về từ rừng cao su. Nắm lá giang (một loại lá rừng ăn được) căng phồng trong túi áo của bà. Đó là thức ăn buổi chiều của cụ và người con trai điên dại.
Mót mủ cao su, hái lá rừng nuôi con
Đến xã Thanh Phú của huyện Phước Long, tôi được người dân kể cho nghe về cảnh khốn cùng của người mẹ già và anh con trai điên dại, mỗi tháng chỉ với 15kg gạo được nhà chùa giúp đỡ. Tôi đề nghị xuống thăm mẹ con bà, hai phụ nữ trong Ban xóa đói giảm nghèo của xã đã đưa tôi đến nhà họ.
Lượn vòng trên nhiều con dốc khúc khuỷu, xuyên qua bãi lau sậy chằng chịt, căn nhà bé xíu của mẹ con bà hiện lên thấp thoáng dưới những tán cây. Thấy sự xuất hiện của chúng tôi, người thanh niên mình mẩy lấm lem bùn đất cười lên hềnh hệch rồi vừa nhảy nhót vừa la lớn “có khách, có khách…”
Được biết trước khi có được căn nhà tình thương do chùa Chưởng Phước trao tặng, mẹ con bà Nguyễn Thị Liên phải sống trong túp lều rách nát “ngày ngắm mặt trời, đêm ngắm trăng”. Từ khi có được nơi che mưa, che nắng mẹ con họ lại phải tiếp tục đối đầu với cái đói, cái khổ.
Bà Liên không quản vất vả, nhọc nhằn ngày ngày lên rừng
mót mủ cao su và hái lá giang nuôi người con nhiễm chất độc da cam.
Trên con đường mòn quanh co, lẫn sau những bụi lau sậy, người mẹ già bước thấp bước cao trở về nhà. Dáng người nhỏ xíu của bà xô nghiêng theo nắng chiều. Cậu con trai mình trần trùng trục, hớn hở chạy ra đón, đứng co một chân tạo dáng như Tôn Ngộ Không “đẻ…có khách, có khách”. Thấy chúng tôi, khuôn mặt khắc khổ gầy rộc của người đàn bà đã ở độ tuổi “thất thập cổ lai hi” bổng tươi lên, bà nhoẻn miệng cười chào khách rồi đi vào bếp cất vội cái xô mót mủ cùng nắm lá giang.
Thấy tôi thắc mắc hỏi về nắm lá bà đang lấy từ trong túi ra, không một chút giấu giếm bà cho biết: “Đây là lá giang, một loại lá rừng. Vườn nhà toàn sỏi chẳng trồng được rau cỏ gì cả nên mỗi buổi đi mót mủ trở về, tôi lại tranh thủ hái thêm nắm lá về làm canh ăn với cơm thay cho thức ăn!”
Qua trò chuyện với bà, tôi mới được biết về gia cảnh khốn cùng của hai con người đang ngày ngày phải đối mặt với cái đói và bệnh tật hành hạ.
Bà Liên quê gốc ở Quảng Bình, bà có gần 7 năm tham gia kháng chiến chống Mỹ trong đơn vị cứu thương nơi hỏa tuyến. Sau khi hòa bình lập lại trên cả nước, bà Liên đã vào Bình Phước với hy vọng sẽ tìm được cuộc sống tốt đẹp hơn cho bản thân. Tuy nhiên, số phận đã không mỉm cười với bà.
Năm 1976 bà lập gia đình ở cái tuổi quá lứa cùng một người ở quê cũng vào Nam sinh sống. Trước đó, người chồng của bà cũng tham gia trong kháng chiến chống Mỹ. Sau hơn 2 năm sống cùng nhau, bà mới mang thai và sinh con. Tuy nhiên, niềm vui của hai vợ chồng họ đã nhanh chóng biến thành nỗi buồn khi cậu con trai chào đời chỉ là hài nhi đỏ hỏn, “đầu không một cọng tóc, cơ thể mềm oặt như cọng bún”
Cũng từ đó, mâu thuẫn vợ chồng bắt đầu lớn dần. Người chồng tối ngày la lối, chửi bới bà: “Sinh ra người không sinh lại đi sinh ra ma ra quỷ”. Ông khăng khăng đòi vứt bỏ đứa con, nhưng bà nhất quyết không chịu mà giữ cho bằng được vì: “Dù sao nó cũng là giọt máu mình đã mang nặng đẻ đau”.
Hơn 6 năm sau khi chào đời, Nguyễn Văn Bình, con trai bà chỉ biết nằm ngửa trên giường. Người chồng ngày càng chán nản và xa lánh vợ con vì thế cuối cùng ông bà đã chia tay nhau. Bà Liên phải nuôi con trong sự đau đớn, tủi nhục. Mãi đến sau này khi đã đưa con đi nhiều bệnh viện khám, bà mới biết con của mình bị nhiễm chất độc màu da cam. Tuy bác sỹ kết luận là vậy, nhưng không hiểu vì lý do gì chính quyền địa phương lại liệt kê con bà vào danh sách những người bị mắc bệnh tâm thần.
Gần 7 năm trời, con trai bà mới bắt đầu chập chững những bước đi đầu tiên, và cũng phải đến khi đó bà mới được con gọi thành tiếng “đẻ ơi!”. Tuy nhiên khi lớn lên con bà trở thành người ngớ ngẩn, không có ý thức về cuộc sống, tối ngày chỉ lảm nhảm nói một mình, nếu không có ai tắm cho thì đến cả năm người con trai ấy cũng không tắm. Nhiều lần đi ra khỏi nhà anh không còn nhớ đường về, khiến bà mẹ phải chạy đôn chạy đáo đi tìm khắp nơi.
Bà Liên năm nay đã 72 tuổi nhưng vẫn phải ngày ngày lo kiếm cho con từng miếng ăn, lo cho con từng giấc ngủ. Không có ruộng nương, nên cuộc sống của hai con người này chỉ trông chờ vào việc đi mót mủ cao su của người mẹ. Tuy nhiên, do tuôi cao sức yếu bà chỉ đi được ở những lô cao su gần làng (những lô này đã có nhiều người đi).
Thấy hoàn cảnh khó khăn của mẹ con bà Liên chùa Chưởng Phước đã tặng cho mẹ con họ căn nhà tình thương và mỗi tháng giúp cho 15kg gạo. Đó cũng là nguồn lương thực chính nuôi sống mẹ con bà Liên trong nhiều năm nay.
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:
1. Bà Nguyễn Thị Liên - tổ 9,ấp Thanh Thủy, xã Thanh Phú, huyện Bình Long, tỉnh Bình Phước. 2. Quỹ Nhân ái - Báo Khuyến học và Dân trí - Báo điện tử Dân trí (Hà Nội) Số 2/48 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội * Tài khoản VNĐ: Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí Số TK: 10 201 0000 220 639 Tại: Chi nhánh Ngân hàng Công thương Hoàn Kiếm Hà Nội
Tên TK : Báo Khuyến học & Dân trí Số TK : 10 202 0000 004346 Switch Code : ICBVVNVX106 639 Tại : Sở Giao dịch I – Ngân hàng Công thương Việt Nam 3. Văn phòng đại diện của báo: VP Hà Tĩnh: 46 Nguyễn Công Trứ, Phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh. Tel: 039.3.857.122 VP Đà Nẵng: 25 Nguyễn Tri Phương, Quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Tel: 0511.3653.725
|
Vân Sơn