Còn nhiều bất cập giữa Bộ luật Dân sự 2015 và luật chuyên ngành

Ngày 23/12/2016, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội thảo về một số quy định về lãi suất và bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của Bộ luật Dân sự (BLDS) 2015 đối với thực tiễn hoạt động sản xuất kinh doanh. Hội thảo có sự tham gia của nhiều đơn vị và khoảng 200 đại biểu đến từ các tổ chức tín dụng (TCTD), doanh nghiệp, văn phòng luật sư.


Giữa Bộ luật Dân sự với luật chuyên ngành hiện vẫn còn một số bất cập

Giữa Bộ luật Dân sự với luật chuyên ngành hiện vẫn còn một số bất cập

Chia sẻ tại Hội thảo, TS. Bùi Quang Tín, trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, một trong những vấn đề quan trọng của BLDS 2015 là nhằm tạo cơ chế pháp lý đầy đủ cho việc tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân và các chủ thể khác của quan hệ pháp luật dân sự, đảm bảo sự thống nhất trong việc áp dụng pháp luật dân sự.

Theo quy định của BLDS năm 2005, tất cả các quan hệ dân sự chịu sự điều chỉnh của BLDS mà không có quy định cụ thể xử lý mối quan hệ giữa BLDS và các luật chuyên ngành. Do đó, trong thực tế, đã phát sinh vướng mắc về việc áp dụng pháp luật khi các quy định của BLDS 2005 khác với quy định của các luật chuyên ngành. Để khắc phục bất cập trên, BLDS 2015 đã có những điều chỉnh đáng ghi nhận khi quy định cụ thể nguyên tắc áp dụng BLDS tại Điều 4. Theo đó, trong trường hợp có sự khác nhau giữa BLDS 2015 và luật khác thì các quy định của luật khác sẽ được ưu tiên áp dụng, trừ trường hợp các quy định của luật khác vi phạm nguyên tắc cơ bản của BLDS 2015.

Liên quan đến vấn đề lãi suất, TS. Bùi Quang Tín cho rằng, Điều 468 BLDS 2015 đã có quy định loại trừ việc áp dụng mức trần lãi suất vay 20% trong "trường hợp luật khác có liên quan quy định khác". Luật khác ở đây được hiểu là pháp luật chuyên ngành điều chỉnh ở một lĩnh vực cụ thể nào đó. Theo quy định tại Điều 12 Luật Ngân hàng Nhà nước (NHNN) 2010 và Khoản 2, 3 Điều 91 Luật Các TCTD 2010, trong điều kiện bình thường, lãi suất trong hoạt động ngân hàng sẽ thực hiện theo cơ chế tự thỏa thuận, không có trần lãi suất.

Chỉ trong điều kiện đặc biệt cần có sự can thiệp của Nhà nước, NHNN mới quy định cơ chế xác định lãi suất trong quan hệ giữa TCTD và khách hàng. Cơ chế xác định lãi suất này có thể bao gồm trần lãi suất cho vay trong quan hệ cấp tín dụng giữa TCTD với khách hàng. Như vậy, BLDS đã loại trừ việc áp dụng mức trần lãi suất vay 20%/năm đối với hoạt động cho vay của các TCTD, lúc đó pháp luật về tín dụng, ngân hàng sẽ cho phép các bên trong quan hệ tín dụng là TCTD và khách hàng được tự thoả thuận.

Tuy nhiên, giữa BLDS với luật chuyên ngành hiện vẫn còn một số bất cập. Cụ thể, Khoản 2 Điều 91 Luật Các TCTD 2010 quy định về việc xác định lãi suất trong hoạt động cấp tín dụng của các TCTD là theo cơ chế thoả thuận nhưng lại kèm theo cụm từ “theo quy định của pháp luật” ở phía sau. Việc ghi thêm cụm từ này sẽ càng làm cho các TCTD, khách hàng có quan hệ tín dụng với TCTD và các cơ quan chức năng thực thi pháp luật khó áp dụng quy định này trên thực tế, khiến cho họ rơi vào thế lúng túng không biết theo pháp luật về tín dụng ngân hàng (không áp dụng trần lãi suất cho vay) hay theo pháp luật dân sự (áp dụng trần lãi suất cho vay).

Do đó, theo TS. Bùi Quang Tín, pháp luật chuyên ngành cần quy định cụ thể và rõ ràng hơn về việc áp dụng lãi suất này. Cụ thể, cơ quan lập pháp có thể nên bỏ đi cụm từ “theo quy định của pháp luật” tại Khoản 2 Điều 91 Luật Các TCTD 2010 nhằm phù hợp hơn với các quy định tại BLDS 2015.

