Zalo và câu chuyện đứng lên từ thất bại
Bị đánh giá là yếu về mọi mặt lúc ban đầu so với các đối thủ ngoại như Line, Kakao Talk nay Wechat, tại sao Zalo vẫn trở thành ứng dụng nhắn tin miễn phí (OTT) đầu tiên tại Việt Nam cán mốc phát tán tự nhiên như Facebook?
Khởi đầu của ứng dụng nhắn tin miễn phí thuần Việt - Zalo không phải là một kỷ niệm ngọt ngào. Được định vị là một sản phẩm chiến lược dành cho thị trường di động nhưng đội làm Zalo lại chọn tập khách hàng Zing Me (cư dân mạng) làm đối tượng chủ yếu lúc ban đầu để làm căn cứ thiết kế dịch vụ. Mất hút trên thị trường OTT và gặp rất nhiều khó khăn khi tiếp cận người dùng di động khiến ứng dụng nhắn tin thuần Việt tưởng như lâm vào ngõ cụt.
Thế nhưng, vào đúng lúc khó khăn nhất, đội ngũ làm Zalo quyết định thực hiện một cú ngoặt tay lái lịch sử. Thay vì dựa vào kinh nghiệm phát triển Web trước đó, họ quyết định ứng dụng chiến lược “mobile first”, hay nói cách khác là xây dựng ứng dụng dành riêng cho các thiết bị di động. Và thay vì so tài với các đối thủ ngoại trên nhiều mặt trận, ban đầu, họ tập trung nguồn lực cho hướng đi quan trọng nhất: giúp người dùng nhắn tin miễn phí nhanh, ổn định nhất trên mọi môi trường của mạng viễn thông Việt Nam.
Trên thị trường, Zalo là OTT duy nhất có khả năng chạy tốt trên mọi môi trường viễn thông, gồm: 2G – 2,5G – 3G và Wifi. Điều này cũng đồng nghĩa với việc ứng dụng nhắn tin miễn phí thuần Việt là dịch vụ có vùng phủ sóng rộng nhất tại Việt Nam (những OTT khác chỉ chạy tốt trên 3G hoặc Wifi).
Nếu so sánh với các ứng dụng ngoại, Zalo không có nhiều điểm mạnh và khó có thể cạnh tranh. Thế nhưng, nhìn vào yếu tố then chốt nhất cho dịch vụ của điện thoại di động là vùng phủ sóng thì OTT thuần Việt lại có lợi thế vượt trội. Bạn muốn nhắn tin miễn phí trên di động nhưng hay bị “ngoài vùng phủ sóng” hoặc gửi SMS tậm tịt thì sẽ ra sao? Một ví dụ rõ ràng nhất là rất ít người muốn dùng mạng S-Fone dù cho nó có hình ảnh sành điệu của Hàn Quốc và tiềm năng mạnh từ công nghệ CDMA.
Thêm vào đó, thất bại khi mới bắt đầu của Zalo giờ đây cũng trở thành một “điểm mạnh”. Một ứng dụng thuần Việt hiếm hoi có thể đứng dậy từ sai lầm và trở thành OTT đầu tiên tại Việt Nam vượt 2 triệu người dùng - cột mốc giúp ứng dụng bùng nổ và có khả năng phát tán tự nhiên như Facebook, là một câu chuyện cổ tích lãng mạn của làng công nghệ Việt. Bạn muốn sử dụng OTT thuần Việt có lịch sử phát triển như chuyện cổ tích mà hầu hết người sở hữu smartphone tại Việt Nam đang dùng, hay một ứng dụng ngoại? Lượng tải theo thời gian thực trên bảng xếp hạng của cả App Store cũng như Google Play đều có vị trí dẫn đầu là Zalo, tiếp sau mới là Line và Kakao Talk chính là câu trả lời.
Biểu đồ tăng trưởng người dùng của Zalo.
Ngày 26/6, Zalo đã vượt mốc 3 triệu người dùng và hướng tới mục tiêu 5 triệu vào cuối năm. Ông Vương Quang Khải – Phó tổng giám đốc Công ty VNG, người phụ trách dự án Zalo chia sẻ: “Cột mốc 3 triệu người dùng là sự khích lệ lớn đối với đội ngũ Zalo - những người Việt lãng mạn muốn xây dựng nên các sản phẩm công nghệ cao được cộng đồng đón nhận. Tuy nhiên, nhiều thách thức đang chờ đợi chúng tôi phía trước khi các đối thủ quốc tế tiếp tục đầu tư nguồn tài chính khổng lồ để chinh phục thị trường Việt Nam”.
Liệu Zalo có thể tạo nên một câu chuyện cổ tích mới với mốc 5 triệu người dùng vào cuối năm 2013 (chiếm 50% số người dùng smartphone tại Việt Nam)? Thời gian sẽ cho câu trả lời.
Nguyễn Hoàng