Chính quyền địa phương, bạn đọc chăm lo 3 đứa trẻ không có Tết
(Dân trí) - Ngay sau khi báo Dân trí đăng bài viết về hoàn cảnh của 3 đứa trẻ vì gia cảnh khó khăn nên dường như không biết mùi vị của Tết, chính quyền địa phương và bạn đọc Dân trí đã nhanh chóng giúp đỡ.
Anh Nguyễn Văn Bỗng (Hà Tĩnh) chia sẻ: "Khi đọc được bài viết về hoàn cảnh gia đình anh Nguyễn Đình Xuân trên báo Dân trí, gia đình cũng đã dành một phần quà nhỏ để mong rằng Tết này các cháu sẽ có thêm bộ quần áo mới như những đứa trẻ khác".
Thông qua báo Dân trí, các bạn đọc tại Hà Tĩnh đã quyên góp được 7 triệu đồng gửi tới gia đình anh Nguyễn Đình Xuân. Hy vọng những đứa trẻ sẽ có một cái Tết ấm no hơn.
Đón nhận số tiền của bạn đọc giúp đỡ, chị Lê Thị Liễu (vợ anh Xuân) xúc động nói: "Đó là cả một tài sản lớn đối với gia đình. Tôi sẽ dành một phần mua sắm cho các con bộ quần áo mới, phần còn lại sẽ dùng để điều trị cho chồng. Tôi xin cảm ơn các nhà hảo tâm, bạn đọc và báo Dân trí đã quan tâm, giúp đỡ gia đình".
Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng đã có phần quà động viên gia đình vào những ngày giáp Tết.
Ông Nguyễn Trọng Phượng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Cẩm Sơn cho biết, gia đình anh Nguyễn Đình Xuân thuộc diện hộ cận nghèo. Vào các ngày lễ, đặc biệt dịp Tết này địa phương đã có hàng trăm suất quà cho các đối tượng chính sách cũng như các hoàn cảnh khó khăn. Vừa rồi các đoàn thể cũng đã có xuống thăm hỏi, động viên, tặng quà cho gia đình".
Ông Đặng Quốc Hiền, Trưởng phòng LĐ - TB&XH huyện Cẩm Xuyên cũng đã đến thăm hỏi, động viên gia đình anh Xuân, chị Liễu. Tại đây, ông Đặng Quốc Hiền đã gửi lời cảm ơn báo Dân trí đã luôn quan tâm, đồng hành, chia sẻ với các hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh. Đồng thời đề nghị xã Cẩm Sơn cần có phương án hỗ trợ sinh kế cho gia đình để họ từng bước vượt qua khó khăn.
"Bây giờ phải có phương án hỗ trợ sinh kế, tìm các mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh gia đình, chỉ có như vậy mới bền vững được", Trưởng phòng Lao động - TB&XH huyện Cẩm Xuyên chia sẻ.
Trước đó, như báo Dân trí đã viết, anh Xuân, chị Liễu (trú tại thôn Trung Sơn, xã Cẩm Sơn, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) cưới nhau được mấy năm thì anh Xuân ngã bệnh.
Anh Xuân bị xơ gan, suy gan và hiện nay sức khỏe đã rất yếu, dường như chỉ nằm một chỗ.
Lúc chúng tôi tới thăm gia đình anh Xuân khi cái Tết đã cận kề nhưng trong nhà chưa có một chiếc lá dong gói bánh chưng hay gói bánh nào.
Bốn năm qua, từ khi người cha ngã bệnh, 3 đứa trẻ Nguyễn Đình Thanh (12 tuổi), Nguyễn Lê Ngọc Hạnh (8 tuổi) và Nguyễn Đình Phúc (4 tuổi) đã không còn biết đến mùi vị của tết.
Nên khi tết đã cận kề, dường như chúng bị chai sạn không còn háo hức như những đứa trẻ con ở vùng quê. Thay vào sự háo hức đó của chúng, có lẽ đó là sự tủi thân.
"Giờ phải chạy ăn từng bữa, làm sao dám mơ về ngày Tết được. Nhiều lúc thương con đến đứt ruột vì không sắm nổi bộ quần áo mới cho chúng, nhưng chị đành bất lực", chị Liễu ngậm ngùi.
Không có thu nhập nhưng mấy năm qua mỗi tháng tiền thuốc, tiền điều trị cho anh Xuân cũng hết hơn 3 triệu đồng. Đó là cả một gánh nặng đối với gia đình chị.
Giờ cả 5 miệng ăn chỉ dựa vào 2 sào ruộng. Chị Liễu sức khỏe cũng yếu lại không nhanh nhẹn nên việc tìm kiếm công việc làm thêm cũng khó khăn.
Hằng ngày, Thanh phụ giúp mẹ nấu ăn, còn Hạnh thì rửa bát, chăm em. Những lúc mẹ đi làm đồng, 3 đứa trẻ lại tự chăm nhau và chăm sóc cha.
Mỗi lần người cha ôm bụng kêu rên lên những tiếng đau đớn, ba đứa con lại nháo nhào chạy vào. Đứa thì bóp tay, đứa thì xoa bụng. Chúng nghĩ rằng như vậy người cha của mình sẽ không còn đau nữa.
Nhìn ba đứa trẻ thơ, nheo nhóc cứ quấn quýt bên người cha bất động ai cũng nghẹn lòng.