1. Dòng sự kiện:
  2. 20 năm Chương trình Nhân ái

Giám đốc Trung tâm Nhân đạo Vạn Xuân:

Làm nhân đạo không phải là sự ban ơn!

(Dân trí) - Là người tổ chức nhiều chương trình nhân đạo ý nghĩa như cung cấp bữa ăn dinh dưỡng cho bệnh nhân nghèo ở các bệnh viện, trao học bổng cho học sinh vượt khó, phẫu thuật cho người khuyết tật, nuôi dạy trẻ em mồ côi... Đó là chị Nguyễn Thanh Tâm - Giám đốc Trung tâm Nhân đạo Vạn Xuân.

Chị Nguyễn Thanh Tâm còn là  tác giả của chương trình nghệ thuật nhân đạo từ thiện lớn nhất nước ta từ trước tới nay với chủ đề: “Sự trở lại của mùa Xuân”. Trao đổi với phóng viên về ước vọng trong một mùa xuân mới, chị nói:

 

- Tôi có thể khẳng định, kế hoạch được ưu tiên và đầu tư công phu nhất trong thời gian tới là phối hợp cùng Quỹ nhân ái báo Khuyến học & Dân trí thực hiện các chương trình khuyến học trên khắp cả nước. Chúng tôi và đại diện Quỹ nhân ái đang cùng nhau thảo luận và trong kế hoạch của mình, tôi sẽ tài trợ hơn 1 tỷ đồng cho các chương trình khuyến học khắp cả nước trong năm 2006. Tôi rất quan tâm đến những em học sinh vượt khó học giỏi nhưng có hoàn cảnh gia đình khó khăn, những em gặp bất hạnh trong cuộc sống vẫn cố gắng vươn lên. Tôi mong muốn đem đến cho các em những mùa xuân trọn vẹn.

 

Thông qua sự hợp tác cùng Quỹ Nhân ái của báo Khuyến học & Dân trí, chắc chắn những chương trình nhân đạo và khuyến học sẽ về tận vùng sâu vùng xa và đạt hiệu quả tốt. Làm nhân đạo không chỉ làm bề nổi, tôi luôn mong muốn những chương trình này sẽ mang lại lợi ích thiết thực cho xã hội.

 

Rất nhiều chương trình nhân đạo mang ý nghĩa sâu sắc đều có bàn tay của chị. Làm sao chị có thể kham nổi nhiều chương trình như thế?

 

Vào năm 1989, gia đình nhỏ của tôi có một nỗi đau lớn: Chồng và đứa con nhỏ yêu quý của tôi ra đi vĩnh viễn sau tai nạn giao thông. Nỗi đau quá lớn không nói thành lời. Khi đã nguôi ngoai đôi chút, tôi quyết định phối hợp với Hội Chữ thập đỏ tỉnh làm nhân đạo.

 

Làm nhân đạo vất vả gấp cả trăm lần so với công việc kinh doanh trước đây. Tuy nhiên, tôi cảm nhận được những nỗi đau và sự vất vả của bản thân đã trải qua còn quá nhỏ bé so với nỗi đau của những người mình đã từng gặp. Vì thế, dù vất vả tôi vẫn gắng làm và làm ngày một lớn hơn, hiệu quả hơn. Đối với tôi, làm được một việc nhỏ để xoa dịu phần nào nỗi đau mà những người bất hạnh đang phải trải qua thì dù khó khăn đến mấy tôi cũng cố đến cùng, đó là sự đồng cảm với nỗi đau của người khác chứ không phải là sự ban ơn cho những người bất hạnh.

 

Trung tâm Nhân đạo Vạn Xuân của chị hiện đang hoạt động như thế nào?

 

Đầu năm 2004, sau khi tổng kết chương trình nhân đạo của mình, tôi nghĩ rằng, đã đến lúc cho người khuyết tật cần câu chứ không phải cho con cá. Vì vậy, Trung tâm Nhân đạo Vạn Xuân ra đời với mục đích vừa dạy nghề vừa là nơi người khuyết tật lao động sản xuất, tự làm ra sản phẩm nuôi sống bản thân mình.

 

Thời gian qua, chúng tôi đã cố gắng đưa các chương trình học nghề miễn phí, những môi trường làm việc cho người khuyết tật. Tại Trung tâm nhân đạo Vạn Xuân các cháu có thể cảm nhận được tình thương yêu đùm bọc của mọi người như chính mái ấm gia đình mình. Đó là sự đồng cảm của những tâm hồn đồng điệu trong một mái nhà mang tên Trung tâm nhân đạo Vạn Xuân.

 

Xin cảm ơn chị!

 

T.Đức (thực hiện)