Khánh thành Bếp ăn Nhân ái dành tặng học sinh nghèo miền núi Tuyên Quang
(Dân trí) - Ngày 1/9, Báo điện tử Dân trí phối hợp với trường THPT Minh Quang (Lâm Bình, Tuyên Quang) tổ chức lễ khánh thành Bếp ăn Nhân ái dành tặng các em học sinh nghèo, ngay trước thềm năm học mới 2022- 2023.
Công trình Bếp ăn Nhân ái dành tặng các em học sinh trị giá 200 triệu đồng do bạn đọc Báo Dân trí chung tay đóng góp kinh phí. Tổng diện tích của bếp ăn rộng khoảng 105m2, xây cấp 4, lợp mái tôn chống nóng. Sau 3 tháng xây dựng, bếp ăn đã hoàn thiện và kịp đưa vào sử dụng phục vụ các em học sinh và thầy cô trước thềm năm học mới 2022-2023.
Công trình Bếp ăn Nhân ái nhằm giúp các em học sinh bán trú và một số em học sinh ở lại trường buổi trưa, cùng các thầy cô giáo ở tại trường có chỗ nấu ăn, đảm bảo việc dạy tốt, học tốt.
Phát biểu tại buổi lễ, nhà báo Phạm Tuấn Anh - Tổng Biên tập Báo điện tử Dân trí nhấn mạnh tư tưởng Nhân văn - Nhân bản - Nhân ái đã hình thành nên giá trị cốt lõi của Báo điện tử Dân trí - tờ báo điện tử hàng đầu Việt Nam.
Bếp ăn Nhân ái của trường THPT Minh Quang, là công trình thứ 3 được xây dựng tại tỉnh Tuyên Quang và cũng là công trình thứ 44 về xây dựng, nâng cấp…, điểm trường trong cả nước đã được bạn đọc Dân trí chung tay giúp sức nhiều năm qua. Công trình này được khánh thành vào đúng dịp lễ Quốc khánh thiêng liêng, là một mốc thời gian đặc biệt ý nghĩa.
"Từ nay, ước mơ có một bếp ăn khang trang, đảm bảo an toàn vệ sinh tại trường đã trở thành hiện thực. Các em học sinh sẽ có điều kiện sinh hoạt và học tập tốt nhất. Chúng tôi tin, công trình ý nghĩa này sẽ giúp các em học sinh phát huy được tinh thần ham học và mong trong tương lai kết quả học tập của các em sẽ tốt hơn… ", nhà báo Phạm Tuấn Anh bày tỏ.
Nhà báo Phạm Tuấn Anh chia sẻ thêm, Báo điện tử Dân trí sẽ luôn đồng hành, chào đón các em học sinh có niềm đam mê ngành báo chí truyền thông. Báo điện tử Dân trí cũng sẽ thông tin, kết nối tạo nhiều cơ hội việc làm giúp các em sau này.
Cũng tại buổi lễ khánh thành, nhà báo Phạm Tuấn Anh đã trao 42 suất học bổng (mỗi suất trị giá 500.000đ) tới các em học sinh nghèo có thành tích học tập tốt của trường THPT Minh Quang.
Cũng trong buổi lễ trang trọng này, còn có các nhà hảo tâm là cựu học sinh trường THPT Minh Quang và một số doanh nghiệp tại địa phương, đã ủng hộ nhiều phần quà là các vật dụng thiết thực phục vụ cho bếp ăn như bếp ga, nồi cơm điện, quạt…
Ngay sau những chia sẻ đầy tâm huyết của nhà báo Phạm Tuấn Anh, ông Nguyễn Văn Hiền - Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Bình xúc động gửi lời cảm ơn sâu sắc bạn đọc Dân trí, Ban biên tập Báo điện tử Dân trí, các nhà báo đã đồng hành cùng những nhà hảo tâm để giúp đỡ địa phương có được công trình đặc biệt ý nghĩa này.
Ông Hiền cho biết thêm, Lâm Bình là một huyện miền núi được thành lập từ năm 2011 gồm 1 thị trấn và 9 xã. Lâm Bình có 12 dân tộc, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 92%, tỉ lệ hộ nghèo và cận nghèo là 71%. Về vị trí địa lí, di chuyển từ trung tâm huyện đến thành phố Tuyên Quang là 140km.
Trước điều kiện còn gặp nhiều khó khăn như vậy, các em học sinh, phụ huynh trường THPT Minh Quang may mắn được bạn đọc Báo Dân trí quan tâm, giúp đỡ. Tấm lòng nhân ái của bạn đọc Dân trí, địa phương rất trân trọng và ghi nhớ.
Cũng trong không khí tưng bừng của buổi lễ, thầy Thạch Đại Thánh - Hiệu trưởng trường THPT Minh Quang xúc động nói: "Từ nay ngoài việc giáo dục các em kiến thức, rèn luyện năng lực, phẩm chất, các em sẽ có bếp ăn tập thể và những bữa ăn ngon để nâng cao thể lực, tâm trí để học tập và rèn luyện tốt.
Chúng tôi rất vui mừng và biết ơn các tấm lòng hảo tâm, Báo điện tử Dân trí đã quan tâm giúp đỡ. Đây là một món quà hết sức ý nghĩa ngay trước thềm năm học mới, là động lực lớn lao thúc đẩy đội ngũ sư phạm nhà trường vươn tới những thành công hơn nữa, trong sự nghiệp trồng người".
Trường THPT Minh Quang hiện có khoảng hơn 600 em học sinh theo học. Các em chủ yếu là con em đồng bào dân tộc thiểu số như dân tộc Tày, dân tộc Dao, dân tộc Pà Thẻn…. Trong đó 70% học sinh thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo thuộc 4 xã của huyện Lâm Bình là Hồng Quang, Minh Quang, Phúc Sơn, Thổ Bình và 1 xã thuộc huyện Chiêm Hóa là Tân Mỹ. Tất cả các xã đều thuộc vùng 135 đặc biệt khó khăn. Xa trường nhất là xã Hồng Quang, cách trường đến 45 km.
Hiện có khoảng 100 em học sinh đang ở bán trú tại trường, gần 160 em học sinh phải ở trọ gần trường và khoảng 100 em học sinh ở lại trường vào giờ trưa để học tiếp ca phụ buổi chiều.
Thầy Đinh Tiến Phi, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ trường THPT Minh Quang chia sẻ: "Đa phần ở bán trú là các em học sinh thuộc đồng bào dân tộc thiểu số, có hoàn cảnh rất khó khăn. Nơi để các em nấu ăn, thực sự quá tạm bợ. Nhiều khi thấy các em đói bụng lên lớp vì không thể nấu ăn, chúng tôi thương các em lắm. Nhiều năm nay, thày cô và phụ huynh rất mong muốn có một bếp ăn tập thể, để các em đỡ vất vả".