1. Dòng sự kiện:
  2. 20 năm Chương trình Nhân ái

Bạn đọc chuyên mục Nhân ái cần đề phòng nhiều thủ đoạn lừa đảo tinh vi

(Dân trí) - Thời gian gần 1 năm qua, nhiều hoàn cảnh khó khăn tại Huế sau khi được PV viết bài nhân ái làm cơ sở cho quý nhà hảo tâm giúp đỡ, ủng hộ tiền đã bị các đối tượng lừa đảo tiếp cận, dụ dỗ trên nhiều “chiêu thức” để trục lợi bất chính.

Trước tiên là cô SV Nguyễn Thị Thu Hương (SV ĐH Nông lâm Huế) bị bệnh tim bẩm sinh nhưng không đủ tiền mổ. Sau khi PV Dân trí tại Huế viết bài “Xót lòng trước hoàn cảnh cô SV nhà nghèo không đủ tiền mổ tim”, em đã được một bạn đọc tài trợ cho ca mổ và được nhận số tiền gần 30 triệu đồng do bạn đọc báo Dân trí ủng hộ qua Quỹ nhân ái của báo.

Từ lúc Hương có tên trong danh sách kết chuyển tiền của Dân trí (vào mỗi tuần, ở mục Tấm lòng nhân ái của báo có danh sách kết chuyển cho từng trường hợp được giúp đỡ cụ thể), có một người tên Hải điện thoại với Hương nói là đang hành nghề luật sư ở Kon Tum. Hải tự xưng mình là người qua bài viết của báo đã đích thân đi vận động nhiều nhà hảo tâm để có số tiền vài chục triệu trong gần 30 triệu mà bạn đọc đã giúp cho Hương.

Ngay sau khi PV trao tiền nhân ái cho Hương, tên Hải đã điện thoại liên lạc với Hương và nói công việc đang gặp khó khăn xin cho mượn tiền khoảng 4-5 triệu đồng. Lúc đó, nhà em không có bố mẹ ở nhà do đi buôn bán ở Nghệ An, chỉ còn người anh là Dũng. Hai anh em phân vân và nói để chờ một ngày sẽ trả lời.

Hương (áo đỏ) từng là nạn nhân của 1 tên lừa đảo có hạng sau khi được báo giúp đỡ
Hương (áo đỏ) được rất nhiều bạn đọc Dân trí giúp đỡ trong lúc hoạn nạn, nhưng cũng từng suýt bị đối tượng xấu lừa đảo

Hải lúc này “tấn công” tiếp bằng cách nói “Thấy nhà hai em đang dột nát, anh đã vận động được một nhà hảo tâm cho em tôn để lợp lại cái mái. Ngày mai anh sẽ gửi tôn vào, nhưng mà mấy em giúp cho anh mượn ít tiền như anh đã nói vì anh kẹt quá”.

Thấy đối tượng khả nghi, Hương đã bàn với người anh tạm thời khoan cho mượn tiền. Bẵng đi sau vài ngày, Hải điện thoại cho anh Hương, nói đã về Huế thăm nhà Hương, nhờ ra chở tại bến xe. Sau khi chở “ân nhân” về nhà, Hương và Dũng mời Hải ăn cơm rồi nghỉ lại. Tên Hải lúc này cũng ngỏ ý tiếp về chuyện giúp đỡ lợp lại mái nhà và xin thêm tiền vận chuyển tôn từ tỉnh khác về và đề cập luôn mượn tiền để làm ăn. Quá sợ trước đối tượng khả nghi này, hai em đã từ chối. Sáng hôm sau, Hải đi lên lại Kon Tum, rồi từ đó không thấy liên lạc nữa.

Trường hợp thứ hai là “Cháu bé 9 tuổi có làn da như... cụ già” mới được đăng cách đây hơn 3 tuần vào ngày 11/7. Sau khi có danh sách kết chuyển tiền tuần 1,2 tháng 7 (ngày 20/7), anh Kế (ba cháu Trực - nhân vật chính của bài) nhận được điện thoại của 1 người xưng là nhân viên của Viettel từ Hà Nội. Người này nói hiện đang có tuần quay số trúng thưởng độc đắc của Viettel với giải đặc biệt 180 triệu đồng. Tuy nhiên, vì tuần này chưa có người trúng thưởng mà công ty lại biết hoàn cảnh khó khăn của gia đình khi đọc báo Dân trí muốn giúp đỡ nên sẵn sàng tạo điều kiện cho anh Kế và cháu Trực.

“Phía công ty sẽ quay số nội bộ và cho anh trúng giải đặc biệt 180 triệu luôn để thể hiện vai trò nhân ái của Viettel đối với xã hội. Tuy nhiên, anh phải gửi vào tài khoản công ty từ 4 đến 5 triệu đồng ngay trong chiều hôm nay vì ngày hôm nay là hạn cuối nhận giải thưởng rồi” - người này nói với anh Trực.

Bối rối lẫn vui mừng vì có nơi tốt đến vậy, tạo điều kiện cho gia đình trúng hàng trăm triệu đồng, anh Kế móc túi xem còn bao nhiêu tiền thì thấy chỉ vỏn vẹn hơn 200 ngàn đồng. Anh điện thoại nói với người kia bày tỏ sự tiếc nuối vì tiền không đủ. Tên kia liền bảo ngay anh điện thoại người thân mượn tạm hay lấy tiền từ báo mới trao tặng để nộp, nhưng may thay, PV vào thời điểm đó lại chưa trao quà nhân ái cho anh Kế.

