Yêu cầu đẩy nhanh tiến trình tự do hóa lãi suất

Lãi suất là một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế và là một thành tố có tác động đa chiều đến nhiều nhân tố trong thị trường tài chính - tiền tệ. Do vậy, việc “cầm cương” con ngựa lãi suất ra sao, sẽ thấy tác động tương ứng. Hội nhập kinh tế quốc tế lại đang đặt ra những yêu cầu bức thiết về tự do hóa lãi suất tín dụng. Trong lúc này có nên áp trần lãi suất cho vay tiêu dùng?


Người dân Việt Nam ngày càng hiểu rõ về tài chính tiêu dùng

Người dân Việt Nam ngày càng hiểu rõ về tài chính tiêu dùng

Lãi suất là một loại giá đặc biệt, được sử dụng làm đòn bẩy kinh tế cho những mục tiêu khác nhau. Tình hình thị trường tiền tệ nước ta những năm qua đã cho thấy rõ điều này, nếu “nới lỏng dây cương”, “con ngựa lãi suất” sẽ lồng lên, tăng cao tới 28 -30%/1 năm, khiến cho các doanh nghiệp đã bị “dính vốn vay ngân hàng” chỉ còn nước…phá sản sau những nỗ lực tuyệt vọng để cầm cự. Minh chứng cụ thể là hàng trăm nghìn doanh nghiệp đã bị giải thể, phá sản, ngừng hoạt động trong vòng 3 năm gần đây. Còn nếu siết chặt “cương con ngựa lãi suất” quá cũng sẽ làm mất động lực của các nhà băng, thậm chí là cả của người đi vay, khiến cho nền kinh tế rơi vào tình cảnh trì trệ. Chính vì thế, việc thực hiện chính sách lãi suất linh hoạt, hợp lý đã và đang được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam kiên trì thực hiện trong những năm gần đây.

Thực vậy, từ nhiều năm nay, nhận thấy những mặt tích cực của việc tiến hành tự do hoá lãi suất Ngân hàng Nhà nước đã có những thay đổi trong cách nhìn nhận về tự do hoá lãi suất, từ đó có những bước đi và hệ thống chính sách về lãi suất tương đối phù hợp với điều kiện nước ta. Do tính chất linh hoạt và nhạy cảm của lãi suất, nên nền kinh tế càng mang nhiều yếu tố thị trường, lại càng cần được “ tự do định đoạt ” dựa trên những quan hệ cung cầu về vốn, trong điều kiện môi trường kinh doanh tín dụng đạt được sự cạnh tranh lành mạnh, công bằng . Chính vì thế, trong những năm gần đây, nhà điều hành chính sách tiền tệ đã có những “nới lỏng” đối với nhiều loại lãi suất như: chỉ quy định trần lãi suất huy động tiền gửi ngắn hạn dưới 13 tháng; không khống chế trần lãi suất cho vay bằng ngoại tệ; và tích cực can thiệp thị trường tiền tệ bằng công cụ thị trường mở, nhằm từng bước tạo hội cho các nhà băng xác lập lãi suất dựa trên nhu cầu vốn thực của xã hội.

Như vậy, bản chất của lãi suất là thước đo quan hệ cung – cầu trên thị trường tiền tệ, thế nhưng trong thực tế hiện nay vẫn tồn tại quá nhiều yếu tố ngoại lai tác động không nhỏ vào quan hệ cung - cầu này, khiến cho công cụ lãi suất không phản ánh đúng thực chất của mối quan hệ này. Trong nhiều trường hợp lãi suất được hình thành từ những mệnh lệnh hành chính, khiến cho các quy luật thị trường bị lờ đi, hoặc bị bóp méo. Câu hỏi đặt ra ở đây là: Chúng ta có nên áp dụng biện pháp “áp chế tài chính” để quy định một trần lãi suất và để các thực thể hoạt động trong thị trường tiền tệ chỉ được “ vùng vẫy” trong phạm vi cho phép?

Như đã nói ở trên, lãi suất là một loại giá đặc biệt, được hình thành từ nhiều nhân tố, cho nên lãi suất còn có khả năng tác động vào cả chính các yếu tố xác định nên nó như: khối lượng tiền tệ, quan hệ cung cầu vốn, tỷ suất lợi nhuận bình quân của các doanh nghiệp. Do vậy, cần tạo ra những cơ chế vận hành kinh tế vĩ mô sao cho nhà điều hành thị trường tiền tệ có thể “ chỉ huy” thị trường lãi suất bằng một cây đũa pha lê – tuy không cần cứng rắn nhưng lại có hiệu lực cao mà không cần thiết phải đưa ra một con số cụ thể cho một loại hình lãi suất cụ thể.

“Cây gậy lãi suất” có khả năng nắm bắt tín hiệu thị trường một cách nhạy bén, hiệu quả. Nghĩa là, chúng ta cần tạo lập nên một môi trường tài chính lành mạnh, minh bạch, cạnh tranh công bằng. Khi đó, thị trường sẽ tự điều chỉnh để tìm đến một mức lãi suất hợp lý phản ánh đúng quan hệ cung - cầu. Lộ trình này cần được thúc đẩy để sớm đạt được tự do hóa lãi suất, bởi sức ép của hội nhập kinh tế quốc tế đang ngày càng gia tăng và thị trường vốn không thể nằm ngoài cuộc chơi. Một chính sách lãi suất hiệu quả và cởi mở theo hướng tự do hóa sẽ đảm bảo cho lãi suất phát huy được những mặt tích cực, tránh được sự lãng phí các nguồn lực, tránh được tình trạng “nước đục thả câu” của những tổ chức tín dụng không lành mạnh.

Cùng với quá trình tự do hóa lãi suất, các công cụ lãi suất chính sách cũng cần từng bước được đổi mới, dần phù hợp với thông lệ quốc tế, đảm bảo hình thành được các mức lãi suất chỉ đạo chỉ tuân theo tín hiệu thị trường, cần thiết lập đường cong lãi suất của thị trường đối với tất cả các dải kỳ hạn để các ngân hàng thương mại có cơ sở xác định mức lãi suất phù hợp và linh hoạt theo diễn biến của thị trường .

Tóm lại, chính sách lãi suất cũng cần được tiếp tục điều chỉnh theo hướng tự do hoá, phù hợp với mức độ hội nhập thị trường tài chính khu vực và quốc tế, theo sát lãi suất thị trường quốc tế. Khi các diều kiện đã hội đủ, chúng ta sẽ chuyển sang cơ chế tự do hoá lãi suất nhưng vẫn có sự điều tiết bằng các công cụ thị trường của Ngân hàng Nhà nước, để đảm bảo giữ vững sự ổn định và an toàn cho hoạt động của hệ thống ngân hàng. Theo phân tích của giới chuyên gia: Khi thanh khoản hệ thống ổn định, lạm phát đã được kiểm soát ở mức thấp, các nhân tố vốn từng gây bất ổn cho thị trường tiền tệ là vàng và USD đã bị kiềm chế, thì rất cần đưa ra một lộ trình cụ thể nhằm tự do hóa lãi suất, đảm bảo lãi suất cho vay và huy động được xác định trên cơ sở cung cầu vốn của thị trường.

Trần Thu