Bà mẹ tàn tật của 65 trẻ khuyết tật

(Dân trí) - Đã 10 năm nay, người phụ nữ khuyết tật có vóc dáng bé nhỏ, gầy guộc lúc nào cũng tất bật: khi thì dạy học cho các em khuyết tật, khi thì đôn đáo tìm kiếm nguyên liệu để sản xuất hàng thủ công, khi thì tất tuởi chuyển sản phẩm theo đơn đặt hàng…

Đó là chị Lê Minh Hiền - chủ cơ sở sản xuất cho người khuyết tật “Vì ngày mai”. Đằng sau nụ cuời của người đàn bà 55 tuổi rất tâm huyết với công tác từ thiện này là cả một câu chuyện dài, thấm đầy nước mắt.

“Đừng nhìn vào dị tật mà hãy nhìn vào khả năng của các em”

Mái ấm “Vì ngày mai” của chị Hiền nằm sâu trong ngõ 172 Lạc Long Quân, quận Tây Hồ, Hà Nội. Ít ai biết rằng trong ngôi nhà này, bao trẻ khuyết tật đang được học hành, được làm công việc yêu thích để tự nuôi sống bản thân mình. Hiện tại, mái ấm có 65 thành viên trong đó có 12 em thiểu năng trí tuệ, 20 em khuyết tật vận động, 6 em câm điếc, 7 em khiếm thị, còn lại là các em bị dị dạng thân hình, động kinh. Các em đến đây từ nhiều địa phương khác nhau như Thái Bình, Hà Nam, Thanh Hóa, Nam Định, Hà Nội… Sản phẩm do các em làm như tranh sơn mài, đồ lưu niệm, may mặc hoặc thêu thùa đã được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sang các nước Nhật, Anh, Pháp, Đức...

Bà mẹ tàn tật của 65 trẻ khuyết tật - 1

Một sản phẩm do các em khuyết tật ở cơ sở “Vì ngày mai” làm ra.

Năm nay 20 tuổi, nhưng cô gái mồ côi cả cha lẫn mẹ Nguyễn Thị Sim chỉ cao có mét mốt và nặng chưa đầy 25kg, thân hình bị dị tật. Sim vừa lau nước mắt vừa tâm sự: “Nhiều lúc em cũng cố gắng quên đi những nhược điểm của bản thân mình nhưng đi đến đâu em cũng nhận đựợc những cái nhìn xoi mói. Khi em tới xin học nghề ở một số trung tâm thì người ta không nhận, thậm chí còn nói người thấp bé như thế thì làm được cái gì. Khi biết đến trung tâm "Vì ngày mai" của mẹ Hiền, em đã đến xin học và mẹ tận tình dạy em. Nhìn những sản phẩm như bông hoa hay mảnh vải thêu do mình làm ra, em cảm thấy rất hạnh phúc vì mình không phải là người thừa.”

Ở mái ấm “Vì ngày mai”, mỗi em có một hoàn cảnh khác nhau, em bị câm điếc, liệt chân, liệt tay, em thì bị mù hoặc thiểu năng trí tuệ. Chính vì vậy, việc dạy nghề cho các học trò đặc biệt này vô cùng nan giải. Chị Hiền phải dạy các em từ cách cầm kim, cách ngồi làm việc đến cách quấn hoa. Nhiều em phải mất 3 tháng trời với hàng trăm lần tháo ra, quấn vào mới làm được bông hoa đầu tiên. Hồng Anh, qua hơn một tháng được mẹ Hiền chỉ bảo, cũng mới khâu thành công những hạt cườm nhỏ xíu vào các quai giày, dép theo hình bông hoa, ngôi sao, chiếc lá…

Sống vì ngày mai

Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, từ nhỏ chị Lê Minh Hiền đã học hành giỏi giang và là niềm tự hào của cả gia đình. Do kết quả học tập xuất sắc, chị được cử sang Đức du học. Đúng ngày chị chuẩn bị lên đường thì bố chị xin đón về vì không muốn cô con gái duy nhất phải xa nhà. Rồi sau đó chị học Đại học Thương mại. Nhưng rồi tai họa ập đến khi một lần đạp xe sang Gia Lâm, chị đã bị tai nạn ôtô. Tay trái và chân phải bị gãy nát, cột sống bị chấn thương nặng khiến chị cảm thấy tuyệt vọng. Trải qua 8 lần phẫu thuật, chị mới có thể đi lại được và mất đi vĩnh viễn 81% sức khỏe.

Năm 1979, chị lập gia đình và lần lượt sinh 2 đứa con: một gái, một trai xinh xắn, khỏe mạnh. Tưởng rằng hạnh phúc đã mỉm cười nhưng ai ngờ chị rơi vào nỗi đau tận cùng khi người chồng thân yêu qua đời vì căn bệnh hiểm nghèo. Một nách hai con, đồng lương lại ít ỏi khiến chị tưởng chừng như kiệt sức. Bữa cơm của 3 mẹ con chị chỉ có cháo loãng và muối trắng. Chị lại cố gắng gượng dậy làm đủ các nghề như thêu may, nấu phở, nấu cháo, bán nước,... để có tiền nuôi con ăn học. Năm 1998, chị đã nhận mấy em nhỏ khuyết tật về hướng dẫn để các em có thể tự mình làm ra các sản phẩm thủ công. Từ đó, trung tâm “Vì ngày mai” ra đời.

Hiện tại, trung tâm có hai địa điểm hoạt động ở đường Lạc Long Quân và Hoàng Hoa Thám (quận Tây Hồ, Hà Nội). Chị Hiền không giấu nổi niềm xúc động và tự hào khi kể rằng: “Bây giờ nhiều em đã trưởng thành và có thể tự mình nuôi sống bản thân. Thậm chí, nhiều em còn là chủ cơ sở doanh nghiệp lớn, tạo công ăn việc làm cho nhiều người khuyết tật như em Nhẫn, em Thơm ở Nam Định, em Huy ở Hải Phòng…”

Nhiều khi trái gió trở trời, những vết thương ở cột sống, ở chân tay lại tái phát khiến chị Hiền đau đớn vô cùng, đi lại khó khăn. Nhưng khi nhìn vào đôi mắt người đàn bà đầy nghị lực ấy, tôi biết rằng chị sẽ sống hết mình để có thể dang tay đón thêm nhiều mảnh đời bất hạnh. “Mình sống đâu phải cho mình, phải biết nỗ lực vươn lên trong mọi hoàn cảnh. Đừng sống vì hiện tại mà hãy sống vì ngày mai” - đó chính là điều chị Hiền luôn tâm niệm.
Lưu Hạnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm