1. Dòng sự kiện:
  2. 20 năm Chương trình Nhân ái

Bé Lò Thị Ngân Hà đã ra đi mãi mãi

(Dân trí) - Nhận được điện thoại của chị Cầm Thị Nguyên gọi về từ Sơn La, chúng tôi bàng hoàng khi biết tin bé Lò Thị Ngân Hà đã không qua khỏi cho dù đã được nhiều bạn đọc Dân trí chung tay giúp đỡ.

Ngày đầu tiên gặp bé Lò Thị Ngân Hà trong viện (nhân vật trong bài viết “Nỗi khốn khó của cô bé dân tộc Thái nhiễm virus EBV”), ai cũng xót xa khi thấy cô bé gầy xanh xao, yếu ớt lúc nào cũng nằm yên một chỗ với những ống truyền thuốc. Gia đình là người dân tộc Thái ngày ngày chỉ biết đến công việc nương rẫy với bữa no bữa đói, nhưng không đành lòng nhìn con phải chết chị Cầm Thị Nguyên vẫn đánh liều đưa xuống Hà Nội chữa cho dù trong túi không có lấy một đồng. Con bệnh đã đành, mẹ đi chăm vì không có tiền ăn nên cũng lăn ra ốm thành ra các bác sĩ phải khám bệnh cho cả hai.
 
Bé Lò Thị Ngân Hà đã ra đi mãi mãi - 1

Bé Lò Thị Ngân Hà những ngày còn điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương

Được sự giúp đỡ của phòng Công tác xã hội bệnh viện Nhi TW và bạn đọc Dân trí , sau khi bài viết “Nỗi khốn khó của cô bé dân tộc Thái nhiễm virus EBV”được đăng tải hai mẹ con đã nhận được nhiều sự quan tâm, động viên, chăm sóc của cộng đồng. Đặc biệt khi biết được bé Hà thích ăn cơm tôm, đã có rất nhiều người liên tục mang vào viện cho em khiến cô bé dù đau đớn lắm nhưng vẫn tươi cười hạnh phúc. Chị Nguyên kể lại “Cứ đến bữa ăn là con bé vui lắm vì mẹ không có tiền mua tôm cho con nhưng được mọi người biết và đã mang đến.Mang con xuống thủ đô chữa bệnh, tôi đã không ngờ đã nhận được nhiều tình cảm yêu thương của cộng đồng, xã hội”

Số tiền 15.000.000 đồng nhận được từ ủng hộ trực tiếp cùng với 24.093.000 đồng của bạn đọc Dân trí thông qua tòa soạn đã giúp chị Nguyên phần nào có đóng tiền viện phí cho con. Nhưng bé Ngân Hà đã không qua khỏi bởi em đã bị viêm nhiễm toàn bộ ruột, dạ dày và đại tràng …Những ngày cuối cùng em không thể ăn được mà phải nuôi bằng sữa và đạm qua con đường truyền.

Nước mắt giàn giụa, chị Nguyên vẫn cố nói với tôi trong tiếng nấc nghẹn: “Cháu mất rồi nhưng trước khi đi dù yếu lắm cháu vẫn dặn tôi phải gọi điện cho cô để cám ơn tất cả mọi người đã yêu thương và bên cạnh cháu khi cháu bệnh tật. Cám ơn các cô ở phòng công tác xã hội đã liên tục hỏi thăm động viên cháu, cám ơn tất cả các bác sĩ đã rất cố gắng và chu đáo với hai mẹ con và cám ơn bạn đọc Dân trí đã đùm bọc, giúp đỡ cháu rất nhiều. Cháu không thể sống được nữa nhưng gia đình tôi nợ tất cả mọi người ân nghĩa này…”
 
Phạm Oanh