Mã số 1707:
Con mắc trọng bệnh, mẹ nghèo nhạt nhòa trong nước mắt
(Dân trí) - Những lần thấy con ôm bụng kêu đau, trên mình xuất hiện phù nề là lòng chị Nga như thắt lại. Dù rất thương con nhưng chị cũng như đang ngồi trên “đống lửa”, muốn con được khỏe mạnh để tiếp tục đến trường mà “lực bất tòng tâm”.
Tìm về thôn Cao Xá, xã Trung Hải, huyện Gio Linh, hỏi nhà anh Hoàng Chiếm Tấn, một cụ bà trầm giọng nói: “Nhà nó ở giữa cánh đồng đó chú à, căn nhà trết đất ấy. Tội nghiệp, hai vợ chồng chưa có nhà ở nên phải nương nhờ nhà mẹ. Con cái thì nheo nhóc, lại mắc đủ thứ bệnh tật”.
Đứng trước căn nhà cũ nát, liêu xiêu, hai bên vách hiện rõ từng lỗ thủng, trống huơ trống hoác, khiến chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Bên trong nhà, đồ đáng giá nhất là cái ti vi và chiếc xe máy cũ làm phương tiện sinh sống. Cùng với đó là 2 chiếc giường cũ, một chiếc cho mẹ và một cho gia đình anh.
Trải qua bao mưa nắng, mái nhà đã trở nên sập sệ, phần gỗ bắt đầu bị mối đục khoét, vách nhà được trết bằng đất sét cũng đang bị tuột dần, để lộ từng lỗ hổng.
Những ngày Tết, nhìn bà con lối xóm hối hả mua sắm tất bật, còn chị Hoàng Thị Bích Nga (vợ anh Tấn) thì ngồi ôm lấy đứa con thơ vào lòng mà khóc cạn nước mắt. Trên khuôn mặt chị hiện rõ những nếp nhăn, lẫn vết thâm quầng sau bao đêm trằn trọc, thức trắng vì lo cho bệnh tật của đứa con thơ dại.
Chị vui sao được khi các con còn mang trên mình đủ thứ bệnh, nhưng trong nhà không có nổi một thứ gì đáng giá để bán, lo chi phí điều trị cho con. Ngày Tết, khi bên ngoài mọi người đua nhau đi sắm Tết, còn chị không đủ tiền mua nổi cho các con bộ quần áo mới để mặc dịp Tết. Đối với hoàn cảnh của chị bây giờ, đó vẫn là ước mơ vượt quá khả năng. Nhìn những vật dụng trong nhà cũng đủ thấy rằng để đảm bảo cuộc sống, lo cho con đủ miếng cơm cũng khó khăn biết nhường nào. Trong khi con chị còn bị bệnh tật hành hạ từng giây, từng phút.
Mỗi khi kể về hoàn cảnh gia đình, chị Nga lại buồn tủi: “Hai vợ chồng em lập gia đình đã mấy năm nay nhưng chưa có nổi miếng đất cắm dùi nên phải ở nhờ nhà bà nội. Chồng thì đi làm thuê, làm mướn quần quật, bản thân em lại đau ốm, không giúp được gì cho chồng. Mấy ngày nay chồng em được người ta kêu đi Lao Bảo bốc hàng. Hy vọng sẽ kiếm thêm được chút tiền về đong gạo trong mấy ngày Tết”.
Chị Nga bị tàn tật từ nhỏ nên không làm được việc nặng. Việc đi lại cũng gặp nhiều khó khăn bởi chân của chị đang có biểu hiện bị teo dần. Nhưng điều khiến chị lo lắng hơn là con trai thứ 2, cháu Hoàng Minh Đức, hiện đang học lớp 1 đã mắc phải căn bệnh thận. Sau mấy lần đi khám và điều trị, các bác sĩ cho hay cháu bị mắc chứng thận hư, và phải đi điều trị thường xuyên.
Chị Nga cho biết, cháu Đức mắc bệnh này cách đây đã mấy năm. Do sức khỏe yếu lại bị bệnh tật nên cháu thường bị ngất xỉu. Có nhiều lúc đang đi học thì xỉu ngay trên lớp, nhờ cô giáo phát hiện và đưa vào trạm xá mới hồi tỉnh. Cũng vì bệnh tật nên việc học tập của cháu thường xuyên bị gián đoạn, vì thế mà chưa qua được lớp.
Từ ngày con mắc bệnh, dù hai vợ chồng đã cố gắng xoay xở đủ đường nhưng vẫn không đủ mua thuốc thang và lo chi phí điều trị cho con. Bao nhiêu lần đưa con đi viện là bấy nhiêu lần vợ chồng anh phải chạy vạy khắp nơi mượn tiền. Bởi trong nhà không có nổi một vật dụng gì đáng giá có thể bán được. Nợ nần chồng chất nhưng bệnh tình của con cũng không khá hơn.
Đã bao nhiêu năm nay, một mình chồng chị chạy đôn, chạy đáo để làm thuê, kiếm miếng cơm cho cả gia đình. “Tết nhất dù rất muốn sắm cho các con bộ quần áo mới như những đứa trẻ khác mà trong túi chẳng có nổi một xu. Mấy lần con đến lay cánh tay em nói: “Mẹ ơi, mua quần áo mới cho con, quần áo con đã sờn cũ hết rồi”. Em nghe mà lòng đau thắt lại, nhưng Tết nhất đối với gia đình cũng có ý nghĩa gì đâu? Chỉ mong cho các con được chữa lành bệnh tật để tiếp tục học hành mà thôi” – chị Nga trải lòng.
Mấy tháng trở lại đây, cháu Đức cũng đau ốm triền miên nên phải nhiều lần nhập viện. Thân hình cháu ngày càng còm cõi vì căn bệnh thận hành hạ. Cháu nói với chúng tôi rằng cháu rất muốn được lành bệnh để đi học, nhưng với hoàn cảnh của anh Tấn, chị Nga bây giờ thì những mong muốn của cháu không biết có thực hiện được hay không?
Trước khi chia tay chúng tôi, chị Nga khẩn cầu: “Thực sự bây giờ gia đình em cũng chẳng mong muốn gì ngoài việc điều trị bệnh cho con. Thương con lắm nhưng vợ chồng em cũng bất lực, không biết làm gì hơn được nữa”.
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về: 1. Mã số 1707: Chị Hoàng Thị Bích Nga, thôn Cao Xá, xã Trung Hải, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Điện thoại: 01679.589.277 2. Quỹ Nhân ái - Báo Khuyến học & Dân trí - Báo điện tử Dân trí. Ngõ 2 nhà số 48 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội Tel: 04. 3. 7366.491/ Fax: 04. 3. 7366.490 Email:quynhanai@dantri.com.vn Bạn đọc ủng hộ qua các tài khoản sau: * Tài khoản VNĐ tại VietComBank: * Tài khoản USD tại VietComBank: Account Number: 045 137 195 6482 Swift Code: BFTVVNVX Bank Name: THE BANK FOR FOREIGN TRADE OF VIETNAM (VietComBank) * Tài khoản VNĐ tại VietinBank: * Tài khoản VNĐ tại Ngân hàng Quân đội (MB) Tên TK:Báo Khuyến học & Dân trí Tại Ngân hàng TMCP Quân đội – Chi nhánh Thái Thịnh - Hà Nội * Tài khoảnUSD tại Ngân hàng Quân đội (MB) Tên TK:Báo Khuyến học & Dân trí Swift Code: MSCBVNVX Bank Name: MILITARY COMMERCIAL JOINT STOCK BANK - MCSB ( No.3, Lieu Giai str., Ba Dinh Dist., Hanoi, Vietnam) 3. Văn phòng đại diện của báo: VP Hà Tĩnh: 46 Nguyễn Công Trứ, Phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh. Tel: 039.3.857.122 VP Đà Nẵng: 25 Nguyễn Tri Phương, Quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Tel: 0511.3653.725 VP TPHCM: số 39L đường 11 (Miếu Nổi), phường 3, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Tel: 0866786885 VP Cần Thơ: 53/13 Lý Tự Trọng, Q Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Tel: 0710.3.733.269 |
Đăng Đức