1. Dòng sự kiện:
  2. 20 năm Chương trình Nhân ái

Gặp lại cô bé dựng lều nuôi 2 em ăn học

(Dân trí) - Hơn 6 năm được báo Dân trí kêu gọi, giờ đây cô học trò nhỏ Ngân Thị Đòa- nhân vật trong bài viết “Cảm phục cô bé 10 tuổi ở riêng nuôi em ăn học” đã trở thành học sinh của Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Thanh Hóa. Để thực hiện ước mơ gieo chữ cho những đứa trẻ nơi em sinh ra và lớn lên, Đòa đã và đang cố gắng và nỗ lực từng ngày, mỗi năm cô bé chỉ có thể về thăm nhà 2 lần với quãng đường gần 300 km.

Còn nhớ vào dịp cuối năm 2012, chúng tôi có dịp lên công tác tại xã Trung Lý của huyện Mường Lát. Tôi được các thầy cô ở đây giới thiệu em học sinh Ngân Thị Đòa (người dân tộc Thái, ở bản Chiềng), học sinh Trường Tiểu học Trung Lý 2. Đòa là tấm gương sáng về tinh thần hiếu học mà khiến ai cũng cảm phục. Năm ấy, Đòa mới chỉ 10 tuổi nhưng em đã có 3 năm dựng lều ở cùng hai em nhỏ để theo học con chữ.

Dựng lều nuôi em ăn học

Trung Lý là xã vùng sâu xa nhất của huyện Mường Lát.  Mỗi năm đến mùa tựu trường, các thầy cô đều phải đến gõ cửa từng nhà vận động các cháu đến trường. Mảnh đất này, những năm trước là nơi bão ma túy quét qua, bởi thế người ta vẫn gọi những bản của xã này là bản mồ côi. Hoàn cảnh khó khăn, nhiều học sinh, bố mẹ không còn phải ở với ông bà nên rất nhiều em đã phải bỏ học giữa chừng.

Thế nhưng, ở ngôi trường Tiểu học Trung Lý 2 (đóng trên bản Cò Cài), Ngân Thị Đòa như một điểm sáng chói về tấm gương học tập. Đòa ở bản Chiềng, cách bản Cò Cài hơn 5km đường rừng, khi bước vào lớp 1 và 2, Đòa đều phải đi bộ đến trường rồi lại trở về nhà khi trời đã sập tối.

Nhan ai a5.JPG
Nhan ai a6.JPG

Đòa của hơn 6 năm về trước, một mình nuôi em và đi học.

Lên lớp 3, khi cô em gái thứ 2 của Đòa bước vào lớp 1, cô em út vào mẫu giáo thì Đòa xin bố mẹ dựng lều ở cạnh trường để ba chị em cùng được đi học. Chiều ý con, bố mẹ Đòa đã dựng tạm một căn lều bằng tre nứa rộng 9m2 bên cạnh  trường cho ba chị em Đòa ở. Mỗi tháng, bố mẹ cấp cho 3 chị em từ 20.000 đến 30.000 đồng để chi tiêu.

Vậy là mới 8 tuổi, cô bé Đòa đã phải ra “ở riêng” và chăm sóc cho hai cô em của mình nữa. Hằng ngày, khi con gà rừng vừa cất tiếng gáy, Đòa đã phải dậy lo vệ sinh cá nhân, rang cơm cho em ăn để đi học. Khi các em đã lên lớp, Đòa bắt tay vào công việc của mình đó là lên rừng hái rau, măng và kiếm củi nấu. Trưa trở về lều, Đòa nấu cơm trưa rồi thu xếp đến lớp. Buổi chiều, sau khi tan học trở về, Đòa lại như một người mẹ làm những công việc cho đến đêm. Khi các em đi ngủ, Đòa mới bắt đầu giở những trang sách ra để học bài bên ánh đèn dầu leo lét trong căn lều chật hẹp.

Những ngày hết gạo, Đòa lại một mình băng rừng, băng suối, đi bộ về nhà lấy gạo rồi lại đưa vào gùi cõng đi. Cứ thế hết năm này sang năm khác, vì ham con chữ, cô bé Đòa không còn biết đến khó khăn, khổ cực. Vượt lên mọi khó khăn, Đòa năm nào cũng được học sinh giỏi của trường.

Nhan ai a7.JPG

Cô học trò lớp 5 như một người mẹ.

Sau khi hoàn cảnh của Đòa được đăng tải trên báo Dân trí, đã có rất nhiều nhà hảo tâm chia sẻ đến em. Ngân hàng CPTM Sacombank thông qua báo Dân trí cũng đã biết đến và trao tặng Ngân Thị Đòa học bổng “Ươm mầm ước mơ” , 2 triệu đồng/năm cho đến khi em học xong lớp 12.

Nuôi ước mơ làm giáo viên gieo chữ vùng cao

Vượt qua ánh đèn dầu leo lét, vượt qua những đói khổ, những gian nan vất vả, cô bé Đòa đã thi đậu vào Trường THCS nội trú của huyện rồi đến THPT nội trú của tỉnh. Ở bản, em là học sinh duy nhất được ra huyện rồi lên thành phố theo học chữ.

Gặp cô bé Đòa ngày nào sau hơn 6 năm, tôi đã suýt không nhận ra em. Đòa bây giờ đã cao lớn và chững chạc hơn rất nhiều, trên khuôn mặt còn có thêm cặp kính cận dày cộp. Thế nhưng cái ước mơ năm nào cô bé tâm sự với tôi giờ vẫn không thay đổi.

Nhan ai a1.jpg

 

Đòa tâm sự: “Những đứa trẻ quê em, chúng vẫn còn bỏ học giữa chừng nhiều lắm, đặc biệt là nạn tảo hôn. Bởi thế mà em vẫn nuôi ước mơ được một ngày trở thành cô giáo để có thể dạy chữ cho chúng. Em muốn những đứa trẻ ấy hãy cố gắng và nỗ lực để làm sao thay đổi được cuộc đời mình. Em là người con của bản thì em sẽ hiểu hơn ai hết làm sao để gần gũi học trò, làm sao để có phương pháp dạy tốt nhất cho học trò người dân tộc”.

Đòa cũng cho biết, những ngày đầu khi bước vào ngôi trường nội trú, em cũng gặp rất nhiều khó khăn vì những năm đó, thế giới của em chỉ là bản Chiềng ra đến Cò Cài mà thôi. Thế nhưng, khi ra trường huyện học rồi lên thành phố, cách nhà hàng trăm km, môi trường mới, cách sống mới và phương pháp dạy cũng mới, lại học với rất nhiều các bạn ở các nơi nên ban đầu tất cả cái gì cũng khó khăn.

Nhan ai a2.jpg

Đòa luôn được các thầy cô yêu quý vì bản tính chăm chỉ, thật thà, ham học hỏi (trong ảnh Đòa cùng cô giáo chủ nhiệm).

Đặc biệt, do trong bản, Đòa chưa bao giờ được tiếp cận môn tiếng Anh thế nên khi ra trường nội trú học, Đòa phải dành rất nhiều thời gian học và hỏi các thầy cô giáo để có thể tiến bộ môn này. Với ý chí và nghị lực, cô bé Đòa đã nhanh chóng hòa nhập được với các bạn. Suốt quá trình học THCS nội trú huyện cho đến bây giờ đã là học sinh lớp 11 trường THPT nội trú tỉnh, năm nào Đòa cũng là học sinh tiên tiến và học sinh giỏi của trường.

Đòa tâm sự rằng rất nhớ nhà vì khi học cấp 1 dù “ở riêng” nhưng vẫn được gần gũi các em và cuối tuần chị em dắt nhau về thế nhưng từ khi ra huyện rồi lên thành phố học, mỗi năm em chỉ được về nhà 2 lần vì đường xa quá. Trên bản nơi em ở vẫn chưa có sóng điện thoại nên cũng không thể liên lạc về với bố mẹ, lâu lâu nhớ bố mẹ thì lại viết thư gửi về.

Hai em của Đòa ngày nào lẽo đẽo theo chị ở riêng để theo học giờ đây cô em thứ 2 cũng là học sinh cấp 2 trường nội trú huyện, cô em út cũng đã vào cấp 1 và vẫn nêu gương chị cả để theo chữ đến cùng.

Nhan ai a4.jpg

Đòa nhờ PV Dân trí gửi lời cảm ơn đến tất cả các nhà hảo tâm đã giúp đỡ em.

Chia tay cô bé Ngân Thị Đòa, em đã nhờ tôi gửi đến các nhà hảo tâm đã giúp đỡ em thông qua báo Dân trí, đặc biệt là Ngân hàng Saccombank đã trao học bổng cho em từ những năm đó cho đến tận bây giờ. Nhờ tấm lòng của cộng đồng mà em có thêm động lực cố gắng học tập để không phụ tấm lòng của mọi người.

“Em sẽ cố gắng để trở thành một cô giáo trong tương lai. Sau này khi nào ước mơ ấy trở thành sự thật, em sẽ xây lại cho bố mẹ căn nhà và đưa bố mẹ xuống thành phố một lần để bố mẹ biết nơi em sống và học tập thế nào…” – Ngân Thị Đòa bảy tỏ.

Chia sẻ về cô học trò của mình, cô giáo Lương Hồng Nhung, giáo viên chủ nhiệm của em Đòa cho biết: “Lâu nay, mình chủ nhiệm thì không có học sinh ở xa thế, lần đầu tiên có học sinh ở vùng sâu xa ra nên cũng rất ấn tượng. Ban đầu Đòa xuống đây thì cũng găp khó khăn về phương pháp học vì em ở trên cao quá, thế nhưng chỉ một thời gian ngắn là cô bé đã hòa nhập rất tốt, không hề nản lòng. Có bài nào khó là mang đến hỏi thầy cô giáo. Cô bé  có học lực khá trong lớp, đặc biệt rất ngoan, thật thà, chăm chỉ, có chí vươn lên. Em cũng là học sinh mà bố mẹ chưa bao giờ xuống thăm.

“Ngoài học bổng saccom bank đang tài trợ lâu này  thì hàng năm có rất nhiều các học bổng, quà của các tổ chức, trường cũng ưu tiên cho em” – cô giáo Hồng Nhung cho biết thêm.

Nguyễn Thùy

 

 

 

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm