Cùng sẻ chia trong ngày kỷ niệm...
(Dân trí) - Nỗi đau của thời hậu chiến vẫn còn đó, mà ác nghiệt thay không ít nạn nhân là những em bé thơ ngây, đáng yêu. Những cái đầu nhẵn thín, những cái lưng cong vẹo, những ánh mắt buồn là bằng chứng rõ nét cho một điều: “Mọi cuộc chiến tranh đều phi nghĩa”
1. Tôi nghe chị báo tin đứa con trai bé bỏng 4 tháng tuổi đã ra đi mãi mãi mà chẳng biết nói gì để an ủi chị. Vậy là bao nhiêu mong mỏi, hi vọng, bao nhiêu cố gắng để chạy chữa cuối cùng cũng thành mây thành khói. Chị là Vũ Thị Yến, mẹ của bé Đào Mạnh Thiều trong bài viết “Dấu lặng trước hai nỗi đau da cam bé nhỏ” mà Dân trí đã đề cập cách đây ít lâu.
Cuộc chiến tranh đã lùi rất xa, nhưng vẫn cướp đi sinh mạng bẻ bỏng, đáng thương của bé Đào Mạnh Thiều
Bé Thiều mất đi, chị Yến vẫn còn phải đối mặt với bao nỗi lo khi những di chứng da cam vẫn đeo đẳng ở đứa con gái lớn 7 tuổi: Đào Thị Ánh. Cháu Ánh gần đây có những biểu hiện lạ như tím đen móng chân, sưng ngực bên phải, xuất hiện nhiều nốt ban tại vùng bẹn và bộ phận sinh dục. 7 tuổi, bé Ánh chỉ nặng có 7kg.
Chị Yến cho biết, một điều động viên chị là trong thời gian qua, vợ chồng chị nhận được nhiều sự quan tâm giúp đỡ của bạn đọc Dân trí, nên cũng giảm được nỗi lo về kinh phí chạy chữa cho 2 đứa con. “Ông trời xin đừng cướp nốt đứa con gái đầu của vợ chồng em nữa. Dù nó có bị dị tật làm sao thì nó vẫn là một hình hài mà chúng em dứt ruột đẻ ra, vẫn là một đứa trẻ rất đáng thương, tội nghiệp”, chị Yến xót xa nói.
2. “Hai cột sống của các con có thể cong, nhưng chúng tôi sẽ dạy cho chúng luôn biết đứng thẳng, nhìn thẳng vào hiện thực cuộc sống để mà vươn lên. Những năm tháng chiến tranh mà ông bà của các cháu đã trải qua, lao lực và hi sinh không thể là vô nghĩa. Các con của chúng tôi có thể bị di chứng đáng buồn mà chiến tranh để lại trên hình hài, nhưng là niềm tự hào khi chúng luôn biết đứng dậy và vun đắp ước mơ”, chị khẳng khái nói với tôi khi kể về những đứa con mang di chứng chất độc da cam đáng thương.
Cột sống cong vẹo của bé Ngọc không thể làm tắt đi ước mơ được học hành, đến trường
Cả hai bé đều bị cong vẹo cột sống, không thể đi đứng bình thường như bạn bè cùng trang lứa, thậm chí còn không thể tự mặc áo quần do tay chân rất yếu. Không đi lại, chạy nhảy được, nhưng bé Ngọc vẫn rất ham học và luôn là một học sinh xuất sắc ở trường, ở lớp.
“Con bé viết chữ đẹp lắm chú à. Dù ngồi học lâu sẽ rất đau lưng, nhưng chưa bao giờ tôi thấy cháu nó than thở gì cả. Cháu nó chỉ mong được đi học, được đến trường. Cháu rất sợ một ngày nào đó không được đến trường nữa”, chị Huế kể tiếp. Cũng theo chị Huế, vợ chồng chị rất vui khi nhiều bạn đọc vẫn thường xuyên quan tâm đến hai đứa con đáng thương của chị - một sự an ủi, động viên về tinh thần quý giá trong suốt những tháng ngày dài vất vả chăm con của hai vợ chồng.
11 năm mang bệnh ung thư máu, gan lách trướng to nhưng Trung chưa bao giờ đầu hàng số phận
Trung vẫn đến trường đều đặn bằng chính nghị lực, ý chí của chính mình
11 tuổi, Trung không lớn như bạn bè, nhưng ý chí, nghị lực của cậu lại khiến bao người nể phục. “Từ ngày cháu Trung được nhiều bạn đọc Dân trí biết đến, cháu có thêm nhiều người bạn bằng tuổi và cả lớn tuổi chia sẻ lắm. Điều đó khiến cháu Trung rất vui, ngày nào cháu cũng viết thư trò chuyện với bạn bè tuy chưa gặp mặt bao giờ mà rất thân quen”, chị Nguyễn Thị Hằng, mẹ của Trung tâm sự.
****
Những câu chuyện mà tôi kể trên chỉ là những lát cắt trong muôn vàn những nỗi đau của thời hậu chiến, dù cuộc chiến chống giặc ngoại xâm đã lùi xa hơn 36 năm rồi. 36 năm có thể làm lành những vết thương mà chiến tranh gieo rắc, có thể xoa dịu những căm hận mà tội ác chiến tranh gây ra, nhưng cuộc hành trình để giúp đỡ những số phận, những sinh mạng phải mang trên mình những di chứng tàn khốc sẽ luôn cần được chăm sóc, chở che.
Một năm qua, bạn đọc Dân trí đã luôn đồng hành, sẻ chia, giúp đỡ hàng chục, hàng trăm trường hợp gia đình quân nhân, người có công với cách mạng bị “tổn thương” sau chiến tranh. Sự đồng hành sẽ luôn được tiếp diễn, như truyền thống tương thân tương ái vốn là nét đẹp thẳm sâu, cao cả của mỗi người Việt chúng ta.