1. Dòng sự kiện:
  2. 20 năm Chương trình Nhân ái

Bị bệnh tim nặng nhưng vẫn là lao động chính của gia đình

(Dân trí) - "Em mong được chữa khỏi bệnh, để có sức khỏe đi làm giúp bố chăm sóc bà nội và nuôi em trai em đi học. Từ lâu, em là lao động chính trong gia đình, giờ em thế này… ở nhà bà và bố cực nhọc lắm!”, mắt rơm rớm Cần mím chặt môi.

Đó là hoàn cảnh của em Đỗ Văn Cần (sinh 1988 ), quê ở Thọ Đài, Quảng Thọ, Quảng Xương, Thanh Hóa. Ngày ngày, căn bệnh hẹp và hở van tim liên tục hành hạ, khiến chàng thanh niên 21 tuổi mặt mày tím tái, lồng ngực luôn đau tức.

 

Sinh ra ở vùng quê nghèo của xứ Thanh, cuộc sống gia đình nhà Cần cũng không khác gì nhiều gia đình nghèo của huyện Quảng Xương. Thu nhập chính vẫn là nông nghiệp, không chăn nuôi lợn gà, cả 4 miệng ăn trong nhà em trông chờ vào 1 sào ruộng, được mùa thì đủ ăn, mất mùa thì đói.

Bị bệnh tim nặng nhưng vẫn là lao động chính của gia đình - 1

Suốt 4 năm nay Cần luôn bị bệnh tật hành hạ, vậy mà em vẫn gánh trên vai nỗi lo cơm áo cho cả gia đình

 

Cách đây 5 năm mẹ Cần không may cũng mang trong mình căn bệnh ung thư dạ dày, thế là sau 2 tháng đau đớn chống chọi với bệnh tật mẹ em đã ra đi. Giờ đây em sống cùng bà nội gần 90 tuổi và bố (52 tuổi). Cả bố và bà đều bị đau ốm không làm được công việc nặng, chị gái đi lấy chồng, cuộc sống cũng khó khăn, nên không giúp được gì cho gia đình. Gánh nặng đè lên vai cậu thanh niên trẻ, khi em trở thành lao động chính của cả gia đình.

 

Học xong cấp 3 không có điều kiện học tiếp, Cần lên thành phố Thanh Hóa xin làm thợ cơ khí ở một xưởng hàn tư nhân, với mức lương 1 triệu đồng/tháng. Với đồng lương ít ỏi, em vừa chi tiền thuốc men cho căn bệnh của mình, vừa dành một khoản gửi về cho gia đình, giúp bố nuôi cậu em trai đang học Đại học Kiến trúc ở Hà Nội.

 

Khuôn mặt hiền lành, làn ra dám nắng, cơ thể gầy gò, ngồi cạnh chúng tôi là chàng thanh niên 21 tuổi, thế nhưng trông em lúc nào cũng ỉu xìu như không còn sự sống, mỗi lần nói như không còn hơi, chúng tôi phải cố căng tai, thi thoảng lại phải sát lại gần mới nghe được em nói gì.

 

Phải chịu đựng tình trạng này đã hơn 4 năm nay, nhưng gần đây căn bệnh của Cần ngày một nặng hơn khiến em không thể chịu được nữa. Cần phải nhập viện 71 TW ở Thanh Hóa để khám lại nhưng ở đây không chữa được nên em được chuyển thẳng lên Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội. Lên bệnh viện lớn rồi nhưng Cần vẫn chưa được mổ luôn vì bệnh viện quá đông bệnh nhân, nên viện hẹn em tháng 12 lên khám lại và có gì vào tháng 2/2010 mới có thể mổ được. Cần và gia đình cũng định đợi đến lúc đó nhưng vì căn bệnh hành hạ làm em không chịu đựng được nữa nên đành xin sang Viện Tim Hà Nội. Tại đây các bác sĩ chuẩn đoán bệnh của em phải mổ sớm nếu không sẽ không kịp nữa.
 

Bị bệnh tim nặng nhưng vẫn là lao động chính của gia đình - 2

Ngôi nhà cấp 4 xây đã nhiều năm của gia đình em, giờ xuống cấp nghiêm trọng

 

Vậy là cuộc đua với căn bệnh mà người ta thường gọi là bệnh nhà giàu của Cần bắt đầu từ đây, vừa phải chống chọi với những nỗi đau bệnh tật, Cần và gia đình còn phải lo một khoản tiền lớn gần 60 triệu đồng để chuẩn bị cho ca mổ này. Bao nhiêu khó khăn, thử thách đặt ra trước mắt cậu thanh niên trẻ và gia đình. Với số tiền lớn này gia đình em phải chạy vạy vay mượn bà con, hàng xóm, ngân hàng… được gần 50 chục triệu, thế nhưng vẫn chưa đủ tiền đóng cho ca phẫu thuật. Chưa kể sau mổ còn nhiều các chi phí thuốc men khác.

Mang trong mình căn bệnh tim, thế nhưng từ ngày nhập viện hầu như Cần phải một thân một mình tự chăm lo cho mình. Khi hỏi người nhà em đâu, Cần lí nhí trả lời: “Bà và bố em đều ốm đau, không đi được xa, còn chị gái đi lấy chồng cũng khó khăn không có điều kiện, mấy bữa trước anh rể cũng ra thăm nhưng phải về luôn. Ngoài này em có một em trai đang học Kiến Trúc, lúc nào rảnh em ấy lại sang chăm em. Với lại em vẫn đi lại được nên không muốn mọi người lo nhiều. Khi nào gần mổ thì mới cần người chăm thôi ạ”, câu nói của Cần làm chúng tôi xúc động.

Ước mơ lớn nhất của Cần là: “Em mong được chữa khỏi bệnh, để có sức khỏe đi làm giúp bố chăm sóc bà nội và nuôi em trai em đi học. Từ lâu, em là lao động chính trong gia đình, giờ em thế này… ở nhà bà và bố cực nhọc lắm!”, mắt rơm rớm Cần mím chặt môi.

 

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:


1. Đỗ Văn Cần: Giường 49, phòng 15, khoa điều trị, Viện Tim, Hà Nội. (ĐT: 0166 509 7066), hoặc: Thọ Đài, Quảng Thọ, Quảng Xương, Thanh Hóa.

 

2. Quỹ Nhân ái - Báo Khuyến học và Dân trí - Báo điện tử Dân trí (Hà Nội) Số 2/48 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội.

Tel: 04. 3. 7366.491/ Fax: 04. 3. 7366.490 
Email: quynhanai@dantri.com.vn


* Tài khoản VNĐ:

Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí

Số TK: 10 201 0000 220 639

Tại: Chi nhánh Ngân hàng Công thương Hoàn Kiếm Hà Nội


* Tài khoản USD:

Tên TK : Báo Khuyến học & Dân trí

Số TK : 10 202 0000 004346

Switch Code : ICBVVNVX106 639

Tại : Sở Giao dịch I – Ngân hàng Công thương Việt Nam


3. Văn phòng đại diện của báo:
VP Hà Tĩnh: 46 Nguyễn Công Trứ, Phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh. Tel: 039.3.857.122

VP Đà Nẵng:
25 Nguyễn Tri Phương, Quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Tel: 0511.3653.725

VP HCM:
40/17/16 Nguyễn Văn Đậu, phường 6 quận Bình Thạnh. Tel: 08. 35107. 331

VP Cần Thơ:
53/13 Lý Tự Trọng, Q Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Tel: 071.3.733.269

 

Khánh Lê  - Hạnh Phúc