1. Dòng sự kiện:
  2. 20 năm Chương trình Nhân ái

Cha mù ăn xin nuôi 4 con và vợ tâm thần

(Dân trí) - Từ khi sinh ra, anh đã không được may mắn như mọi người bình thường, bị mù bẩm sinh cả hai mắt, đến năm 10 tuổi bắt đầu “hành nghề” đi ăn xin ở các chợ vùng quê để sống qua ngày đoạn tháng nuôi cả gia đình.

Cuộc sống cơ hàn

 

Anh Lê Văn Ưu (sinh năm 1954) ở xóm Thái Xá 1, xã Mỹ Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh, sinh ra trong một gia đình nghèo khổ có đến 5 người con, anh là người con trai duy nhất của gia đình, mẹ mất lúc anh lên 15 tuổi để lại một người cha già nuôi 5 đứa con. Lớn lên các chị và em không ai được học hành, người vào Nam, người ra Bắc đi ở thuê, làm mướn để kiếm sống.

 

Chị em đều đi xa còn lại mình anh Ưu ở với cha. Ông Đoài bố anh ngày càng già yếu, anh Ưu thì bị mù không biết làm gì. Để hai cha con sống qua ngày đoạn tháng, anh Ưu bắt đầu “hành nghề” đi ăn xin về nuôi mình và cha già.

 

Ngày nào anh cũng dậy từ sớm tay cầm gậy, vai mang túi tìm đường đi hơn 10km đến các phiên chợ vùng quê nghèo Hà Tĩnh để xin ăn. Những chợ anh thường lui tới là chợ Huyện ở xã Đồng Lộc, Chợ Lối xã Quang Lộc, chợ Cường xã Sơn Lộc…(huyện Can Lộc).

 

Cuộc sống hai cha con dựa vào những đồng tiền, bát gạo của các nhà hảo tâm, vào năm anh Ưu lên 25 tuổi thì ông Đoài mất, anh bơ vơ giữa cõi đời. Một mình trong căn nhà tranh, cơm nước qua ngày phải nhờ bà con làng xóm nấu giùm để ăn.

 

Tưởng rằng anh sẽ sống một mình suốt đời nhưng năm 35 tuổi, chị Võ Thị Hứng người đồng cảnh ngộ như anh và có phần thần kinh không ổn (tâm thần), cũng đi ăn xin ở các chợ và theo anh về làm vợ.

 

Sau 20 năm sinh sống, vợ chồng anh sinh được 4 người con. Nhưng bất hạnh thay, đứa con gái đầu Lê Thị Xuân (16 tuổi) lại bị tâm thần giống mẹ. Thấy hoàn cảnh gia đình nghèo khổ và đông con nên có nhiều người đến xin về làm con nuôi nhưng vợ chồng anh không cho, nay hai đứa con trai đã lớn nhưng còi cọc, gầy yếu…

 

Năm 2003 bà con xóm làng và chính quyền xã đã quyên góp xây cho gia đình anh một căn nhà hai gian thay căn lều tranh ọp ẹp để che nắng, che mưa.

 

Hiện gia đình anh có 6 người sống nhờ vào số tiền trợ cấp 120.000đồng/tháng cùng hai sào ruộng khoán. Để có thêm cái ăn thì anh chỉ biết “hành nghề” đi xin chứ biết làm gì khác với đôi mắt mù để nuôi cả gia đình.

 

Ngày nào cũng vậy, đứa con thứ ba của anh là Lê Văn Quốc (8 tuổi) lại nắm tay dắt cha tiến về các phiên chợ để ăn xin. “Ngày mô may mắn hai cha con đi xin cũng kiếm được vài ba bát gạo, còn bữa mô không có thì cả gia đình chịu đói thôi. Con thì bị bệnh rứa, còn vợ thì phải ở nhà nuôi con và bị bệnh chẳng biết mần chi cả nên tui phải đi xin mới nuôi được gia đình”, anh Ưu tâm sự.
 
 
Cha mù ăn xin nuôi 4 con và vợ tâm thần - 1

Hai cha con lên đường mưu sinh
 

“Em muốn đi học nhưng… cha mẹ không có tiền!”

 

Hiện các con anh đang trong độ tuổi học hành, nhưng đứa nào may mắn nhất thì chỉ học đến lớp 4 là nghỉ. Chúng tôi hỏi em Lê Văn Trung (14 tuổi) con thứ hai của anh Ưu, em có thích đi học không? Em liền trả lời: “Có chứ, thấy các bạn đi học em rất muốn nhưng cha mẹ không có tiền, nếu em đi học thì không ai dắt cha ra chợ đi ăn xin nữa, ngày trước cha có thể đi được nhưng nay già rồi không có em dắt là cha lại đi lạc đường và bị vấp ngã”.

 

Em cho biết thêm: “Có hôm em phải ra đồng mò con cá, con cua, còn thằng Quốc thì đi thả trúm bắt lươn về bán, một mình cha đi xin nhưng trưa rồi không thấy về, hai anh em đi tìm thì thấy cha ngồi bên đường người thì trầy xước, máu chảy đỏ cả áo, hỏi cha thì mới biết là bị ngã”.
 
Cha mù ăn xin nuôi 4 con và vợ tâm thần - 2

Gia đình nheo nhóc của anh Ưu

 

Trước khi rời gia đình khốn khó này, chúng tôi ra về và xin chụp cái ảnh có đông đủ gia đình để viết bài thì anh Ưu liền nói: “Hôm nay trong làng có đám cưới, vợ tui bồng con cùng cái Xuân sang đó xin bữa cơm để ăn”.

 

Cứ bước vào vụ thu hoạch lúa là hai đứa con trai của anh lại ra đồng đi quét lúa rơi, lúa vãi. Bà Tâm người hàng xóm chua xót: “Nhìn thấy hoàn cảnh gia đình anh mà rơi nước mắt, đã nghèo khổ vợ con bị bệnh, chồng mù, con thì đứa mô cũng nheo nhóc. Vào những ngày mưa gió anh Ưu không đi xin khổ lắm, rồi những lúc vợ con đau ốm nằm một chỗ mà không có tiền mua thuốc. Bà con làng xóm chúng tôi thương gia đình anh chỉ biết giúp bát gạo nấu cơm nhưng rồi giúp mãi cũng khổ chúng tôi lắm, bởi bà con làng xóm ai cũng nghèo cả…”.

 

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về:

 

1. Anh Lê Văn Ưu - xóm Thái Xá 1, xã Mỹ Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh

 

2. Quỹ Nhân ái - Báo Khuyến học và Dân trí - Báo điện tử Dân trí (Hà Nội) 

Số 2/48 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội
Tel: 04. 3. 7366.491/ Fax: 04. 3. 7366.490 
Email: quynhanai@dantri.com.vn

 

* Tài khoản VNĐ:

Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí

Số TK: 10 201 0000 220 639

Tại: Chi nhánh Ngân hàng Công thương Hoàn Kiếm Hà Nội  

* Tài khoản USD:

Tên TK : Báo Khuyến học & Dân trí

Số TK : 10 202 0000 004346

Switch Code : ICBVVNVX106 639

Tại : Sở Giao dịch I - Ngân hàng Công thương Việt Nam  

3. Văn phòng đại diện của báo:

 

VP Hà Tĩnh: 46 Nguyễn Công Trứ, Phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh. Tel: 039.3.857.122

 

VP Đà Nẵng: 25 Nguyễn Tri Phương, Quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Tel: 0511.3653.725


VP HCM:
40/17/16 Nguyễn Văn Đậu, phường 6, Quận Bình Thạnh. Tel: 08.35107331

 

VP Cần Thơ: 53/13 Lý Tự Trọng, Q Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Tel: 071.3.733.269

 

 

Đất Vũ - Văn Dũng