Sắp ban hành Thông tư hướng dẫn cho vay tiêu dùng

Thông tư hướng dẫn cho vay tiêu dùng của công ty tài chính dự kiến sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2017, được kỳ vọng mở lối cho ngành dịch vụ này “cất cánh”

Sắp ban hành Thông tư hướng dẫn cho vay tiêu dùng - 1

Thị trường giàu tiềm năng

Theo báo cáo thị trường tài chính tiêu dùng của Công ty Cổ phần Truyền thông Tài chính StoxPlus, quy mô cho vay tiêu dùng tại Việt Nam năm 2015 đạt 15,1 tỷ USD, bằng 10,2% tổng mức tiêu dùng cuối cùng, bằng 7,9% GDP (GDP năm 2015 đạt 191 tỷ USD). So với năm 2014 quy mô của thị trường này đã tăng mạnh 44%, mức tăng cao nhất trong 6 năm qua, cao hơn nhiều mức tăng trưởng bình quân 13,2%/năm của giai đoạn 2009-2015. Những số liệu này cho thấy, đây là một thị trường đầy tiềm năng và đang trong giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ.

Sở dĩ cho vay tiêu dùng tại Việt Nam có những bứt phá “thần tốc” như vậy, theo giới chuyên gia, là bởi một số lý do: xu hướng vay tiêu dùng đang phát triển mạnh mẽ trên thế giới; nhu cầu trong dân lớn, đặc biệt là với đối tượng thu nhập thấp khi mà các khoản cho vay của ngân hàng thương mại với nhiều điều kiện ngặt nghèo chưa đáp ứng được; hậu quả của vấn nạn tín dụng đen khiến người dân có xu hướng tìm đến những dịch vụ tài chính an toàn, chính thống; khả năng đáp ứng nhu cầu vốn nhanh chóng, thủ tục đơn giản, tiện lợi…

Chính vì vậy, mới đây khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chính thức công bố lấy ý kiến rộng rãi Dự thảo lần 2 Thông tư quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính (CTTC), giới chuyên gia đã đánh giá động thái này như một tín hiệu tích cực sẽ góp phần thúc đẩy thị trường cho vay tiêu dùng Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn nữa, tương xứng với tiềm năng.

Nhiều điểm mới “cởi trói” cho thị trường

Một trong những điểm nổi bật được giới chuyên gia đánh giá cao tại Dự thảo của NHNN lần này là không quy định về mức trần lãi suất cho vay tiêu dùng. Thay vào đó, NHNN cho phép các bên tự thỏa thuận lãi suất phù hợp với quy định của Ngân hàng Nhà nước về lãi suất cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng và được tính theo tỷ lệ %/năm. Điều này cũng một lần nữa khẳng định mức trần 20% mà Bộ Luật Dân sự 2015 có hiệu lực từ ngày 01/01/2017 sẽ không áp dụng với các tổ chức tín dụng nói riêng và công ty tài chính cho vay tiêu dùng.

Chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu nhận định đây thực sự là một “bước ngoặt lớn”, bởi chắc chắn rằng trần lãi suất 20% sẽ không thể áp dụng cho tổ chức tín dụng, nếu áp dụng cho công ty tài chính càng không phù hợp bởi đó là mức rất thấp so với mặt bằng lãi suất cho vay tiêu dùng hiện nay.

“Ngay cả lãi vay qua thẻ tín dụng của các ngân hàng cũng đã 28%-30% mà buộc tổ chức phi tín dụng áp trần 20% là rất khó vì khoản cho vay của các tổ chức này thường rủi ro cao hơn so với hoạt động ngân hàng”, ông Hiếu bình luận.

Ngoài ra, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Dự thảo nêu quy định trước khi ký hợp đồng cho vay tiêu dùng, CTTC phải cung cấp và giải thích đầy đủ, chính xác, trung thực cho khách hàng hiểu được các thông tin liên quan, bao gồm cả các hậu quả hoặc chế tài sẽ áp dụng khi khách hàng vi phạm hợp đồng. Trong đó, phải có tối thiểu các thông tin lãi suất cho vay được tính theo tỉ lệ %/năm, các loại phí liên quan đến khoản vay tiêu dùng và mức phí áp dụng khi ký kết hợp đồng cho vay tiêu dùng, đồng thời cho khách hàng biết tổng số tiền lãi cũng như các mức phí mà khách hàng vay phải trả trong suốt thời hạn vay…

Cần nâng hạn mức vay tối thiểu 50 triệu

Mặc dù vậy, theo các chuyên gia, Dự thảo Thông tư vẫn còn một số điểm chưa phù hợp cần tiếp tục được điều chỉnh, trong đó có vấn đề về hạn mức cho vay.

TS. Đặng Ngọc Đức - Viện trưởng Viện Ngân hàng Tài chính, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, quy định hạn mức cho vay tiêu dùng tối đa chỉ 10 triệu đồng như tại Dự thảo hiện nay là chưa phù hợp. Nêu dẫn chứng người dân có nhu cầu vay mua sắm trong điều kiện giá cả hàng hóa đắt đỏ như hiện nay mà quy định chỉ cho phép vay như vậy thì “mức đó chỉ tiêu dùng hàng mau hỏng, không đáp ứng được nhu cầu mua sắm hàng hóa theo đúng nghĩa của vay tiêu dùng là dành cho những mục đích cấp thiết”, như tivi, tủ lạnh, hay sửa chữa nhà cửa…

TS. Đặng Ngọc Đức cho rằng, để ngăn ngừa rủi ro, cần xác định đúng mục đích cho vay, cơ sở hoàn trả và một số vấn đề khác thay vì quy định bằng hạn mức thấp, không phù hợp. Và theo ông, hạn mức trung bình của một món vay khoảng 50 triệu đồng thì hợp lý hơn.

Đây cũng là băn khoăn, lo lắng của các CTTC khi tham gia góp ý vào Dự thảo này. Đại diện một công ty tài chính tiêu dùng cho biết, theo quy định tại Thông tư số 09/2012/TT-NHNN ngày 10/4/2012 quy định việc sử dụng các phương tiện thanh toán để giải ngân vốn cho vay, các khoản giải ngân dưới 100 trăm triệu đồng thì không bắt buộc phải sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt. Như vậy, hạn mức quy định 10 triệu đồng mâu thuẫn với quy định tại Thông tư số 09/2012/TT-NHNN và xa rời với nhu cầu thực tế.

Hầu hết các ý kiến đều cho rằng Ban soạn thảo của NHNN cần nghiên cứu điều chỉnh nội dung trên cho phù hợp với tình hình thực tiễn của đời sống kinh tế xã hội.

H.Anh