1. Dòng sự kiện:
  2. 20 năm Chương trình Nhân ái

Ai thấu nỗi đau của người đàn bà thờ phụng 2 liệt sỹ?

(Dân trí) - Người phụ nữ đó có hai anh em là liệt sĩ, từng là cán bộ hội phụ nữ huyện, đại biểu HĐND huyện, đại biểu Quốc hội; nhưng gần chục năm không có nổi một mái nhà; bàn thờ cha mẹ và 2 liệt sĩ đành gửi nhờ nhà khác....

Một buổi sáng đầu tuần tôi nhận được cú điện thoại, đầu dây bên kia là giọng chị Diệu Hương, phóng viên, người đang đảm nhiệm chương trình “Nhịp cầu nhân ái” của Đài PTTH Hà Tĩnh. “Có một trường hợp thật xót thương, ta phải chung tay làm một điều gì đó không thì muộn mất, không làm được ta mắc nợ với những người đã ngã xuống vì cuộc sống này” - chị Hương gấp gáp bảo với tôi.

Tôi - vốn đang bận - cũng vội vã bỏ lại công việc, phóng xe ra Đài PTTH Hà Tĩnh đi với đoàn công tác do chị Hương dẫn đầu, với sự góp mặt của Ban giám đốc Khách sạn Công Đoàn Hà Tĩnh - đơn vị hỗ trợ trao quà từ thiện.

Từ thị trấn Cày, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) ngược lên xã Thạch Ngọc chừng 12 cây số, chúng tôi tìm đến trụ sở UBND xã Thạch Ngọc sau khi vượt qua con đường nhựa bị bằm nát nham nhở, gồ ghề. 9h sáng, khi nắng gắt đã đổ cả xuống các ngôi nhà ở vùng đất nghèo khó này cũng là lúc chúng tôi có mặt tại “nhà” bà Nguyễn Thị Minh, ở xóm Bắc Lâm. Dù trên đường đi bà Lê Thị Hoà - Chủ tịch UBMTTQ xã này - đã giới thiệu sơ qua hoàn cảnh của bà Minh, nhưng thú thực tôi không thể cầm lòng, nếu không muốn nói là đau xót trước những hình ảnh đầu tiên đập vào mắt mình.
 
Ai thấu nỗi đau của người đàn bà thờ phụng 2 liệt sỹ? - 1
"Ngôi nhà" chỉ rộng 9m2 này là nơi trú ngụ của bà Minh, cũng là nơi thờ tự cha mẹ bà và 2 liệt sỹ Nguyễn Lương Luân và Nguyễn Lương Bích (ảnh: Văn Dũng)
 
Bà Minh sống, thờ phụng hương khói cho cha mẹ đã khuất và 2 người anh, em trai liệt sĩ trong một “ngôi nhà” xây, đúng hơn là một cái chòi độc nhất một phòng, một cửa, nhỏ và vuông như một hộp diêm dựng đứng, nằm trơ trọi giữa một khoảnh đất chỉ có cỏ dại và cây hoang. “Nhà rộng 9m2, được xây cất cách đây mấy năm, là nơi trú ngụ của bà Minh, cũng là nơi thờ tự anh trai và em trai bà đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ”, bà Hoà giới thiệu thêm với chúng tôi.

Quên tuổi xuân để chăm mẹ, thờ phụng anh em liệt sĩ

Thấy khách lạ, một người đàn bà gầy guộc, mái tóc bạc trắng, tay bị thương, mặc bộ áo quần màu tím giản dị bước ra chào. Lời chưa dứt thì nước mắt đã tuôn rơi, chảy tràn trên khuôn mặt khắc khổ, già nua. Bà Minh khóc có lẽ vì cảm động, vì bà nói đã lâu lắm mới thấy có khách lạ ghé thăm. Bà trải vội chiếc chiếu cói nhỏ xuống nền nhà mời khách ngồi. Đoàn đi có hơn chục người, cộng thêm nhiều người dân lối xóm đến chơi, ngôi nhà bà không đủ chứa. Chúng tôi thay nhau vào trong thắp nén nhang cho những người đã khuất rồi bước cả ra ngoài.
 
Ai thấu nỗi đau của người đàn bà thờ phụng 2 liệt sỹ? - 2
Bà Minh chia sẻ nỗi buồn với PV Dân trí (ảnh: Minh San)
 
Câu chuyện về cuộc đời, thân phận bà Minh khiến ai có mặt cũng tuôn trào nước mắt. Sinh năm 1942, bà Minh là người con thứ 2 trong một gia đình có 4 anh em. Bố bà mất khi bà tròn 11 tuổi. Tất cả khó khăn, đói khổ đều dồn vào đôi vai gầy của người mẹ ốm yếu vì căn bệnh lao. 4 anh em bà lớn lên đều quyết chí đi theo cách mạng.

Năm 1959, người anh cả của bà là Nguyễn Lương Luân gia nhập quân đội, chiến đấu trong chiến trường miền Nam. Ít năm sau đó, người em trai Nguyễn Lương Bích cũng theo chân anh ra trận. Chiến tranh cướp đi người anh năm 1963, người em năm 1968.

Mất đi hai đứa con trai, mẹ bà vốn đã bệnh tật càng đau đớn hơn, nhiều lần chết đi sống lại. Buồn bã, thương mẹ, thương đứa em gái còn lại, bà Minh đã quyết định “trói” tuổi thanh xuân của mình lại để lo toan việc nước, việc gia đình. Sau ngày em trai hy sinh, bà xin đi học ở một trường trung cấp chăn nuôi. Tốt nghiệp, bà trở về quê, được giao nhiệm vụ Phó chủ nhiệm trại chăn nuôi xã Thạch Ngọc. Người phụ nữ nhân hậu, đảm đang, đầy trách nhiệm với công việc có không ít người ngấp nghé nhưng bà nhất quyết từ chối.
 
