Mã số: 5566
Bi kịch tiếp nối: "Chồng vừa đỡ tai biến cũng là lúc con tôi gặp nạn"
(Dân trí) - Chồng tai biến, con gặp tai nạn khủng khiếp, mọi gánh nặng đổ dồn lên vai chị Hoàng Thị Lời. Cái nghèo, cái khổ, bất hạnh dường như trút hết xuống cuộc đời người phụ nữ gầy yếu.
Bi kịch nối tiếp bi kịch
Ở thôn Nà Tạng, xã Minh Xuân (huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái), hiếm có gia đình nào "nổi tiếng" như vợ chồng chị Hoàng Thị Lời (SN 1978) và anh Hoàng Văn Buồm. Họ "nổi tiếng" bởi số phận bi đát, ngặt nghèo, khổ đau. Những bi kịch liên tiếp giáng xuống, khiến gia đình rơi vào cảnh cùng quẫn.

Gia đình anh Buồm và chị Lời có hoàn cảnh khó khăn nhất vùng (Ảnh: Thế Hưng).
Anh Hoàng Văn Buồm (SN 1976, thôn Nà Tạng) là con liệt sĩ. Lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo, anh luôn chăm chỉ lao động, cố gắng vun đắp mái ấm giản dị cùng vợ và 2 con.
Tưởng chừng cuộc sống cứ êm đềm trôi qua, ngờ đâu, năm 2016, sóng gió bất ngờ ập đến, anh Buồm bị tai biến mạch máu não. Cơn tai biến khiến anh Buồm bị liệt nửa người. Từ một người đàn ông khỏe mạnh, anh trở thành bệnh nhân nằm liệt giường, mọi sinh hoạt hết sức khó khăn, phải trông cậy cả vào vợ.
Bi kịch liên tiếp ập xuống gia đình nghèo nơi núi rừng Yên Bái (Video: Thế Hưng).
"Lúc đó, tôi không còn tin vào mắt mình nữa. Hôm trước anh ấy còn khỏe mạnh, hôm sau đã nằm bất động. Càng nghĩ càng thấy thương, tôi chỉ biết ôm con mà khóc", chị Lời nghẹn ngào.
Từ đó, chị Lời vừa làm ruộng, vừa tất tả đưa chồng đi viện, hết tuyến huyện lại tuyến tỉnh, có tháng phải đi tới 3 lần. Chi phí thuốc men, đi lại ngày càng tốn kém, trong khi thu nhập từ đồng ruộng không đủ để trang trải.
Không còn cách nào khác, chị Lời buộc phải vay ngân hàng 100 triệu đồng để tiếp tục chữa trị cho chồng.
Chị Lời kể, sau 2 năm chống chọi bệnh tật, anh Buồm bắt đầu có dấu hiệu phục hồi. Anh có thể ngồi dậy, nói chuyện được đôi chút.
Thế nhưng, khi hy vọng vừa lóe lên thì một bi kịch khác lại giáng xuống gia đình nhỏ. Con trai út của anh chị (khi đó học lớp 12) bị tai nạn giao thông nghiêm trọng, gãy 2 quai hàm, tổn thương não và dây thần kinh trung ương.

Anh Buồm bị tai biến, cố gắng lắm mới nói được vài từ (Ảnh: Thế Hưng).
"Lúc đó, tôi thật sự không còn nước mắt để khóc. Gia đình vừa mới thấy hy vọng thì mọi thứ như rơi xuống vực sâu thăm thẳm một lần nữa. Con trai nằm một chỗ đau đớn, tôi chỉ biết ôm con mà cầu trời khấn phật", chị Lời nhớ lại.
Vợ chồng anh Buồm, chị Lời có 2 người con. Con gái lớn đi lấy chồng xa, hoàn cảnh khó khăn nên không giúp được cha mẹ, chỉ thỉnh thoảng gọi điện động viên.
Chị Lời cho biết, con trai út sau thời gian dài điều trị chấn thương do tai nạn giao thông đã may mắn thoát cửa tử. Cậu cũng gắng học xong cấp 3 rồi đi làm công nhân. Tuy nhiên, sức khỏe yếu, thu nhập bấp bênh, không đủ trang trải các khoản ăn uống, thuốc men, chi phí nhà trọ nên con trai chị Lời hầu như không có tiền gửi về nhà.
Mọi gánh nặng cứ như thế dồn cả lên đôi vai gầy guộc của chị Lời. Mỗi ngày, người phụ nữ khốn khổ thức dậy từ tờ mờ sáng, ra đồng cặm cụi làm việc. Buổi trưa, chị tranh thủ về nấu cơm cho chồng, chiều lại ra đồng hoặc đi cấy thuê, nhổ cỏ, nhặt củi… Việc gì có thể kiếm tiền, chị Lời đều không nề hà.

Chồng tai biến, con gặp tai nạn nghiêm trọng, mọi gánh nặng đổ dồn lên vai chị Lời (Ảnh: Thế Hưng).
Tháng ngày gồng gánh gia đình, chồng bại liệt, dù kiệt sức chị Lời vẫn không cho phép mình gục ngã. "Có nhiều đêm tôi thức trắng, nằm một mình trong bóng tối, không biết ngày mai rồi sẽ ra sao. Nhưng tôi biết chắc một điều là nếu mình buông tay, cả gia đình sẽ không trụ nổi", chị Lời nước mắt rưng rưng.
Mái nhà xiêu vẹo sau bão số 3
Gia đình anh Buồm, chị Lời đang sống trong căn nhà cũ nát, xập xệ, vách nứa trát lớp xi măng mỏng, mái fibro xi măng thủng lỗ chỗ. Sau cơn bão số 3 (Yagi) năm 2024, căn nhà đã bị ảnh hưởng nặng nề.
"Đêm bão số 3 tràn về, nghe tiếng nổ ai cũng hoảng, tôi muốn dìu chồng chạy đi tránh trú nhưng sức đàn bà yếu đuối, chỉ biết ngồi im cầu khấn. Sáng hôm sau, khi mưa ngớt, tôi nhờ người đến xem thì mới biết xà gồ và cột kèo phía sau nhà đã gãy đổ", chị Lời cho hay.
Số nợ 100 triệu đồng vay chữa bệnh vẫn chưa thể trả nên vợ chồng chị Lời chẳng dám nghĩ tới chuyện sửa nhà. Chị chỉ biết nhờ bà con hàng xóm giúp đỡ dựng lại cột kèo và lấy cây tre chống tạm phía sau nhà.

Trong ngôi nhà của gia đình anh Buồm không có vật dụng gì giá trị (Ảnh: Thế Hưng).
Cuộc sống của gia đình anh Buồm vốn đã rất chật vật, nay càng thêm chất chồng nỗi lo khi ngôi nhà xuống cấp nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy hiểm. Cuộc sống quá khốn khó, mong ước về một mái nhà an toàn, vững chãi của vợ chồng anh Buồm ngày càng xa vời.
Gạt những giọt nước mắt lặng lẽ chảy dài trên gò má, chị Lời nói rằng chỉ mong được bạn đọc, các nhà hảo tâm giúp đỡ để gia đình có thể vượt qua thời điểm ngặt nghèo hiện tại.
Bà Nguyễn Thị Hà, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Xuân cho biết: "Gia đình anh Buồm thuộc diện đặc biệt khó khăn của xã. Chính quyền đã nhiều lần hỗ trợ gia đình, nhưng để xây mới lại căn nhà thì vượt quá khả năng của địa phương. Chúng tôi mong các nhà hảo tâm chung tay giúp đỡ gia đình anh Buồm có một mái nhà kiên cố, an toàn".