Bà mẹ và những đứa con tâm thần
(Dân trí) - Nghĩ đến các con, bà già 70 tuổi nghẹn ngào nuốt từng giọt đắng vào lòng, đôi mắt đục ngầu nhíu lại, những giọt lệ lăn dài trên má. Bà khóc cho thân phận của mình, cho những đứa con bà mang nặng đẻ đau ngày đêm vật vã với căn bệnh tâm thần.
Người mẹ đó là bà Ngô Thị Bòng, thôn Lang Xá Bàu, Thanh Thuỷ, Hương Thuỷ, Thừa Thiên Huế. Cái tên “Bòng” như gắn liền với thân phận khổ đau của bà suốt cả cuộc đời.
Thôn Xá Bàu chiêm trũng quanh năm, người dân chật vật với ruộng đồng mà vẫn không đủ ăn. Trong cái làng đó 2 cái nghèo gặp nhau rồi nương tự vào nhau để sống. Để ước mơ, để gieo mầm cho một cuộc sống tốt đẹp hơn. Thế nhưng với bà Bòng và chồng bà thì chuỗi đời bất hạnh thực sự mới chỉ bắt đầu.
Là vùng đất nằm trong sự quản lý của Nguỵ Quyền những thanh niên trai tráng trong làng đều bị bắt đi lính, chồng bà cũng nằm trong diện bị ép phải đi lính. Năm lần bảy lượt chồng bà bị chính quyền cũ “gõ cửa” nhưng ông xin “khất” rồi tìm cách chạy trốn. “ 13 lần họ đến bắt bớ, giam cầm nhiều lần chồng tôi đã bỏ chạy thật xa nhưng lại không đành vì còn vợ và con nhỏ. Cứ bắt đi lính là chồng tôi lại trốn, trốn rồi lại bị bắt.” bà Bòng móm mém kể lại.
Chồng ra vào tù như “ếch bỏ đĩa” một nách bà nuôi bảy người con trong nghèo khổ. Cùng cái khổ của gia cảnh bần hàn là lũ con nheo nhóc, èo uột, đói xanh xao. Vì nghèo khổ nên những đứa con của bà đều không được học hành đến chốn. Đứa học cao nhất cũng chỉ đến lớp 4 còn lại là học hết lớp một hoặc không đi học. Nhìn bạn bè của con cùng trang lứa cắp sách đến trường mà lòng bà tê buốt, bao nhiêu nước mắt cũng đành nuốt trong lòng.
Với gia đình bà, niền ước mơ của cả hai thế hệ là ngôi nhà mái ngói làm nơi tránh mưa gió thay ngôi nhà tranh đã rách nát. Để thực hiện ước mơ các con bà lần lượt đi làm thuê. Từ phụ hồ đến bốc vác không nghề gì mà không lăn vào kiếm tiền. Ai bảo đâu có việc làm là các con bà lại khăn gói lên đường tha phương cầu thực.
Người ta vẫn nói: “ai giàu ba họ ai khó ba đời” nhưng với gia đình bà thì nó không đúng. Từ đời ông bà đến nay, bà đã trãi qua bao đời rồi mà nghèo vẫn hoàn nghèo. Nghèo không ngóc đầu dậy được. Cái nghèo đi với cái cùng khi đứa con trai lớn Lê Văn Phúc (sinh năm 1965) của bà vừa chập chững bước vào tuổi 18 thì phát bệnh mà điên nặng. Có bao nhiêu tiền của tích góp, rồi bà lại chạy vạy khắp nơi để chữa bênh cho con nhưng tiền mất mà tật vẫn mang. Bao nhiêu lần con lên cơn điên là bấy nhiêu lần bà trầm mình trong mưa gió bì bỏm vượt sình lầy để tránh cơn cuồng nộ, điên loạn của con.
Từ trụ cột gia đình anh Phúc trở thành gánh nặng đè lên đôi vai gầy còm của bà. “Thấy bất cứ cái gì là nó phá, nó đập. Thấy người là rượt đánh, hể thấy nó không bình thường là mấy mẹ con kéo nhau đi trốn nhờ nhà người ta. Đến khi trở lại bình thường lại về nhà thu dọn những đồ đạc trong cơn điên mà nó phá.” Lê Thị Phấn chị cả trong gia đình tâm sự.
Nỗi đau chưa dứt thì chồng mất, bà như qụy ngã trước cuộc đời và số phận. Thế nhưng vì thương con bà lại gạt nước mắt đứng dậy. Nỗi đau vẫn chưa dừng lại ở đó, năm 1999 Lê Văn Trường (sinh năm 1974) lại phát bệnh điên như người anh của mình sau bao năm lặn lội làm phụ nề cho thiên hạ. Rồi Lê Văn Điền (sinh năm 1976) theo lời bà Bòng thì bây giờ cũng có triệu chứng như các anh khi không làm chủ được hành vi của mình. “Có mười phần thì đã điên đến chín phần rồi. Cứ về nhà là quậy phá, chửi bới om sòm. Thích đánh ai là nó đánh. Nhiều hôm tôi còn bị đòn của nó”. Hai lưng tròng nước mắt của bà se lại, giọng lạc đi khi nào không biết.
Ngồi bệt xuống thềm nhà chỉ tay vào những đứa con mang nặng đẻ đau của mình đang la ó, chửi mắng suốt cả ngày mắt bà buồn rười rượi. Do bị bệnh quá nặng, luôn luôn đập phá và chạy đánh mọi người nên bà đành xích các con bà bên cột giường dù lòng thương con đứt ruột. Sau hơn 10 năm xiềng xích nằm một chỗ bây giờ anh Phúc và anh Trường đi lại còn thua cả bà, hầu như là không đi lại được.
Về với tuổi già đáng lẻ bà đang vui thú với con cháu, được an dưỡng tuổi già nhưng số phận không cho vậy. Bà phải mò mẫm kiếm cơm, chăm bẵm những đứa con 30-40 tuổi của mình như những đứa trẻ mới lớn. Mọi sinh hoạt và chi phí của gia đình bà Bòng bây giờ đều trông chờ vào số tiền phụ nề ít ỏi của anh Lê Văn Quý người con trai duy nhất không mang bệnh. “Nhờ những tấm lòng từ thiện của nhiều người mà con tôi sống đến hôm nay. Rồi mai đây khi tôi mất đi gánh nặng các anh đành trút lên vai thằng Quý.” Bà lặng đi nói không nên lời.
Mọi sự giúp đỡ bà Ngô Thị Bòng xin gửi về:
1. Ủng hộ gia đình bà Ngô Thị Bòng, thôn Lang Xá Bàu, Thanh Thuỷ, Hương Thuỷ, Thừa Thiên Huế.. 2. Quỹ Nhân ái - Báo Khuyến học và Dân trí - Báo điện tử Dân trí (Hà Nội) Nhà 48, khu số 2 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội * Tài khoản VNĐ: Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí Số TK: 10 201 0000 220 639 Tại: Chi nhánh Ngân hàng Công thương Hoàn Kiếm Hà Nội * Tài khoản USD: Tên TK : Báo Khuyến học & Dân trí Số TK : 10 202 0000 004346 Switch Code : ICBVVNVX106 639 Tại : Sở Giao dịch I – Ngân hàng Công thương Việt Nam 3. Văn phòng đại diện phía Nam của báo: Lầu 1 - số 24 Trương Quốc Dung, P.8, Q.Phú Nhuận, TPHCM |
Lê Phi