1. Dòng sự kiện:
  2. 20 năm Chương trình Nhân ái

Hơn 70 triệu đồng đến với nam sinh viên bị não úng thủy, liệt chân

Tiến Thành

(Dân trí) - Bài viết về cậu sinh viên nghèo bị bại liệt, não úng thủy Nguyễn Văn Thắm trên Dân trí đã tạo hiệu ứng mạnh mẽ. Thông qua chương trình nhân ái, bạn đọc đã chung tay ủng hộ Thắm hơn 70 triệu đồng.

Nguyễn Văn Thắm là chàng sinh viên đầy nghị lực được Dân trí đăng tải qua bài viết "Giấc mơ tiếp tục học đại học của nam sinh bị não úng thủy". Thắm sinh ra và lớn lên tại thôn Pháp Kệ, xã Quảng Phương, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình).

Từ khi chào đời, sự bất hạnh, thiệt thòi đã bám lấy Thắm, em sinh ra không biết mặt bố, đã vậy còn mang trong mình căn bệnh não úng thủy bẩm sinh và đôi chân bị bại liệt.

Hơn 70 triệu đồng đến với nam sinh viên bị não úng thủy, liệt chân - 1

Em Nguyễn Văn Thắm hiện đang theo học tại Trường Đại học Quảng Bình (Ảnh: Tiến Thành).

Từ nhỏ đến lớn, cuộc sống của Thắm phụ thuộc vào người mẹ nghèo Tạ Thị Hồng (SN 1966), từ ăn uống, tắm giặt và đi học.

Nỗ lực, quyết tâm của Thắm, cùng tình yêu, sự hy sinh của người mẹ nghèo đã được đền đáp xứng đáng khi vào kỳ xét tuyển đại học 2022, Thắm ghi tên mình vào Trường Đại học Quảng Bình, trở thành tân sinh viên ngành Công nghệ thông tin.

Tin Thắm đỗ đại học khiến 2 mẹ con vỡ òa trong niềm sung sướng nhưng sau đó là một nỗi lo lớn của người mẹ nghèo. 12 năm ròng rã cõng con đi học, vượt qua bao gian truân để đứa con thiệt thòi theo đuổi đam mê đã khiến chị Hồng "sức cùng lực kiệt". Tuổi tác ngày một cao, gia cảnh khốn khó, chị Hồng chỉ sợ không thể tiếp tục đồng hành cùng con.

Hơn 70 triệu đồng đến với nam sinh viên bị não úng thủy, liệt chân - 2

Đến nay, Thắm đã được hỗ trợ máy tính, miễn học phí và nhận ủng hộ tiền mặt khoảng 30 triệu đồng (Ảnh: Tiến Thành).

Nhiều lần chị có ý định động viên con không học đại học nhưng nhìn sự háo hức, niềm hy vọng ánh lên từ đôi mắt của đứa con tật nguyền, chị Hồng chẳng thốt nên lời, nước mắt cứ chảy dài mà không biết làm sao.

Hoàn cảnh và ý chí kiên cường của Thắm đã nhận được sự quan tâm của bạn đọc Dân trí. Nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đã liên hệ trực tiếp, hỗ trợ tiền để Thắm theo đuổi giấc mơ học tập. Bên cạnh đó, thông qua Chương trình Nhân ái của Báo Dân trí, bạn đọc cũng đã chung tay ủng hộ Thắm số tiền hơn 70 triệu đồng. Như vậy đến nay, Thắm và mẹ cũng đã đón nhận tổng số tiền gần 100 triệu đồng.

Nỗi buồn của chàng sinh viên khuyết tật

"Sau khi bài viết về em đăng trên Báo Dân trí, em đã nhận được rất nhiều sự giúp đỡ, động viên về cả tinh thần lẫn vật chất. Trước đó em cũng đã được tặng một chiếc máy tính và số tiền khoảng 30 triệu đồng, hôm nay lại được bạn đọc Dân trí hỗ trợ thêm hơn 70 triệu đồng nữa. Đây nguồn động lực lớn lao để em tiếp tục cố gắng học tập, trở thành một người có ích cho xã hội", Thắm vui mừng chia sẻ.

Hơn 70 triệu đồng đến với nam sinh viên bị não úng thủy, liệt chân - 3

Sáng 30/11, phóng viên Dân trí cùng đại diện lãnh đạo Trường Đại học Quảng Bình đã trao số tiền mà bạn đọc giúp đỡ thông qua Chương trình Nhân ái đến em Nguyễn Văn Thắm (Ảnh: H.T).

Còn với chị Tạ Thị Hồng, nhờ những sự giúp đỡ của bạn đọc cũng như phía nhà trường, gánh nặng trên đôi vai của người mẹ nghèo đã giảm đi phần nào.

"Tôi xin được cảm ơn bạn đọc Báo Dân trí đã giúp đỡ cho cháu, đây thực sự là một điều quá may mắn đối với mẹ con tôi. Giờ ở trường có thầy cô, bạn bè quan tâm, chăm sóc nên tôi cũng đỡ vất vả hơn. Một số người ở thành phố Đồng Hới khi biết đến hoàn cảnh của tôi cũng hứa giúp đỡ, nhận tôi vào làm những lúc rảnh rỗi để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống, cũng như đồng hành cùng Thắm trên con đường học tập", chị Hồng cho hay.

Hơn 70 triệu đồng đến với nam sinh viên bị não úng thủy, liệt chân - 4

Bạn học hỗ trợ, cõng Thắm lên giảng đường (Ảnh: Tiến Thành).

Tiến sĩ Nguyễn Phương Văn, Chủ tịch Công đoàn Trường Đại học Quảng Bình đã gửi lời cảm ơn sâu sắc đến bạn đọc Báo Dân trí đã kịp thời sẻ chia, giúp đỡ sinh viên nhà trường.

Theo thầy Văn, hiện nay, Trường Đại học Quảng Bình đã miễn toàn bộ học phí và bố trí một phòng riêng với đầy đủ tiện nghi để Thắm và mẹ ở lại trong quá trình theo học. Nhà trường cũng bố trí sinh viên, thường xuyên hỗ trợ để cõng Thắm từ ký túc xá lên giảng đường và ngược lại, qua đó đồng hành, giúp đỡ để Thắm vượt lên số phận, có được cuộc sống tốt đẹp hơn trong tương lai.