Về vấn đề này, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ nhiệm CLB Pháp chế Hiệp hội Ngân hàng cũng cho rằng, Luật Các TCTD 2010 cần sửa đổi theo hướng không quy chiếu ngược trở lại với BLDS nhằm tránh xảy ra tình trạng lòng vòng, không rõ ràng trong các quy định của pháp luật. BLDS 2015 mặc dù mới được Quốc hội thông qua và sắp sửa có hiệu lực nhưng trong tương lai vẫn cần tiếp tục sửa đổi nội dung liên quan vấn đề lãi suất trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc thỏa thuận. Tuy nhiên, trước mắt, các cơ quan chức năng như Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tòa án Nhân dân Tối cao, NHNN... cần có các văn bản giải thích luật, cũng như ban hành các thông tư hướng dẫn để TCTD và doanh nghiệp có căn cứ thực hiện theo.

Đối với nội dung bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, theo PGS.TS. Đỗ Văn Đại, Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, BLDS 2015 đã có nhiều sửa đổi, bổ sung. Điều đầu tiên đáng ghi nhận, đó là việc bỏ từ “dân sự” ra khỏi tên mục và các điều luật có liên quan để đảm bảo sự thống nhất với các phần khác của Bộ luật. Tiếp đến là sự sắp xếp lại các quy định mang tính trùng lặp ở các biện pháp bảo đảm cụ thể vào phần quy định chung, bổ sung thêm một số quy định mới như: vấn đề hiệu lực đối kháng với người thứ ba, đăng ký biện pháp bảo đảm, các trường hợp xử lý tài sản bảo đảm, thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm, giao tài sản bảo đảm để xử lý, quyền nhận lại tài sản bảo đảm…

Ngoài ra, BLDS 2015 cũng đã quy định bảo lưu quyền sở hữu và cầm giữ tài sản trở thành biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và áp dụng quy định chung về hình thức hợp đồng (riêng hình thức bảo đảm bằng tín chấp được giữ lại). Trong lĩnh vực bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, một trong những vướng mắc lớn nhất hiện nay đó là chưa có cách hiểu thống nhất về việc thế chấp, cầm cố tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ cho người khác.

Hiện nay, có nhiều cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp xác lập các biện pháp thế chấp, cầm cố tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ cho người khác. Theo đó, có TCTD đồng ý xác lập giao dịch bảo đảm này, tuy nhiên, có tổ chức thì không. Trong quá trình giải quyết tranh chấp của ngành Tòa án cũng có 2 quan điểm: một là, chấp nhận giao dịch bảo đảm dưới dạng cầm cố, thế chấp để bảo đảm nghĩa vụ dân sự cho người khác; hai là, không chấp nhận giao dịch bảo đảm thế chấp, cầm cố mà coi là bảo đảm bằng biện pháp bảo lãnh.

Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 về giao dịch bảo đảm và Nghị định số 11/2012/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 163/2006/NĐ-CP chưa có quy định hướng dẫn chi tiết về việc các bên có quyền xác lập biện pháp cầm cố, thế chấp tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của người khác hay không? Điều này đã gây khó khăn và những rủi ro pháp lý cho người dân và doanh nghiệp trong quá trình ký kết, thực hiện hợp đồng cầm cố, thế chấp tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của người khác.

Liên quan đến bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, đại biểu Nguyễn Văn Mạnh, Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ cho rằng, cần quy định cụ thể các quyền tài sản thông thường được sử dụng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự cũng như có hướng dẫn cụ thể về tài sản hình thành trong tương lai, bao gồm: tài sản chưa hình thành và tài sản đã hình thành nhưng chủ thể xác lập quyền sở hữu tài sản sau thời điểm xác lập giao dịch. Đồng thời, hướng dẫn cho các cơ quan thực hiện đăng ký biện pháp bảo đảm, tổ chức công chứng theo hướng: Khi nghĩa vụ trong tương lai được hình thành của Khoản 2 Điều 294 BLDS năm 2015 thì các bên tham gia giao dịch không phải ký kết lại hợp đồng bảo đảm, công chứng, chứng thực hợp đồng bảo đảm hoặc đăng ký biện pháp bảo đảm đối với nghĩa vụ đó.

Thực tế, chỉ còn chưa đầy 1 tuần nữa, bộ luật trên sẽ có hiệu lực thi hành và mục đích của Hội thảo là Bộ Tư pháp sẽ đưa ra cái nhìn, cách hiểu tổng quát về những quy định liên quan. Tuy nhiên, sau khi nghe và thảo luận, đa số các chuyên gia tham dự đều cảm thấy hoang mang hơn về thực tiễn áp dụng BLDS 2015.

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế (Bộ Tư pháp) Nguyễn Hồng Hải, những ý kiến của các đại biểu tham gia sẽ được ban tổ chức sử dụng trong quá trình góp ý sửa đổi luật chuyên ngành, Nghị định 163 sắp tới hoặc các văn bản luật hướng dẫn sẽ áp dụng quy định liên quan để giải quyết những vướng mắc mà bộ luật không và chưa xử lý được.

Hà Anh