Khó khăn giải bài toán tín dụng đen “cắt cổ” người vay

Mặc dù hoạt động cho vay của ngân hàng và các công ty tài chính đã được mở rộng hơn rất nhiều trong những năm gần đây nhưng “tín dụng đen” vẫn “sống khỏe”, bất chất mức lãi suất “cắt cổ” người tiêu dùng.


Thị phần tín dụng tiêu dùng hiện tập trung chủ yếu ở nhóm ngân hàng thương mại

Thị phần tín dụng tiêu dùng hiện tập trung chủ yếu ở nhóm ngân hàng thương mại

Tín dụng đen lãi suất “cắt cổ” người vay

Anh Hoàng Thanh, làm nghề kinh doanh tự do ở quận Cầu Giấy, Hà Nội cho biết anh từng “ngậm đắng nuốt cay”khi đi vay tín dụng “đen” cách đây gần một năm.

Anh Thanh cho biết khi có nhu cầu vay vốn mở cửa hàng kinh doanh, anh đã thử liên hệ với nhiều ngân hàng nhưng đều bị đánh trượt “từ vòng gửi xe” vì không chứng minh được thu nhập. Ở thời điểm đó, các công ty tài chính cũng chưa phát triển như hiện nay trong khi cần tiền gấp nên anh buộc phải đi vay tín dụng “đen”.

“Lãi suất vay thỏa thuận là 3.000 đồng/triệu/ngày. Ban đầu, mình nghĩ đấy là số tiền nhỏ chẳng đáng là bao, tuy nhiên sau khi vay khoảng 2 tháng, số tiền lãi phải trả đã lên tới 5,4 triệu đồng, lúc đó mình mới nhận ra lãi tín dụng “đen” cao cắt cổ. Tính ra, mình vay 30 triệu đồng thì phải chịu lãi lên tới hơn 100%/năm”.

Cũng theo anh Thanh, mức lãi suất 3.000 đồng/1 triệu/ngày được các “chủ nợ” giải thích là khá “dễ chịu” vì thường mức lãi suất còn lên tới 5.000 đồng/1 triệu/ngày.

Một nạn nhân khác của tín dụng đen là Đình Thụy (sinh viên đại học tại khu vực quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết cũng từng phải đi vay nóng tín dụng đen vì cần tiền đóng học. Số tiền vay ban đầu chỉ là 5 triệu đồng với lãi suất 7.000 đồng/ 1 triệu/ngày. Chỉ sau 2 tuần, số tiền lãi anh phải trả đã lên tới gần 500.000 đồng, tương đương 21%/tháng hay hơn 250%/năm.

Theo số liệu của Bộ Công an, chỉ trong 4 năm từ 2010 đến 2014 lực lượng chức năng đã thụ lý 6.367 vụ việc, khởi tố gần 11.000 bị can liên quan đến tín dụng đen trong đó có nhiều vụ án rất nghiêm trọng.

Còn theo đánh giá của các chuyên gia tài chính, con số nạn nhân thực tế của tín dụng đen có thể còn cao hơn rất nhiều vì đa số người “dính” vào tín dụng đen đều sợ ảnh hưởng uy tín hoặc sợ bị trả thù nên không dám trình báo cơ quan chức năng.

Giới chuyên gia cũng nhận định, muốn hạn chế tín dụng đen không thể chỉ trông chờ vào các ngân hàng thương mại với các quy định khắt khe và thủ tục rườm rà mà phụ thuộc rất nhiều vào sự phát triển của các công ty tài chính với hệ thống rộng khắp, quy định linh hoạt và hướng đến nhóm đối tượng tiêu dùng cá nhân.

Khó khăn phát triển thị trường tài chính tiêu dùng

Theo thống kê, hệ thống cho vay tiêu dùng tại Việt Nam đang phát triển khá mạnh mẽ với 16 công ty tài chính và 11 công ty cho thuê tài chính (tính đến hết 2016). Tuy nhiên, xét cả về tài sản và dư nợ tín dụng trong toàn hệ thống tín dụng thì giá trị của phân khúc này đều rất thấp, chỉ chiếm lần lượt là 1,3% và 0,3%.

Tính đến hết năm 2016, tổng dự nợ tín dụng tiêu dùng ước tính khoảng 605.000 tỷ đồng, tăng 39% so với năm 2015, chiếm 11,4% tổng dư nợ tín dụng. Tính chung từ năm 2010 đến nay, tốc độ tăng trưởng tín dụng tiêu dùng bình quân lên tới 20%/năm.

Tuy nhiên, tỷ lệ tín dụng tiêu dùng/GDP năm 2016 cũng chỉ đạt 9,8%, thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung của các quốc gia khác như Mỹ (23%), Anh (16%), hayMalaysia (14%)...

Hơn nữa, thị phần tín dụng tiêu dùng lại tập trung chủ yếu ở nhóm ngân hàng thương mại (chiếm 90,7%), nhóm công ty tài chính chỉ chiếm 9,3% do danh mục cho vay của các ngân hàng thương mại chủ yếu là các gói tín dụng có giá trị cao trong khi nhóm công ty tài chính hướng đến các khoản vay có giá trị thấp dưới 100 triệu đồng.

Các công ty tài chính cũng thường gặp khó khăn do bị hạn chế về nguồn huy động vốn. Ngoài ra, theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, các công ty tài chính được tự do quyết định lãi suất nhưng lại chưa có nguồn cung cấp dữ liệu khách hàng chính thống để ra quyết sách phù hợp, bảo đảm an toàn vay như khối các ngân hàng thương mại.

Như vậy, có thể thấy, mặc dù mô hình công ty tài chính đã phát triển rất nhanh trong thời gian qua nhưng vẫn còn rất nhỏ bé so với tiềm năng của thị trường, bất chấp những lợi ích to lớn mà loại hình cho vay này đang mang lại cho hàng triệu khách hàng trên cả nước.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng: “Lợi ích lớn nhất mà các công ty tài chính mang lại cho người tiêu dùng là giúp họ tăng khả năng tiếp cận vốn một cách hợp pháp, hạn chế các rủi ro từ thị trường tín dụng phi chính thứcbằng các quy định linh hoạt và dễ dàng hơn rất nhiều so với các ngân hàng thương mại”.

Cũng theo ông Lực, phát triển các công ty tài chính tiêu dùng không chỉ là biện pháp “bít” lỗ hổng tín dụng đen mà còn là xu thế phát triển không thể đảo ngược của bất kỳ nền kinh tế nào.

Hà Anh