 
Ai thấu nỗi đau của người đàn bà thờ phụng 2 liệt sỹ? - 3
 
Bằng những cố gắng của mình, bà Minh được tín nhiệm giao cho nhiều trọng trách như Phó chủ nhiệm phụ trách chăn nuôi (Trại chăn nuôi xã Thạch Ngọc giai đoạn 1975 - 1991), Uỷ viên BCH huyện hội phụ nữ Thạch Hà (suốt từ 1975 - 1996), 3 khoá đại biểu HĐND huyện, đại biểu Quốc hội khoá V.    

Nỗi đau ai thấu?

Có một điều khó tin là người phụ nữ ấy không có chốn nương thân, không có nơi ổn định để hương khói cho 2 liệt sĩ và không chút tiền trợ cấp.
 
Ai thấu nỗi đau của người đàn bà thờ phụng 2 liệt sỹ? - 4
Bà Minh soạn sửa bàn thờ chuẩn bị thắp hương cho hai anh em ruột nhân ngày 27/7 (ảnh: Văn Dũng) 
 
Năm 1988, sau bao năm chống chọi với bệnh tật, mẹ bà qua đời. Căn nhà tre chỉ còn lại mình bà. Sức khoẻ yếu không cho phép bà tiếp tục công tác xã hội nên bà xin nghỉ hẳn. Cách đây độ 9 năm, căn nhà bằng tre ọp ẹp bị một cơn bão đánh sập tan tành. Mọi vật dụng sinh hoạt từ xoong, nồi đến cái bàn thờ tạm trong nhà bỗng chốc thành đống đổ nát. Bà trắng tay. “Sau trận bão ấy tui phải sống nương nhà xóm làng, nay đây, mai đó, chớ biết mần răng!”, bà Minh ứa lệ kể lại.
 
Nỗi khổ tâm lớn nhất của bà không phải là việc bà không có nơi trú ngụ, mà là không có nơi cố định, đàng hoàng để thờ tự cha mẹ và hai người thân là liệt sĩ. Không lẽ bắt những người đã khuất đi "ở nhờ", bà đành phải mang tấm bằng Tổ quốc ghi công của anh và em trai đi gửi ở nhà người bà con xa, chờ ngày nào dựng được nhà mới đưa về. Nhưng lấy tiền đâu để dựng lại nhà thì bà nghĩ đến bạc đầu vẫn chưa ra.
 
Đang khốn khổ vì chưa có chỗ dung thân, thờ tự người thân thì một lối thoát mở ra với bà. Lối thoát ấy, nghe mà chạnh buồn. “Đang lo toan cái chỗ thờ tự thì một người quen hỏi tôi có đi trông trẻ ở phía Nam không. Sống một mình cũng buồn, vả lại nhà cửa hư hỏng nên tôi đã đồng ý ngay. Vậy là tôi theo họ vào Đắc Nông trông trẻ cho một gia đình người quen”.
Ai thấu nỗi đau của người đàn bà thờ phụng 2 liệt sỹ? - 5
Chuỗi ngày độc thân khốn khổ trong ngôi nhà nhỏ như hộp diêm của bà Minh chưa biết khi nào mới châm dứt (ảnh: Văn Dũng)
 
Từ chỗ là người phụ nữ giữ nhiều chức vụ trong xã hội, được bà con tín nhiệm, được thay mặt nhân dân làm đại biểu Quốc hội, bà Minh đi ở thuê cho người ta, mỗi tháng kiếm được 2-3 trăm ngàn đồng. Cách đây độ 3 năm, khi đã gom góp được ít tiền, bà quay trở về quê, cùng với sự giúp đỡ của chính quyền, bà con lối xóm xây cất được gian nhà thờ như bây giờ. Cái nhà nhỏ như hộp diêm được gắn dòng chữ “Nhà tình thương” ấy chỉ đủ để đặt chiếc bàn thờ và mấy thứ lặt vặt nên sau khi xây xong nhà, bà Minh lại vào Nam trông trẻ thuê.
 
Đầu năm nay, sau gần 9 năm làm thuê ở độ, bà Minh quyết định trở về quê hương sống nốt quãng đời còn lại. Bà sống khốn khổ đủ đường, nhà không giếng nước, không điện, không công trình phụ. Khi muốn đun nấu, bà bắc tạm cái bếp ngoài vườn. Trời mát bà trải chiều nằm trong nhà, những hôm nắng nóng đành đi ở tạm nhà hàng xóm. Thương cảnh bà neo đơn khốn khó, một thầy giáo về hưu sống gần đó đã kéo cho bà một bóng điện thắp sáng không lấy tiền. Người thầy này kể, có hôm gọi mãi không thấy bà trả lời, ông vội chạy sang thấy bà nằm trên chiếu, mồ hôi ướt đẫm. Bà bị sốt mà không có thuốc uống. 

Rời ngôi nhà khốn khó của bà Minh, chúng tôi day dứt mãi về cuộc đời cơ cực, neo đơn lặng thầm của bà. Bà đã cống hiến nhiều cho xã hội, bà có hai người thân đã hy sinh vì Tổ quốc, nhưng cuộc đời bà, cho đến lúc bạc đầu, vẫn luôn là những chuỗi ngày đơn chiếc lo toan.
 
Văn Dũng - Minh San