Mã số 403:
Đắng lòng cảnh 3 mẹ con, bà cháu sống trong nhà kho chứa muối
(Dân trí) - Không một mảnh đất cắm dùi, không nghề nghiệp mưu sinh, hàng ngày bà Hồng chỉ biết mò mấy con ốc dưới cảng về bán kiếm tiền đong gạo. Có hôm không bắt được ốc, bà lại lang thang khắp xóm xin ăn cho cô con gái bị tâm thần và đứa cháu 2 tuổi.
Tiếp chuyện chúng tôi trước cái sân nhỏ của nhà kho với vài khúc gỗ mục làm ghế ngồi. Những giọt nước mắt tủi phận của bà Hồng cứ trào ra cùng những tiếng nấc khi bà kể về cuộc đời mình khốn khổ của mình.
Bà Hồng tủi phận khi nghĩ về đời mình
“Ngày đó đói lắm cô ạ, miếng khoai, củ sắn cũng không có mà ăn. Gia đình tôi rất nghèo, nhưng gia đình chồng cũng chẳng khấm khá hơn, quanh năm đối mặt với cái đói, cái rét. Bố chồng tôi mất sớm do đói và bệnh tật hành hạ, mẹ già yếu nên đau ốm quanh năm, không làm được việc nặng nhọc. Cưới nhau về, bố mẹ cho vợ chồng chúng tôi một cái thuyền nan nhỏ rách rưới làm chỗ nương thân và mưu sinh”, bà Hồng tâm sự.
Cuộc sống mưu sinh tạm bợ từng ngày, đói rét triền miên, thiếu ăn từng bữa nên mẹ chồng bà sớm qua đời, vợ chồng bà lên bờ xin ở nhờ cùng với ông bà ngoại của bà. Lên bờ nhưng không có ruộng đất sản xuất, cũng không được học hành nên vợ chồng bà chẳng biết làm nghề gì ngoài nghề chài lưới trên sông.
Rồi những đứa con của vợ chồng bà Hồng cũng chào đời trong cái đói, cái rét triền miên của gia đình. Nghề chài lưới bấp bênh, nuôi hai miệng ăn đã khó, nay có thêm đàn con nhỏ, túng thiếu, khó khăn bủa vây lấy gia đình. Vì vậy, những đứa con của vợ chồng bà cũng không được đến trường học chữ như bao đứa trẻ khác mà phải sớm bươn chải cuộc sống, kiếm từng miếng ăn.
Bà Hồng nghẹn ngào: “Nghĩ mà thương các con, từ nhỏ chỉ biết lăn lộn với cái chài, cái lưới và mớ cá tép dưới sông, chẳng đứa nào được đến trường. Vợ chồng tôi đã cố gắng chăm chỉ làm ăn, chỉ mong các con không bị đứt bữa, nhưng cái đói vẫn đeo đẳng mãi, nhiều hôm tôi và các con còn phải đi xin ăn dưới cảng”.
Lớn lên trong cái đói, các con của bà Hồng lần lượt vào miền Nam lập nghiệp với hi vọng thay đổi được phần nào cuộc sống so với trước kia. Người con trai Nguyễn Văn Hai của bà vào Nam làm thuê khắp nơi nhưng cũng chỉ đủ ăn. Anh đã lập gia đình và có 3 đứa con, hai vợ chồng sinh sống bằng nghề chài lưới, cuộc sống rất khó khăn và vất vả.
Người con trai Nguyễn Văn Ba của bà sau thời gian lăn lộn với công việc phụ hồ, anh cũng đã lập gia đình nhưng cuộc sống không sáng sủa hơn người anh trai mình. Còn bà Hồng và cô con gái đầu bị ngớ ngẩn tên Nguyễn Thị Hạnh tha phương cầu thực với đủ các nghề như đi rửa bát, làm ô sin…, nhưng cuộc sống khổ quá, hai mẹ con bà đành trở về quê hương với hai bàn tay trắng và đứa cháu trai mồ côi bố tên Nguyễn Quốc Châu (con của chị Hạnh).
Sau khi người chồng qua đời, bà Hồng cũng không còn chỗ ở, người cháu của bà đã trở về ở với ông bà ngoại nên mẹ con, bà cháu phải lang thang đầu đường xó chợ. Thấy hoàn cảnh thương tâm, chính quyền và bà con trong xã cho bà ở tạm trong một nhà kho chứa muối cũ của thôn Hòa Phú, xã Hòa Lộc, huyện Hậu Lộc.
Không ruộng đất làm ăn, không nghề nghiệp, mẹ con bà Hồng thay nhau đi bắt ốc dưới cảng đem về bán kiếm tiền đong gạo, còn một người ở nhà trông cháu. “Ngày bắt cật lực cũng kiếm được 10.000 - 15.000 đồng, mua vài bò gạo về ăn qua ngày với muối và nước mắm thôi”, chị Hạnh nói.
Kể từ ngày mẹ con bà Hồng ra nhà kho ẩm thấp ở, nắng rọi đến đầu, mưa ngập đến chân nên sức khỏe bà yếu đi trông thấy. Thêm vào đó là ăn uống kham khổ, đói quanh năm nên căn bệnh Phong từ nhỏ của bà thường xuyên tái phát, khiến chân bà sưng phù đau nhức, đi lại rất khó khăn.
Bà Hồng tủi phận : “Bệnh phong của tôi ngày càng nặng, tôi cứ đi được vài chục mét lại phải ngồi nghỉ vì đau lắm, cũng không đi bắt được ốc nữa, phải nhờ vào cái Hạnh cả. Nhà nghèo, gạo còn không có ăn, bữa đói bữa no thì nói gì đến tiền mua thuốc chữa bệnh hả cô”.
Trao đổi với Dân trí, ông Mai Danh Mạc, Chủ tịch UBND xã Hòa Lộc cho biết: “Chúng tôi cũng nắm bắt được hoàn cảnh khó khăn của gia đình bà Hồng, hiện mẹ con bà ấy đang ở tạm trong một kho chứa muối của xã. Tuy nhiên, do mẹ con bà Hồng hay di chuyển chỗ ở nên chúng tôi rất khó quản lý. Sau khi bàn bạc, chúng tôi quyết định cấp cho bà ấy một mảnh đất ở gần chợ và vận động các tổ chức, các nguồn quỹ hộ nghèo để hỗ trọ cho bà Hồng có tiền xây nhà. Tới đây, chúng tôi cũng sẽ cấp sổ hộ nghèo và làm chế độ cho bà Hồng”.
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về: 1. Bà Nguyễn Thị Hồng, thôn Hòa Phú, xã Hòa Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa. 2. Quỹ Nhân ái - Báo Khuyến học & Dân trí - Báo điện tử Dân trí. Ngõ 2 nhà số 48 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội (Cạnh cây xăng Kim Mã) Tel: 04. 3. 7366.491/ Fax: 04. 3. 7366.490 Email: quynhanai@dantri.com.vn Bạn đọc ủng hộ qua các tài khoản sau: * Tài khoản VNĐ tại VietComBank: * Tài khoản USD tại VietComBank: Account Number: 045 137 195 6482 Swift Code: BFTVVNVX Bank Name: THE BANK FOR FOREIGN TRADE OF VIETNAM (VietComBank) * Tài khoản VNĐ tại VietinBank: * Tài khoản VNĐ tại Ngân hàng Quân đội (MB) Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí Tại Ngân hàng TMCP Quân đội – Chi nhánh Thái Thịnh - Hà Nội * Tài khoản USD tại Ngân hàng Quân đội (MB) Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí Swift Code: MSCBVNVX Bank Name: MILITARY COMMERCIAL JOINT STOCK BANK - MCSB ( No.3, Lieu Giai str., Ba Dinh Dist., Hanoi, Vietnam) 3. Văn phòng đại diện của báo: VP Hà Tĩnh: 46 Nguyễn Công Trứ, Phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh. Tel: 039.3.857.122 VP Đà Nẵng: 25 Nguyễn Tri Phương, Quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Tel: 0511.3653.725 VP HCM: 40/17/16 Nguyễn Văn Đậu, phường 6 quận Bình Thạnh. Tel: 08. 35107. 331 |