Hai tấm lòng rộng nơi “lô cốt” hẹp
(Dân trí) - Người đàn ông trụ cột mất đi, hai mẹ con đùm bọc nhau rau cháo qua ngày. Tuy cùng đau đớn vì bệnh tật nhưng nụ cười chưa bao giờ tắt trên môi hai người phụ nữ sống trong căn nhà hẹp hiếm thấy ở Sài Thành phồn hoa.
Hai người phụ nữ yếu ớt, bệnh tật sống được cho đến ngày hôm nay là nhờ tấm lòng hảo tâm của bà con lối xóm.
Bước qua tầng trệt gồm một góc bếp và một nhà tắm tí hon, theo chiếc cầu thang gỗ ọp ẹp để lên căn gác bên trên, chúng tôi đến nơi “bé Hà” nằm. Mọi người gọi là “bé” vì thân hình chị nhỏ thó do di chứng chất độc hoá học, chứ thật ra Trương Thị Thu Hà đã 31 tuổi.
Lối vào nhà mẹ con chị Hà sâu hút hun và chỉ vừa 1 người đi.
Bà kể: “Bé Hà nằm như vầy 2 năm rồi. Nó bị té cầu thang, giập bàng quang, thần kinh bàng quang bị liệt nên bác sĩ gắn cho nó cái ống dẫn tiểu. Phẫu thuật hồi tháng 7 năm 2004, ban đầu nó đi lại được cùng với cái bịch nước tiểu đeo bên người. Nhưng rồi nó hay kêu đau, yếu dần rồi nằm luôn 2 năm nay”.
Từ khi Hà nằm liệt, bà Hồng chưa đưa chị đi tái khám lần nào. Bởi vì đưa đi bệnh viện ngoài việc tốn kém còn phải có thêm người giúp khiêng Hà đi. Việc đó sức bà không làm nổi. Ngay cả việc gội đầu cho Hà cũng trông cậy vào mấy em bên đạo. Họ nâng đầu chị lên rồi gội qua loa, để mau chóng đặt chị nằm xuống, vì hễ ngồi dậy là bụng chị lại đau nhói.
Vì thế đến cái bếp hay cái nhà tắm cũng chỉ bé tẹo teo.
Chồng bà vốn là thợ điện tử. Tuy cụt một tay nhưng nhờ lành nghề nên ông vẫn được bà con lối xóm gọi đến sửa đồ điện trong nhà. Cái “lô cốt” này cũng do một tay ông thiết kế. Căn bệnh ung thư phổi đã cướp đi người chồng, người cha của hai người phụ nữ yếu ớt luôn cần ông che chở. Từ đó đến nay, mọi thứ vẫn y nguyên, từ cái cầu thang cho đến ổ điện...
Sau khi ông mất, bà vẫn cố gắng đi bán quần áo cũ. Quần áo này do người ta cho, mặc không hết nên bà nghĩ đem bán cũng kiếm được ít đồng. Nhìn người phụ nữ nhợt nhạt “đánh vật” với bao quần áo cũ, hàng xóm khuyên can: “Chị đau yếu như vầy mà còn ráng đi làm, rủi gục ngã giữa đường thì con chị ai lo?”. Thế là, bà đành bỏ dở cuộc mưu sinh.
Tiếng rên khẽ của Hà cắt ngang câu chuyện. Người mẹ vội hỏi: “Đau hả con?” - “Dạ, mẹ sửa ống cho con đi, con đau quá!” - Hà nhăn nhó.
Bằng những động tác thành thục của một y tá, bà dùng xi lanh rút nước khỏi quả bóng nhỏ chặn bên trong bàng quang để nước tiểu thoát ra dễ dàng… Bà ao ước: “Tôi coi ti vi thấy ở nước ngoài có kỹ thuật thay bàng quang giả, nghe đâu tới mấy trăm ngàn đô la, mẹ con tôi không dám mơ đến. Nhưng nếu bây giờ có điều kiện, tôi muốn nó được phẫu thuật lại hay làm sao đó cho đỡ. Chứ bây giờ hễ nước tiểu không thoát ra được là nó đau lắm, có khi thức trắng đêm”.
Bà Hồng nhìn con trìu mến: “Coi vậy mà hồi đó bé Hà được việc lắm. Chân tay ngắn ngủn mà biết chạy xe đạp, biết phụ mẹ bán hàng. Vợ chồng tôi cho con đi học nghề để một mai chúng tôi không còn thì nó vẫn tự lập được. Nhưng rủi thay, ngày đầu tiên ở trường dành cho người khuyết tật, nó bị té cầu thang”.
Cơn đau dịu bớt, Hà tham gia tâm sự: “Hồi đó em thích may quần áo búp bê lắm, may xong còn đem cho mấy đứa hàng xóm nữa đó. Em muốn trở thành thợ may. Bây giờ chỉ nằm một chỗ nghe ti vi”.
Chúng tôi ngạc nhiên: “Sao lại nghe ti vi ạ?”, Hà cười: “À, em bị cận thị mà không đi cắt kiếng được nên chỉ nghe thôi. Những lúc mẹ em mệt không dậy được, hai mẹ con cùng nằm nghe nhạc Trịnh”.
Bà Hồng tiếp lời: “Qua ti vi mới biết có nhiều người còn khổ cực hơn mình, không có cơm ăn, áo mặc. Mẹ con tôi bệnh tật như vầy nhưng được nhận cơm từ thiện của nhà thờ và ân tình của bà con chòm xóm, còn có mái nhà để che mưa nắng. Tôi thấy đồng bào miền Trung bị lũ lụt mà thương quá, muốn gửi họ mấy bao đồ cũ mà không cách nào đem đi được”.
Đến lúc từ biệt, bà Hồng tiễn ra tận hẻm lớn để khách khỏi phải loay hoay tìm đường ra. Chúng tôi chợt nghĩ đến trò chơi mê cung, người chơi phải vượt qua chặng đường ngoằn ngoèo phức tạp để tìm ra báu vật. Sâu trong những con hẻm quanh co này cũng có báu vật, một ngôi nhà nhỏ hẹp nhưng lòng người rộng mở.
Mọi đóng góp xin gửi về: 1. Bà Trương Thị Niên Hồng: 411/2D Phan Đăng Lưu, P.1, Q. Phú Nhuận, TPHCM ĐT: 08-62940407 2. Quỹ Nhân ái - Báo Khuyến học và Dân trí - Báo điện tử Dân trí (Hà Nội) Số 2/48 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội (Cạnh cây xăng Kim Mã) * Tài khoản VNĐ: Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí Số TK: 10 201 0000 220 639 Tại: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam - Chi nhánh Hoàn Kiếm
Tên TK : Báo Khuyến học & Dân trí Số TK : 10 202 0000 004346 SWIFT Code: ICBVVNVX106 Tại: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương thành phố Hà Nội 3. Văn phòng đại diện của báo: VP HCM:40/17/16 Nguyễn Văn Đậu, phường 6 quận Bình Thạnh. Tel: 08. 35107. 331 VP Hà Tĩnh: 46 Nguyễn Công Trứ, Phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh. Tel: 039.3.857.122 VP Đà Nẵng: 25 Nguyễn Tri Phương, Quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Tel: 0511.3653.725 VP Cần Thơ: 53/13 Lý Tự Trọng, Q Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Tel: 071.3.733.269 |
Hồng Nhung