1. Dòng sự kiện:
  2. 20 năm Chương trình Nhân ái

Nhân kỷ niệm ngày 8/3:

Kỳ tích vượt khó của một Chi hội trưởng phụ nữ

(Dân trí) - Từ thân phận tha hương làm mướn, chị đã vươn lên làm chủ cuộc sống một cách kỳ diệu nhờ bản lĩnh kiên trì, tính năng động và sự sáng tạo của bản thân.

Từ trung tâm xã Minh Đức (Hớn Quản, Bình Phước), đi khoảng 5 cây số đường đất bụi mù mịt, rồi len lỏi qua lô cao su thêm khoảng cây số nữa là tới nhà chị Lê Thị Hạ ở ấp Đồng Dầu. Giữa trưa nắng gắt, chị Hạ tất tưởi từ ngoài vườn vào, đón chúng tôi trong bộ dạng mồ hôi ướt đẫm.

Trong căn nhà lát gạch bông láng nhẵn, khuôn mặt chị rạng rỡ khi nói về cuộc sống hiện tại. Nhưng ít ai biết rằng, khoảng 2 năm về trước, hoàn cảnh gia đình người phụ nữ tuổi 37 này còn biết bao cơ cực.

“Nhà này được xây năm 2009, hết gần một trăm triệu, phải tích góp trong gần 20 năm mới có số tiền đó chú ạ”, chị nói về thành quả từ mồ hôi mà sự khởi đầu là những tháng ngày làm mướn gian truân của hai vợ chồng.

Cách nay gần 20 năm, trong một lần vào Bình Phước người thăm cháu, chị Hạ và anh Du nhận thấy đất đai, khí hậu ở Minh Đức có khả năng phát triển kinh tế hơn so với miền quê nghèo Hà Chung (Thanh Hóa). Đôi vợ chồng trẻ nảy ý định lấy nơi đây là quê hương thứ hai, với quyết tâm làm mướn kiếm tiền mua đất.

Kỳ tích vượt khó của một Chi hội trưởng phụ nữ - 1

Chị Hạ không dấu được niềm vui trước cuộc sống hiện tại.
 
Bốn năm nai lưng làm mướn, tích góp được ít tiền, anh chị quyết định mua nợ đất, số còn lại chỉ đủ dựng căn lều tạm để vợ chồng và đứa con chui ra chui vào. Nói là đất, nhưng lúc ấy là một khu rừng hoang sơ với lồ ô, cỏ dại, chung quanh không một bóng người. Làm ngày không xuể, anh chị tranh thủ làm đêm. Theo tuần trăng lên, hai vợ chồng hì hục phát rừng, đào gốc cây, ụ mối… Cứ thế, nhiều năm trôi qua, rừng hoang cũng biến thành vườn tược.

Nhớ lại khoảng thời gian cực nhọc, chị Hạ kể: “Lúc ấy mới sinh cháu đầu lòng, ông bà nội ngoại ở xa, bà con thì không có ai nên đi làm phải để cháu ngủ nhà một mình, có hôm về cháu ngủ lăn ra đất lấm lem, điện không có, hai vợ chồng hốt hoảng thắp đuốc tìm con”.

Ngoài công việc, chị Hạ vẫn giành thời gian tham gia sinh hoạt trong chi Hội phụ nữ ấp. Nhờ sự năng nổ nhiệt tình, lại chăm chỉ làm lụng, năm 1998, chị được Hội Phụ nữ xã Minh Đức tin tưởng cho vay số vốn 7 trăm ngàn. Chị mua gà chăn nuôi. Từ gà, chị góp tiền mua heo. Rồi từ heo lại sinh vốn nuôi bò… cứ thế đồng tiền được sinh sôi.

Cũng thông qua Hội Phụ nữ, chị học hỏi được nhiều kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi. Chị nói: “Nhờ con gà, con heo, con bò mới có tiền làm nhà và đầu tư trồng vườn. Vừa rồi làm nhà bán hết rồi, nay thu nhập chính là điều và cao su”.

Đảm việc nhà, chị Hạ đồng thời cũng giỏi công việc xã hội. “Nhậm chức” Chi hội trưởng Phụ nữ ấp 5 khi chỉ có 15 hội viên, nhưng qua một nhiệm kỳ, con số đó đã tăng lên 50, trong đó 2/3 là người dân tộc thiểu số (dân cư ấp 5 chủ yếu là người dân tộc thiểu số). Khi ấp 5 chia tách làm hai, nhờ sự khéo léo, nhiệt tình vận động của Chi hội trưởng Hạ, sau hai năm số hội viên ấp Đồng Dầu từ 18 đã tăng lên 43. Nhiều chị em hội viên cũng từ sinh hoạt Hội đã thoát được nghèo và làm giàu như chị Phạm Thị Lan, chị Huỳnh Thị Vân…

Các con của chị cũng noi gương bố mẹ học hành chăm chỉ và đạt thành tích cao. Cháu đầu Nguyễn Thái Hường, học sinh lớp 11 trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh, nhiều năm liền là học sinh tiên tiến. Hai cháu Nguyễn Tài Hoàn lớp 9 và Nguyễn Trung Hiệp lớp 6 trường THCS Minh Đức cũng là học sinh tiên tiến trong nhiều năm liền. Hết giờ học, các cháu chăm chỉ phụ giúp bố mẹ công việc gia đình. “Thằng thứ hai chịu khó lắm, nửa đêm đi cạo mủ cao su cho tới sáng, cạo còn giỏi hơn bố nó nữa cơ”, chị Hạ khoe.

“Khoảng 2 năm nữa, thu nhập của gia đình hàng năm không dưới trăm triệu”, chị Hạ cho biết.

Nhớ về những tháng ngày làm mướn cực nhọc, thiếu thốn trăm bề mà những hôm mưa gió vợ chồng con cái ôm nhau nép vào góc nhà tạm vách lồ ô, chị Hạ không dấu được niềm vui trước cuộc sống hiện tại. Với chị, thành quả của ngày hôm nay là một kỳ tích… kỳ tích vượt khó.

 

Quang Trung