1. Dòng sự kiện:
  2. 20 năm Chương trình Nhân ái

Mã số 1143:

Chông chênh giấc mơ của nữ sinh đỗ 2 trường ĐH bị bệnh thận nặng

(Dân trí) - Nhà nghèo, lại mang trong mình căn bệnh suy thận nặng, nhưng em Lê Thị Trúc Linh, lớp 12 Trường THPT Phạm Văn Đồng (huyện Tây Hòa, Phú Yên) vẫn cùng lúc đỗ hai trường đại học. Thế nhưng giấc mơ trở thành cô giáo phía trước của Linh thật chông chênh, khắt nghiệt…

Chúng tôi đến nhà em Trúc Linh vào một trưa cuối tháng 8, những ngày cuối cùng chuẩn bị nhập học. Em đang ngồi trước nhà, cặm cụi cắt những trang giấy vở chưa viết thừa lại từ năm học trước, bấm lại thành tập để chờ ngày mang ra Quy Nhơn nhập học. Linh chia sẻ: “Học ĐH thế nào cũng ghi chép nên em tận dụng giấy trắng, đóng thành tập để làm nháp dùng làm vở học. Nhà nghèo nên em phải tiết kiệm từ những thứ nhỏ nhất”.

Tuổi thơ bất hạnh

Căn nhà nhỏ được Nhà nước hỗ trợ cho hộ nghèo, nơi hai mẹ con Trúc Linh trú ngụ lọt thỏm trong những rẫy tiêu, cà phê của người ta. Trong nhà, chẳng có vật dụng gì đáng giá ngoại trừ chiếc xe đạp cà tàng, một bàn sách vở, góc học tập của Trúc Linh. Trong khi các bạn cùng trang lứa đang tất bật chuẩn bị thứ này thứ kia chuẩn bị lên đường nhập học, thì Trúc Linh phải tiết kiệm những thứ nhỏ nhất, tiếp tục chống chọi với căn bệnh suy thận để tiếp tục nuôi ước mơ đến giảng đường.

Vóc người nhỏ nhắn và nụ cười rất hiền luôn nở trên môi, khó ai có thể biết em đã và đang phải trải qua những tháng ngày bất hạnh.

Chông chênh giấc mơ của nữ sinh đỗ 2 trường ĐH bị bệnh thận nặng
Trúc Linh cùng lúc đỗ 2 trường ĐH nhưng ít ai biết hàng ngày em đang phải đối diện với bệnh suy thận nặng

Trúc Linh sinh ra đã không có cha. Ông bỏ đi khi mẹ mang thai em vừa tròn hai tháng. Hai mẹ con về sống cùng ông bà ngoại già yếu tại thôn Sơn Thọ, xã Sơn Thành Tây (Tây Hòa). Mới 7 tuổi, vì nhà quá nghèo nên mẹ em phải vào Sài Gòn làm thuê để lại Linh cho ông bà ngoại chăm nom. Người mẹ tảo tần từ trông trẻ đến rửa chén, làm phụ hồ, không có việc gì mà mẹ em không trải qua để có tiền gửi về nhà nuôi ông bà ngoại và lo cho Linh ăn học. Một thời gian dài, vì sức khỏe yếu, nên mẹ Linh phải về quê, ai thuê gì làm nấy, từ phun thuốc, nhổ cỏ sắn đến hái bắp…

Ngôi nhà mẹ con em đang ở được xây cách đây bốn năm từ tiền hỗ trợ cho hộ nghèo của Nhà nước. Năm Linh học lớp 10, bà ngoại mất vì tai nạn giao thông, sau đó ít tháng, ông ngoại cũng bị bệnh mất. Hai mẹ con càng đơn độc và hiu quạnh hơn trong ngôi nhà nhỏ.

Năm học lớp 8, Trúc Linh phát chứng bệnh đau đầu, có lần, cả người bị phù lên. Nhưng vì nhà nghèo, đến miếng ăn cũng phải chạy từng bữa, nên em không dám nói với mẹ để khám bệnh.

Ba năm sau, bệnh tình ngày càng trở nên nặng hơn, em thường xuyên bị đau đầu hành hạ. Không ít lần em ngất đi trong lớp học, phải chuyển xuống phòng y tế của trường để cấp cứu. Lúc này, thầy cô ở trường mới thông báo cho mẹ em biết bệnh tình. Người mẹ gầy gò phải nghỉ làm thuê một ngày, dồn tiền đưa em lên bệnh viện tỉnh để khám. Nhà nghèo nhưng gặp phải căn bệnh nhà giàu, kết quả chẩn đoán em bị suy thận mãn tính giai đoạn cuối.

Nhận kết quả, hai mẹ con chỉ biết ôm nhau khóc. Không tin vào nghịch cảnh, chị Lê Thị Khánh, mẹ Linh chạy vạy mượn chòm xóm, vay nóng được gần 20 triệu đồng, đưa con gái vào Sài Gòn khám lại, nhưng kết quả vẫn không khả quan hơn.

Lúc đầu, Trúc Linh còn uống thuốc theo đơn bác sĩ kê, sau dần, nhà không còn tiền để mua thuốc, bệnh không thấy thuyên giảm, hai mẹ con chuyển sang dùng thuốc nam, ai bày gì dùng nấy cầm cự với căn bệnh hiểm nghèo cho đến nay.

Chị Lê Thị Khánh, bộc bạch: “Làm không ra tiền, nên mỗi ngày đi chợ, tôi chỉ tiện tặn mua rau, củ. Ngày nào dư giả thì mua thêm con cá hoặc lạng thịt, bồi bổ cho con. Kiếm được đồng tiền nào, tôi cũng nghĩ ngay đến việc mua thuốc, chữa bệnh cho Linh vì cháu là cuộc sống của tôi”.

Những năm học phổ thông, Linh phải vừa học, vừa chống chọi với những cơn đau đầu dữ dội. Lo lắng cho sức khỏe của Linh, không ít lần mẹ khuyên con nên nghỉ học. Nhưng Linh quyết không từ bỏ giấc mơ trở thành cô giáo. Nhà có chiếc xe đạp duy nhất, Linh nhường mẹ đi làm thuê, kiếm tiền. Còn em, nắng cũng như mưa, suốt ba năm liền, theo xe bạn cùng lớp vượt gần 10km đường dốc núi. Ngày nào, Linh cũng dậy từ 4 giờ sáng, nấu cơm mang theo để trưa ở lại trường ăn.

Thấy gia cảnh cô học trò nhỏ khó khăn, nhưng chăm ngoan, học giỏi, các thầy cô trong trường dạy phụ đạo miễn phí cho em. Thầy Trần Văn Hai, giáo viên chủ nhiệm Linh năm học 12 chia sẻ: “Linh là một học sinh chịu nhiều bất hạnh trong cuộc sống, nhưng em rất ham học và giàu nghị lực. Các thầy cô và học sinh khác trong trường luôn cảm thông, tạo điều kiện và giúp đỡ em vươn lên”.

Dù hoàn cảnh nghèo khó, lại mang bệnh nặng nhưng kết quả 12 năm học Linh đều xếp loại giỏi. Trong kỳ thi tuyển sinh đại học vừa qua, Trúc Linh trúng tuyển hai trường đại học: Ngành Lâm nghiệp của Trường đại học Huế với số điểm 21 và ngành sư phạm Hóa học của Trường đại học Quy Nhơn với số điểm 22. Linh tâm sự: “Sau kỳ thi em phát bệnh nặng, phải nằm viện hơn nửa tháng. Mẹ em đã phải vay mượn khắp nơi để có tiền truyền 7 bịch máu. Lúc đó, em rất buồn và sợ. Khi các bạn cùng lớp xuống bệnh viện thăm, báo tin đậu hai trường đại học, em mừng đến phát khóc”.

Mong là cây xương rồng

Những ngày này, chị Lê Thị Khánh đang tất tả ngược xuôi làm thuê cuốc mướn để “lận lưng” thêm ít làm hành trang cho con lên đường nhập học. Họ hàng, chòm xóm nghe tin Linh đậu đại học, cũng đến chia vui, “lì xì” cho em cân đường, lốc sữa để tẩm bổ. Mẹ Linh nghẹn ngào chia sẻ: “Thú thiệt lúc cháu thi đại học xong, tôi chỉ mong cháu rớt vì nếu đậu, tiền đâu mà nuôi cháu học suốt 4 năm, rồi thuốc thang, chữa bệnh nữa. Để con mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo, người làm mẹ thật đắng lòng…”. Chị bỏ lửng câu nói vì xúc động.

Chông chênh giấc mơ của nữ sinh đỗ 2 trường ĐH bị bệnh thận nặng
Linh rất thích trồng loài hoa xương rồi bởi đơn giản em cũng muốn sức sống mình mãnh liệt như hoa để nuôi ước mơ giảng đường

Linh rất thích loài hoa xương rồng. Trong vườn sau nhà, em trồng gần 20 chậu xương rồng các loại. Những lúc rảnh rỗi, em thường ra vườn nhìn xương rồng thư giãn tìm niềm vui sống. Linh bộc bạch: “Xương rồng có một sức sống rất mãnh liệt. Khi xa nhà đi học, em sẽ mang theo một cây xương rồng để tiếp thêm sức mạnh cho em những lúc yếu đuối, khó khăn”.

Khi tôi rời nhà Trúc Linh cũng là lúc chị Lê Thị Khánh chở em trên chiếc xe đạp cũ, vượt qua con dốc, đến UBND xã Sơn Thành Tây ký giấy tờ để làm hồ sơ xin học bổng cho em. Giữa cái nắng ong ong của vùng đất đỏ, bóng hai mẹ con chông chênh trên con đường ngoằn nghèo…

Thầy giáo Nguyễn Ngọc Đồng, Bí thư Đoàn trường Trường THPT Phạm Văn Đồng, trăn trở: “Linh là một học sinh giàu nghị lực, là một tấm gương sáng cho nhiều học sinh khác noi theo. Em đã chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống, và hơn bao giờ hết, lúc này, em cần được tiếp sức từ những tấm lòng nhân ái để có đủ niềm tin vượt qua bệnh tật, tiếp tục thực hiện ước mơ của mình”.

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:

1. Mã số 1143: Chị Lê Thị Khánh, mẹ của em Lê Thị Trúc Linh (thôn Sơn Thọ, xã Sơn Thành Tây, huyện Tây Hòa, Phú Yên).

ĐT: 01658.398.279

2. Quỹ Nhân ái - Báo Khuyến học & Dân trí - Báo điện tử Dân trí.

Ngõ 2 nhà số 48 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội (Cạnh cây xăng Kim Mã)

Tel: 04. 3. 7366.491/ Fax: 04. 3. 7366.490

Email: quynhanai@dantri.com.vn

Bạn đọc ủng hộ qua các tài khoản sau:

* Tài khoản VNĐ tại VietComBank: 
Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí 
Số TK: 045 100 194 4487 
Tại: Ngân Hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh Thành Công - Hà Nội.

* Tài khoản USD tại VietComBank: 
Account Name: Bao Khuyen hoc & Dan tri

Account Number: 045 137 195 6482

Swift Code: BFTVVNVX

Bank Name: THE BANK FOR FOREIGN TRADE OF VIETNAM (VietComBank)

* Tài khoản VNĐ tại VietinBank: 
Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí 
Số TK: 10 201 0000 220 639 
Tại: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam - Chi nhánh Hoàn Kiếm

* Tài khoản VNĐ tại Ngân hàng Quân đội (MB)

Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí 
Số TK: 0721100356359

Tại Ngân hàng TMCP Quân đội – Chi nhánh Thái Thịnh - Hà Nội

* Tài khoản USD tại Ngân hàng Quân đội (MB)

Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí 
Số TK: 0721100357002

Swift Code: MSCBVNVX

Bank Name: MILITARY COMMERCIAL JOINT STOCK BANK -  MCSB ( No.3, Lieu Giai str., Ba Dinh Dist., Hanoi, Vietnam)

3. Văn phòng đại diện của báo:

 VP Hà Tĩnh: 46 Nguyễn Công Trứ, Phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh. Tel: 039.3.857.122

VP Đà Nẵng: 25 Nguyễn Tri Phương, Quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Tel: 0511.3653.725

VP HCM: số 39L đường 11 (Miếu Nổi), phường 3, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Tel: 0866786885

VP Cần Thơ: 53/13 Lý Tự Trọng, Q Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Tel: 0710.3.733.269 

 

 N.Sơn – D.Công

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm