Yêu cầu các đài truyền hình phải thành lập doanh nghiệp

(Dân trí) - VTC sau khi sáp nhập phải thành phải thành lập doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng theo đúng quy định Chính phủ. Yêu cầu này cũng được đưa ra đối với VTV.

Việc thành lập doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng nhằm tách bạch giữa kinh doanh truyền dẫn phát sóng hoạt động theo Luật Viễn thông với phần sản xuất nội dung truyền hình hoạt động theo Luật Báo chí.

Tại cuộc họp của Ban chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình Việt Nam vừa diễn ra, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Bắc Son cho biết, quá trình sáp nhập Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC vào Đài tiếng nói Việt Nam (VOV)  đang tiếp tục được tiến hành.  Dự kiến, cuối tháng 6 này, các thủ tục hoàn chỉnh, cũng là thời điểm Bộ bàn giao VTC về VOV theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, ngay sau khi sáp nhập về VOV, đài VTC phải tiến hành thành lập doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng theo đúng quy định Chính phủ. Theo Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, tương tự như  vậy, VTV phải thành lập doanh nghiệp để thiết lập mạng truyền dẫn phát sóng truyền hình số mặt đất.

Trên thực tế hiện nay, các Trung tâm Truyền dẫn phát sóng của VTV và Đài VTC vẫn hoạt động như đơn vị sự nghiệp trực thuộc đài là không phù hợp với quy định trong Luật Viễn thông, cũng như theo Quyết định 22/2009/QĐ-TTg và Quyết định 2451/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Bộ TT- TT yêu cầu các đài truyền hình
Bộ TT- TT yêu cầu các đài truyền hình tách bạch kinh doanh truyền dẫn phát sóng với phần sản xuất nội dung truyền hình 

Thông tin từ  Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện cho biết, theo các quy định mới nhất, các đơn vị thực hiện nhiệm vụ truyền dẫn phát sóng phải thành lập doanh nghiệp để thiết lập mạng truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất, khi xin giấy phép thiết lập mạng các doanh nghiệp này phải có hồ sơ cam kết đảm bảo đầu tư và chất lượng phủ sóng. Thông qua đó cơ quan quản lý nhà nước sẽ kiểm soát được chất lượng phủ sóng.

Tính đến thời điểm này, cả nước đã có 3 đài truyền hình hoạt động  truyền dẫn phát sóng truyền hình số toàn quốc là VTV, VTC và AVG và 2 đơn vị phát sóng truyền hình số khu vực là công ty RTB (ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ) và công ty SDTV (ở khu vực đồng bằng Nam Bộ).

Theo báo cáo, hiện nay hai đài truyền hình VTV và AVG đã phủ sóng DVB-T2 trên diện rộng. Chỉ duy nhất Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC chưa triển khai phát sóng truyền hình số mặt đất DVB-T2 do đang trong quá trình tái cơ cấu và nguồn lực hạn chế nên chưa thể đầu tư.

Cuối tháng 6 sẽ tắt sóng analog tại Đà Nẵng và Bắc Quảng Nam

Từ nay đến cuối tháng 6 cũng sẽ là thời điểm thực hiện tắt sóng analog tại Đà Nẵng và Bắc Quảng Nam chỉ còn chưa đầy nửa tháng.  Muốn xem những kênh này, người dân bắt buộc phải có TV tích hợp chuẩn DVB-T2, hoặc sắm thêm đầu thu DVB-T2 (đối với TV cũ, không tích hợp chuẩn).

Theo báo cáo của nhà đài, hiện sức mua của  thị trường đối với mặt hàng đầu thu DVB-T2 còn rất hạn chế. Tuy nhiên, chuyên gia quốc tế đưa ra nhận định: Người tiêu dùng sẽ buộc phải chuyển sang loại hình thiêt bị mới khi cái cũ không còn hoạt động. 

Kinh nghiệm tại ở những thị trường ngoài nước đã cho thấy, người dùng đã đổ xô đi mua thiết bị vào phút chót khi diễn ra sự thay đổi. Do vậy, các doanh nghiệp nhập khẩu hoặc sản xuất đầu thu vẫn cần chuẩn bị sẵn sàng trong trường hợp sức cầu tăng mạnh.

Hiện, tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT) cũng đã nhảy vào thị trường cung cấp đầu thu số DVB-T2.

Phạm Thanh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm