1. Dòng sự kiện:
  2. 20 năm Chương trình Nhân ái

Bị tàu Trung Quốc tấn công, cuộc sống của ngư dân thêm khó khăn

(Dân trí) – Từ khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trong vùng biển của Việt Nam, tàu Trung Quốc liên tiếp tấn công, xua đuổi các tàu cá của ta khi đang đánh bắt khiến cuộc sống của nhiều ngư dân vốn đã khó khăn nay lại càng khó khăn hơn.

Chúng tôi tìm đến nhà ngư dân Đặng Văn Xuân (sinh 1997, phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) vào một buổi chiều nắng gắt. Ngôi nhà tạm được dựng lên bằng những tấm tôn khoảng 16m2 trên đất của nhà nước là chỗ sinh hoạt của 5 người trong gia đình anh.

Anh Xuân cho biết, anh đi biển từ lúc còn thanh niên, hiện là lao động của tàu ĐNa 90457. Vợ anh ở nhà làm nội trợ. Hiện hai vợ chồng đã có 3 cậu con trai, cháu lớn 10 tuổi, cháu nhỏ 7 tuổi. Trước đây, gia đình anh sống cùng với cha mẹ nhưng dần dà người đông lên không có chỗ ở nên vợ chồng anh kiếm mấy tấm tôn dựng tạm ngôi nhà trên đất của nhà nước sống 3 năm nay.

Ngôi nhà của anh Xuân dựng tạm trên đất của nhà nước

Ngôi nhà của anh Xuân dựng tạm trên đất của nhà nước

“Nhà này mùa mưa thì dột mùa hè thì nắng hừng hực. Vừa rồi, phường cho người xuống để cưỡng chế bắt gia đình tháo gỡ nhưng thấy hoàn cảnh tội quá nên thôi”, chị Lê Thị Mỹ Hằng – vợ anh Xuân cho biết.

Cũng theo anh Xuân, vài năm trở lại đây, các tàu đánh bắt gặp nhiều khó khăn, hải sản đánh bắt không được nhưng giá liên tục bị giảm. Đặc biệt, từ khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan, các tàu Trung Quốc thường xuyên tấn công, xua đuổi các tàu cá của chúng ta nên đánh bắt không được. Chuyến ra khơi vừa rồi tàu của anh vào bờ bị lỗ tổn, không có đồng nào hết. Anh phải vay tiền của chủ tàu để trang trải cuộc sống cho gia đình.

Cả gia đình anh Xuân sống trong ngôi nhà tạm khoảng 16m2

Cả gia đình anh Xuân sống trong ngôi nhà tạm khoảng 16m2

Hơn anh Đặng Văn Xuân là có được ngôi nhà nhưng trong ngôi nhà của anh Huỳnh Văn Út (sinh 1976, phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) - ngư dân tàu 90357 không có vật gì đáng giá, kể cả bộ bàn ghế để mời khách ngồi cũng không có. Gia đình anh Út cũng thuộc diện hộ nghèo của phường.

Anh Út cho biết, vợ chồng anh đã có hai cháu trai, cháu lớn 7 tuổi, cháu nhỏ 5 tuổi. Vợ anh làm công nhân đông lạnh, lương tháng 1,5-1,7 triệu đồng. Anh đi biển nhưng cũng thất thường, tháng được vừa vài ba triệu, không thì được 1 triệu. Như chuyến vừa rồi đi về không có cá, anh em không có thu nhập.

Nhà anh Út không có vật dụng gì đáng giá cả

Nhà anh Út không có vật dụng gì đáng giá cả

“Từ khi Trung Quốc đặt giàn khoan, tàu của chúng thường xuyên tấn công, dí các tàu cá của mình. Chiều 26/6, tàu tui bị tàu Trung Quốc kẹp, dí theo. Đến khi chúng đâm chiếc ĐNa 90152 (tàu của bà Huỳnh Thị Như Hoa) chìm thì chúng mới chịu thả tàu tui ra”, anh Út cho biết.

Cuộc sống vốn đã khó khăn nhưng thời gian này lại càng khó khăn hơn vì thu nhập của anh không có, cả gia đình gồm 4 người chỉ phụ thuộc vào đồng lương ít ỏi của vợ anh.