Nhà anh Kế nhận quà Nhân ái từ báo
Nhà anh Kế nhận quà Nhân ái từ báo Dân trí chiều 2/8, trước đó vài ngày anh Kế đã suýt bị lừa

Cũng vì gia đình quá túng quẫn, cầm sổ đỏ rồi đi vay mượn khắp nơi mà nợ nần chồng chất nên anh Kế không thể mượn thêm được nữa, bèn nói với “nhân viên Viettel” rằng mình xoay mãi mà không có tiền. Không chịu buông tha, tên này bèn “hạ giá” nói anh chỉ cần nộp 500 ngàn qua đường thẻ cào điện thoại thì công ty sẽ giữ suất trúng thưởng cho anh, vào ngày mai anh nộp 4-5 triệu là sẽ được nhận thưởng.

Móc hết các túi cũng chỉ còn hơn 200 ngàn, anh Kế thật thà nói với tên kia nghe. Hết cách, y bèn nói “Thôi, thế anh nộp thẻ cho bên em đúng 200 ngàn, còn lại 300 ngàn em tự bỏ tiền túi giúp anh để đủ 500 ngàn giữ chỗ”. Thấy tiền cơm, nước, thuốc men của con chưa có mà mình thì còn quá ít tiền, anh Kế cuối cùng đã khất xin tên kia không nộp tiền vì lý do “cơm chưa đủ ăn, không có tiền nộp”. Từ lúc đó, không thấy "nhân viên Viettel" điện thoại anh nữa

Khi kể lại câu chuyện này với chúng tôi khi PV trao quà nhân ái tuần 1,2,3 tháng 7 cho anh Kế vào chiều 2/8, anh tâm sự “Thấy tiền nhiều ai cũng thích, may mà lúc đó tôi không có nhiều chứ có vài triệu cũng dễ xiêu lòng mà nộp cho các anh đó”.

PV đã dặn dò cẩn thận anh rằng đang có nhiều đối tượng lợi dụng qua mục Tấm lòng nhân ái của báo để làm nhiều điều xấu nhằm moi tiền từ những người nghèo đã được giúp đỡ.

Một số trường hợp như anh Trường, cha cháu Sơn trong bài “Thương tâm cháu bé hôn mê hơn 2 tháng chưa tỉnh”, anh Bắc và chị Nhung - cha mẹ cháu Linh Chi trong bài “Bé gái 7 năm lấy bệnh viện làm nhà”... sau khi nhận tiền cũng bị tình trạng tương tự khi có người tự xưng là báo Dân trí muốn “xin” lại một ít tiền để ủng hộ cho báo, hay là người có công đi vận động giúp đỡ gia đình để có nhiều nguồn tiền gửi đến nhà, hoặc là chiêu thức tiếp thị thuốc chữa bệnh cho cháu nhưng phải gửi tiền rồi mới được nhận hay dùng chiêu cũ là chào mời trúng giải độc đắc vài trăm triệu đồng nhưng xét thấy hoàn cảnh đáng thương nên gia đình chỉ phải nộp vào thẻ cào điện thoại ...vài triệu đồng...
 
Thậm chí một công ty lớn tại Huế vào đầu năm 2011 tâm sự với PV đã nhận được nhiều mời chào “đóng góp” vài trăm triệu cho Quỹ nhân ái của báo Dân trí hay làm chương trình từ thiện cùng báo nhưng khi dò công ty thì có địa chỉ “ma”.

Bạn đọc nhận tiền từ
Bạn đọc nhận tiền từ Dân trí xong cần hết sức cẩn thận với những tên lừa đảo chuyên nghiệp với các tình huống "diễn kịch" khó lường

Mới đây nhất là trường hợp chị Đỗ Thị Liệu, ở Bản Vần, xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái, nhân vật trong bài viết "Xót xa trước cảnh hai mẹ con sống trong ngôi nhà... rách". Sau khi bài viết đăng lên, có một đối tượng gọi điện cho chị Liệu, bảo ở Hội Chữ thập đỏ Hà Nội, vừa huy động được một số hàng hóa giúp chị sửa chữa nhà. Đối tượng yêu cầu chị chuyển cho hắn khoảng 4-5 triệu đồng để thuê xe chở hàng hóa lên cho chị.
 
Do không có tiền, chị Liệu bảo không xoay được. Đối tượng lại chuyển sang hình thức quen thuộc là bảo chị Liệu nhắn thẻ cào mệnh giá 500.000 đồng cho hắn, hắn sẽ tìm mối chở hàng hóa lên giúp chị với giá tiền rẻ nhất. Chị Liệu trong lúc túng bấn cũng đã phải đi vay và nhắn thẻ cào cho đối tượng, để rồi sau đó mới biết mình bị lừa.
 
Hình thức lừa đảo những con người đang trong cảnh khốn cùng là một thủ đoạn mới của một số đối tượng, bằng một số hình thức quen thuộc như xin tiền để vận chuyển hàng hóa tài trợ, hoặc tiền làm thủ tục nhận giải thưởng hay nạp thẻ cào. Vì vậy bạn đọc cần đề cao tinh thần cảnh giác đối với các đối tượng có hành vi lừa đảo mất hết tính người này.
 
Đại Dương - Thế Nam