1. Dòng sự kiện:
  2. 20 năm Chương trình Nhân ái

Nghệ An:

Em Lâm Thị Bích Thủy đón nhận quà bạn đọc

(Dân trí) - Sáng nay 19/7, PV Dân trí tại Nghệ An đã đến thăm và trao số tiền 2.650.000 cho em Lâm Thị Bích Thủy, rú Động Cao, xóm Xuân Quỳnh, xã Thanh Xuân, huyện Thanh Chương, Nghệ An.

Em Lâm Thị Bích Thủy đón nhận quà bạn đọc  - 1
Sáng 19/7, PV Dân trí trao quà bạn đọc cho em Lâm Thị Bích Thủy. Giờ đây căn bệnh của Thủy ngày càng trầm trọng hơn vì thiếu tiền, thiếu thuốc chữa....   
 
Số tiền nêu trên do bạn đọc báo Dân trí điện tử tuần 2/7/2010 chung tay góp gửi tới em Lâm Thị Bích Thủy nhân vật trong bài viết “Em mơ có được chiếc xe lăn”.

Cảm động trước hành động của PV Dân trí chị Nguyễn Thị Phượng rơi nước mắt: “Cảm ơn báo nhiều lắm, sau khi cháu Thủy được đăng báo nhiều người trong nước đã điện thoại động viên và chia sẻ đồng thời mấy ngày qua gia đình cũng nhận được số tiền gửi qua đường bưu điện khoảng hơn 4 triệu đồng. Qua báo Dân trí cho tôi gửi lời cảm ơn đến những người đã giúp gia đình tôi lúc hoạn nạn này....”. Nói đoạn, chị Phượng nhìn vào cháu Thủy rồi khóc bắn lên.

“Giờ nhìn thấy các bạn cùng trang lứa với cháu đi học mà lòng tôi cứ thắt lại. Sao số phận của cháu lại hẩm hiu đến thế không biết. Tôi chỉ mong ơn trời phù hộ độ trì và những phương thuốc nào đó có thể cứu được con thôi, hết bao nhiêu gia đình cũng phải cố gắng thôi. Dù có phải bán hết gia tài, bán.... tôi cũng chỉ mong con được trở lại để đi học....”. Chị Phượng nấc không thành lời.

Bà Bùi Thị Tỵ (bà nội cháu Thủy) thấy chúng tôi đến thăm đã than vãn, đôi tay chỉ còn da bọc xương vì tuổi đã cao, chân đi không vững, khuôn mặt gầy sọm như một thân chuối sắp đổ trước con gió nhẹ: “Cầu mong các chú thêm lần nữa đi, giờ đây cháu Thủy đang hấp hối dần rồi, tiền gia đình chẳng có lấy nửa xu, bao nhiêu thứ đã bán sạch tinh, bênh tình của cháu ngày càng nặng hơn các chú à. Các chú có cách nào giúp cháu thêm nữa không?.”.

Anh Lâm Văn Triều (bố Thủy) đứng cạnh cũng thốt lên được mấy câu: “Giờ chỉ biết nhìn con trong đau đớn, gia đình đã kiệt rồi, tôi trông có một phép lạ nào đó có thể chữa được bệnh cho cháu thôi. Gia đình tôi lúc này đã tuyệt vọng thật rồi các anh ơi. Bao nhiêu đồ đạc, trâu bò, lợn gà, bàn, tủ.... đã bán sạch mà vẫn chả thấm vào đâu”.

Anh Triều cũng cho biết thêm, hơn một năm nay đi chữa bệnh cho cháu Thủy từ Nghệ An ra Hà Nội đã tiêu tốn hơn 60 triệu đồng, đó là chưa kể vay mượn anh em. Số tiền này hiện gia đình anh đang nợ Ngân hàng và nhiều khả năng không thể trả nổi. Trong khi đó, số tiền lãi suất gia đình phải trả cho ngân hàng cũng từ 1,2 - 1,5 triệu đồng/tháng. Với một gia đình nông dân nghèo xác xơ không thể có tiền để trả nợ gốc lẫn lại, giờ gia đình anh đang túng quẫn tứ bề.
 
Em Lâm Thị Bích Thủy đón nhận quà bạn đọc  - 2
Sáng cùng ngày PV Dân trí cũng đã trao chiếc xe lăn độc giả của báo Dân trí cho em Thủy

Tiền mua thuốc để chữa bệnh cho con hằng ngày anh cũng đang phải vay mượn anh em, bà con lối xóm. Thời gian anh đưa cháu Thủy đi Hà Nội chữa bệnh và các bác sỹ cho biết cháu bị chảy máu tủy sống nhưng chi phí chữa bệnh này là rất cao. Không tiền, không của vợ chồng anh đành đưa con về nhà nằm cầu mong phép lạ.

Hiện tại, anh Triều đang tạm thời lấy thuốc nam (thuốc lá cây) của một lang y huyện miền núi cao Quỳ Hợp để điều trị cho cháu. Tuy nhiên, càng ngày uống thứ thuốc này vào cháu Thủy dường như liệt người hơn. “Không có tiền thì biết làm sao hả anh, đường cùng rồi nghe đâu có lang y, thầy thuốc hay đều đến để cắt thuốc cho con nhưng bệnh tình của cháu có thuyên giảm đâu. Để có tiền mua thuốc tây điều trị cho cháu ít ra mỗi tháng gia đình cũng phải có từ 2-3 triệu đồng mới đủ khả năng để hy vọng mạng sống cho con”. Anh Triều cho biết thêm.

Cuộc sống vất vả tứ bề cộng thêm căn bệnh hiểm nghèo của con giờ đây kinh tế gia đình anh đang lâm vào kiệt quệ dường như không có lối thoát. Ruộng lúa được vài sào năm nay hạn hán cũng bỏ không. Trong bồ thóc cũng còn được vài tạ giờ bán đi thì cả gia đình chết đói, ruộng lạc chưa trỉa nhưng đành phải bán lạc non kiếm tiền để cứu chữa cho con.... Tất cả những gì có thể bán kiếm vài trăm đồng bạc, làm bất cứ việc gì vợ chồng anh đều bán và làm tất. Anh bảo: “Cứu con là trên hết, có con có thể có tất cả. Mất con xem như mất đi một phần thân thể của mình. Tôi mạo muội xin quý độc giả của báo Dân trí cứu giúp gia đình thêm lần nữa”. Anh Triều nghẹn ngào nói trong nước mắt.

Nguyễn Duy