Cần lắm những tấm lòng nhân ái!
(Dân trí) - Thành lập từ năm 1987, trường nuôi dạy trẻ khuyết tật (TP Cần Thơ) đến nay đã tròn 20 năm tuổi. Chừng ấy thời gian, bao nhiêu trẻ đã rời mái trường với sự tự tin, lạc quan bước vào cuộc sống. Nhưng các thầy cô còn muốn làm nhiều điều hơn nữa cho các em, họ cần sự giúp sức từ cộng đồng.
Hầu hết các em học tại trường đến từ các tỉnh ở ĐBSCL. Hiện trường có 130 em, trong đó 9 em khiếm thị, còn lại là khiếm thính. Trường dạy 2 cấp học: tiểu học 9 năm, THCS 6-7 năm; dạy văn hóa và dạy nghề.
Có chứng kiến các em khuyết tật học mới thấy những khó khăn, nỗ lực của các giáo viên ở đây. Họ phải thật sự hiểu tâm lý và những hành động của các em mới có thể tiếp nhận và truyền đạt lại cho các em hiểu.
Cô Nguyễn Thị Thái, một giáo viên đã có 13 năm gắn bó với trung tâm, tâm sự: “Ban đầu rất sợ vì hành vi của một số em hơi bất bình thường. Nhưng qua một thời gian dạy các em, hiểu các em thì càng thấy thương các em hơn. Muốn ở lại để quan tâm, chia sẻ…”.
Cô Bùi Thị Tuyết Lan có hơn 10 năm trong nghề cho biết: “Các em học chữ nổi, phải lấy tay dò từng chữ một theo hình, khuôn mẫu có sẵn, sau đó ghép lại và đọc, thấy tội lắm. Khó là làm sao cho các em hình dung được chữ cái đó như thế nào, giống cái gì”.
Tận mắt chứng kiến các em khiếm thị dò dẫm từng câu chữ, những em khiếm thính nhìn khẩu hình cô giáo để phát âm, mới thấy những số phận kém may mắn này thật nhiều nghị lực.
Ngoài học văn hóa, các em còn được học nghề, những nghề thủ công đơn giản như đan túi xách, giỏ, thêu khăn, may quần áo… Sản phẩm của các em làm ra được nhiều cơ quan ban ngành mua ủng hộ, thậm chí còn là sản phẩm yêu thích của nhiều Việt kiều.
Một thực tế xót xa là khi các em ra trường, dù có học vấn, có nghề trong tay, các em cũng không xin được việc. Phần lớn các em vẫn phải chọn cho mình những nghề lao động phổ thông để giải quyết vấn đề mưu sinh, như bán vé số, bán hàng rong dạo…
Hơn ai hết, những thầy cô ở trường thương yêu các em như con đẻ. Ngày ngày tận tình chăm sóc, dạy dỗ các em, họ hiểu xã hội cần làm gì để những con người đã chịu thiệt thòi về cơ thể không phải gánh thêm những bất hạnh, tủi hổ ngoài xã hội.
Hiệu trưởng nhà trường, ông Nguyễn Thanh Phong, cho biết: “Chính sách nhà nước giành cho các em thật sự chưa đáp ứng được nhu cầu học tập và sinh hoạt. Mỗi ngày chỉ có 5.000đ/em để ăn, số tiền này không đủ cho một ngày ăn dinh dưỡng. Phần lớn vẫn là nhờ vào các nhà hảo tâm đóng góp”. Đã nhiều năm nay, ông xin ý kiến từ Sở Giáo dục và UBND TP Cần Thơ tăng lên cho các em thêm vài ngàn tiền ăn một ngày nhưng chưa được giải quyết.
Các thầy cô đều biết rằng, để các em tự tin, vững bước trong cuộc sống vẫn còn cần lắm những tấm lòng hảo tâm, những trái tim nhân ái!
Huỳnh Hải - Nguyễn Nhi