Cô bé lớp 8 thay mẹ nuôi em và cuộc sống bất ngờ ở làng trẻ SOS
(Dân trí) - "Con không bao giờ nghĩ hai chị em được ở trong ngôi nhà ấm áp, có tình yêu của mẹ, của ba, của các anh chị. Từ nay chị em con không còn phải lo đói ăn, thiếu mặc nữa", cô bé Hiền vui vẻ khoe.
Khác với thời điểm chúng tôi đến viết bài, hôm nay Nguyễn Thị Hiền trông đã "có da, có thịt" hơn trước. Mái tóc cắt ngắn gọn gàng, khuôn mặt bầu bĩnh và đặc biệt nụ cười luôn nở trên môi.
Trừ những lúc tới trường, hầu hết thời gian còn lại Hiền quanh quẩn ở nhà, phụ mẹ công việc lặt vặt và trông em. Hạnh phúc phải khó khăn lắm Hiền mới có, nên em không dám bỏ lỡ một giây phút nào.
Hiền là nhân vật trong bài viết " Nhói lòng cảnh cô bé 13 tuổi không cha thay mẹ chăm em " đăng tải trên Báo điện tử Dân trí. Thời điểm chúng tôi có mặt, Hiền và cô em gái Nguyễn Thị Ngọc hơn 1 tuổi sống trong ngôi nhà tình nghĩa tại xã Thanh An (huyện Thanh Chương, Nghệ An), thiếu thốn những vật dụng cần thiết.
Hai chị em đều không biết cha mình là ai, mẹ lại không được bình thường, thường xuyên bỏ nhà đi. Vắng cha, thiếu sự chăm sóc của mẹ, Hiền phải gồng mình nuôi em từ khi bé Ngọc mới lọt lòng.
Cô bé 13 tuổi đã phải gánh trên vai trọng trách quá lớn nên ước mơ của em cũng khiến biết bao người phải ngậm ngùi. "Con chỉ ước có gạo để ăn, ước có sữa cho em uống, con không phải nghỉ học", Hiền nói trong nước mắt.
Sau khi hoàn cảnh của Hiền đăng tải trên Báo Dân trí, hai chị em đã nhận được sự giúp đỡ, ủng hộ của nhiều tấm lòng hảo tâm. Số tiền từ các mạnh thường quân và bạn đọc Dân trí giúp đỡ lên tới hơn 400 triệu đồng, một số tiền lớn quá sức tưởng tượng của Hiền. Với số tiền này, em có thể yên tâm về tương lai của mình.
Nỗi lo đói ăn, thiếu mặc không còn thường trực trong đầu cô bé lớp 8 nữa. Thế nhưng, có một ngôi nhà đúng nghĩa và được yêu thương thì vẫn luôn là nỗi khao khát thường trực trong em. Chính "ba Lương" đã cho Hiền những gì em còn thiếu. Hiền đã gọi người đàn ông xa lạ ấy là ba, người đã thay đổi cuộc đời của cả hai chị em, đúng vào lần gặp mặt thứ 2.
"Ba Lương" chính là người đã đưa Hiền về Làng trẻ em SOS Vinh, cho Hiền một ngôi nhà, ở đó có mẹ, có các anh chị, có các cô các chú. Và quan trọng nhất, ở đó, Hiền và em Ngọc được sống trong sự yêu thương, đùm bọc của mọi người.
"Sau khi tiếp nhận thông tin từ Báo Dân trí về trường hợp của chị em Hiền, đích thân tôi đến tận nơi để kiểm tra. Nhìn căn nhà chơ vơ trên sườn đồi, người làm cha, làm mẹ nào có thể yên tâm khi bất trắc, hiểm nguy có thể ập đến với con trẻ bất kỳ lúc nào, nhất là khi đêm về. Tôi quyết định phải đón hai chị em Hiền về làng ngay. Đây cũng là trường hợp đầu tiên được đón về Làng nhanh như thế", ông Lê Bá Lương, Giám đốc Làng trẻ em SOS Vinh cho biết.
Về Làng, ông phải cân nhắc để chọn cho chị em Hiền căn nhà phù hợp. Với hoàn cảnh đặc thù của Hiền thì ngôi nhà số 9 của mẹ Tạ Thị Tuyên là phù hợp hơn cả, dù thời điểm đó, trong nhà cũng đã đông con hơn những nhà khác.
Ngay hôm đầu tiên chị em Hiền về Làng, mẹ Tuyên và các anh chị đã chuẩn bị một mâm cỗ thịnh soạn để chào đón. Đó là bữa cơm ngon nhất của Hiền từ trước tới giờ, không phải vì nhiều món ngon mà lần đầu tiên Hiền được cảm nhận sự ấm áp của tình thân. Các chị thay nhau bế em Ngọc, bón cho em ăn, trìu mến gắp vào bát Hiền những miếng ngon nhất. Hiền vui quá, quên cả ăn, để mẹ Tuyên và "ba Lương" phải giục.
Về Làng, Hiền tiếp tục được đi học, không còn phải bế em theo như hồi ở trên quê. Hiền học chưa được tốt như các bạn cùng lớp nhưng mẹ Tuyên và các anh chị luôn động viên, còn giảng giải giúp em những bài Toán khó. "Sau này lớn lên con sẽ làm một cô giáo dạy Văn", Hiền vui vẻ chia sẻ về kế hoạch tương lai của mình - điều trước kia em không dám nghĩ đến.
"Về đây, con có mẹ, có ba, có các cô, các chú, các anh chị. Ai cũng yêu thương con, chăm sóc con, lo cho con từng li từng tí. Tết này là cái Tết mà con vui nhất từ trước tới nay. Con và em Ngọc cảm ơn Báo Dân trí, cảm ơn mọi người đã luôn yêu thương, giúp đỡ hai chị em con, để chúng con có ngày hôm nay", Hiền không giấu được niềm vui trước sự thay đổi của cuộc đời mình.
Hoàng Lam