Không khá hơn so với các gia đình khác, gia đình ngư dân Võ Văn Minh (sinh 1971, phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) cũng đang sống nhờ trong một ngôi nhà cũ kỹ, mục nát của một người khác.

Anh Minh cho biết, trước đây gia đình anh sống chung với bố mẹ nhưng nhà đông anh em quá nên phải tách ra. Thấy ngôi nhà của một người bỏ hoang, vợ chồng anh dọn dẹp lại rồi chuyển về đây ở cũng đã được 4 năm nay. Ba đứa con anh đang tuổi ăn tuổi học nên chi phí cũng rất tốn kém.

Gia đình anh sống trong một ngôi nhà hoang cũ kỹ, mục nát

Gia đình anh sống trong một ngôi nhà hoang cũ kỹ, mục nát

Thời gian trước, anh đi biển cùng với thu nhập của vợ là công nhân may mặc, chắt bóp lắm cũng thiếu trên hụt dưới. Những chuyến đánh bắt gần đây, tàu của anh không có cá, không có thu nhập nên cuộc sống của gia đình lại càng thêm thiếu thốn. Anh lại phải vay mượn của chủ tàu, khi nào có lương thì trả lại.

“Chuyến vừa rồi đi mà bị tàu Trung Quốc dí đuổi miết, lo thoát thân nên không đánh bắt được gì cả”, anh Minh cho hay.

Được bố mẹ nhưng nơi sinh hoạt nhưng nhà của gia đình anh Nguyễn Văn Lộc (sinh 1973, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) – ngư dân tàu 90457 cũng chỉ là một cái phòng khoảng 10m2. Ban đêm đi ngủ thì đặt giường xuống còn ban ngày phải dựng giường lên để có nơi sinh hoạt.

Anh Lộc cho biết, nhà anh có 6 anh em thì 4 người sống trong nhà bố mẹ. Mỗi gia đình được chia cho một phòng trong đó có gia đình anh. Cuộc sống gia đình quá khó khăn nên đứa con trai đầu nay đã học lớp 11 nhưng anh chị chưa dám sinh tiếp.

“Vài năm trở lại đây, làm ăn khó khăn, thu nhập chẳng được bao nhiêu. Còn từ khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan, đi đánh bắt mà không có cá. Cả nhà chỉ trông chờ vào gánh bánh bèo của vợ. Tuy nhiên, nghề bán bánh bèo cũng chỉ bán mùa hè còn mùa đông thì nghỉ”, anh Lộc cho biết.

Nơi sinh hoạt của gia đình anh Lộc là căn phòng khoảng 10m2
Nơi sinh hoạt của gia đình anh Lộc là căn phòng khoảng 10m2
 
Còn ngư dân Đặng Văn Chánh (sinh 1971, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) – ngư dân tàu ĐNa 90026, cách đây 8 tháng vợ anh bị xuất huyết não đột ngột qua đời bỏ lại cho anh 3 đứa con thơ. Cháu lớn mới 13 tuổi, cháu nhỏ mới 1 tuổi rưỡi. Cuộc sống của bốn cha con trông cậy và những chuyến đi biển của anh nhưng thời gian này đánh bắt không được, không có thu nhập. Để có tiền xoay xở, lo cho các con anh Chánh phải đi vá lưới thuê và vay mượn thêm của chủ tàu.

Theo anh Trương Văn Chính – chủ tàu ĐNa 90357, thời gian này, hầu hết các tàu cá đều đánh bắt không được, lỗ tổn nên không có tiền để trả lương cho anh em lao động. Những ngư dân có hoàn cảnh ổn định là chồng đi biển, vợ buôn bán cá. Còn những gia đình, chồng đi biển, vợ không có công ăn việc làm hoặc làm công nhân thì cuộc sống rất khó khăn. Họ thường phải mượn tiền của chủ tàu để trang trải cuộc sống, khi nào có thì trả lại rồi vay tiếp…

Và còn nhiều ngư dân có hoàn cảnh khó khăn vẫn đang mong chờ được sự hỗ trợ để tiếp tục ra khơi bám biển, không chỉ là để mưu sinh mà còn để khẳng định chủ quyền trên vùng trời, vùng biển của tổ quốc mình!

Khánh Hồng