1. Dòng sự kiện:
  2. 20 năm Chương trình Nhân ái

Đi xe ôm nuôi vợ và ba con bệnh tật

(Dân trí) - Nhà có 5 người thì bốn người đã bị bệnh, còn lại mình anh lo kiếm cơm ăn hàng ngày bằng nghề xe ôm và làm tất cả mọi việc nhà. Đó là hoàn cảnh của anh Nguyễn Đức Vũ, 46 tuổi, phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng).

Ngôi nhà của gia đình anh Vũ nằm sâu trong đường Nguyễn Như Hạnh, xung quanh là nhiều ngôi mộ. Hôm chúng tôi đến nhà, chỉ có ba bố con ở nhà còn vợ anh và đứa con trai đầu đang nằm điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng. Năm con người sống trong ngôi nhà vẻn vẹn 15 m2, chỉ có mỗi một cái giường. Vậy là tối đến cha mẹ con cái cùng ngủ chung. Thậm chí một số đồ đạc cũng để trên giường vì không có chỗ để bỏ. Kể cả bộ bàn ghế để tiếp khách cũng không có. Mấy đứa con anh Vũ cũng không có không gian riêng cho việc học.

Sau khi đi bộ đội ở Campuchia, anh Vũ trở về và kết duyên cùng chị Bùi Thị Kim. Đứa con đầu lòng chào đời là niềm hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ này. Thế nhưng chỉ được 8 tháng thì cháu bé qua đời vì bị bệnh tim bẩm sinh.

Nỗi buồn cũng nguôi ngoai khi đứa thứ hai chào đời. Cu Tiến khỏe mạnh không mắc bệnh tim bẩm sinh như anh nó. Vợ chồng anh vui mừng khôn xiết. Thế nhưng, niềm vui chẳng được “tày gang”. Lên 7 tuổi, cháu Tiến bị phát hiện mắc bệnh máu đông. Rồi nỗi buồn lo liên tục ập đến gia đình anh Vũ khi đứa con thứ ba là bé Bích Trang (13 tuổi) bị suy dinh dưỡng loại 3, bé Bích Thủy (11 tuổi) bị bệnh viêm tai giữa. Vợ chồng anh rất buồn nhưng cũng phải gắng gượng sống để nuôi con.

Trước đây, anh Vũ làm nghề thợ xây, còn vợ anh bán vé số dạo. Cuộc sống của đôi vợ chồng này không có gì dư giả nhưng cũng có cơm ăn đầy đủ. Thế nhưng từ mấy khi đứa con của anh chị lần lượt mắc bệnh, cuộc sống của gia đình càng thêm khó khăn. Làm được bao nhiêu, vợ chồng anh đều bỏ vào chữa bệnh cho con. Thương con nên dù nhiều lần bị ngất xỉu khi đi bán vé số, vợ anh Vũ không chịu đi bệnh viện khám, sợ tốn tiền.

Cách đây hơn bốn năm, trong một lần vợ anh Vũ đến bệnh viện cấp cứu vì sức khỏe trở nên quá tệ, bác sĩ cho biết chị bị bệnh tiểu đường ở giai đoạn 3. “Vì lo nuôi con nên vợ tôi không để ý đến sức khỏe của mình, đổ bệnh lúc nào cũng không biết”, anh Vũ giãi bày.

Kể từ đó đến nay, chị không làm được gì nữa. Hầu như tháng nào chị cũng đến bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng để bác sĩ tiêm thuốc nhằm duy trì sự sống. “Bệnh của vợ tôi phải ăn kiêng nhiều và chủ yếu ăn trái cây nhiều nhưng điều kiện gia đình không có nên cũng đành chịu”.

Cu Tiến năm nay mới 15 tuổi đành nghỉ học ở nhà chữa bệnh. Cứ mười ngày, anh Vũ lại đưa con đến bệnh viện tái khám một lần. Rồi tiền thuốc thang cho hai đứa sau nữa khiến cho anh Vũ nhiều lúc không biết xoay đâu ra.

Từ ngày vợ đổ bệnh, anh Vũ không làm nghề thợ xây nữa mà chuyển qua nghề xe ôm vì nghề này giúp anh “chủ động được thời gian”. Khi vợ con xảy ra chuyện gì là anh có thể có mặt ngay. Những người bạn lính cùng chiến đấu với anh đã quyên góp ủng hộ để anh có chiếc xe máy hành nghề. Ngày nào kiếm được kha khá thì anh có tiền bồi dưỡng cho vợ con, bữa nào không có khách thì dù người khỏe hay người bệnh gì cũng chỉ ăn cơm rau. “Nhiều lúc thấy thương vợ và mấy đứa nhỏ lắm”, giọng anh Vũ buồn bã.

Biết là chạy xe ban đêm nhiều tiền hơn ban ngày nhưng anh Vũ không dám đi, lỡ ở nhà đêm hôm vợ con đau đột xuất thì không có người. Thế nhưng không phải vì khó khăn mà anh “chém chặt” khách hàng. Nhiều lần anh đã chở khách đến tận nơi rồi không lấy tiền khi biết hoàn cảnh của họ cũng chẳng hơn gì mình.

Cũng vì bệnh tật, nghèo lại không có người kèm cặp, mấy đứa con anh Vũ học hành ngày càng sa sút. “Muốn cho mấy đứa nhỏ đi học thêm lắm nhưng không có tiền cũng đành chịu. May mà cô giáo biết hoàn cảnh nên cho bé Thủy đi học không thu tiền”, anh Vũ kể.

Chia tay ba cha con anh mà khuôn mặt luôn đượm buồn của anh vẫn in trong tôi. Ước mơ của họ thật giản dị nhưng thật khó thực hiện với hoàn cảnh của họ: “Chỉ mong có cơm ăn và mọi người đều hết bệnh”. Nhưng tôi tin rằng trong cuộc đời này vẫn còn nhiều tấm lòng chia sẻ với họ.

Khánh Hồng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm