1. Dòng sự kiện:
  2. Triển lãm CES 2025

Xiaomi "vỗ ngực" nhận là hãng công nghệ sáng tạo nhất thế giới

(Dân trí) - Nhà sáng lập kiêm CEO của Xiaomi Lei Jun đã tự tin khẳng định công ty mình là hãng công nghệ sáng tạo nhất thế giới, trong khi đó, Phó chủ tịch của công ty Hugo Barra khẳng định Xiaomi là hãng công nghệ Trung Quốc bị sao chép nhiều nhất.

Xiaomi là hãng điện thoại có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới khi vừa ra mắt sản phẩm đầu tiên vào năm 2011 đã chen chân vào top 5 hãng smartphone lớn nhất thế giới trong năm 2014.

Mới đây, hãng smartphone Trung Quốc này vừa trình làng chiếc smartphone có cấu hình mạnh nhất thế giới Mi Note Pro, sở hữu màn hình 2K, bộ nhớ RAM 4GB và vi xử lý Snapdragon 810. 

Đáng chú ý, tại sự kiện ra mắt sản phẩm mới, nhà sáng lập và CEO của Xiaomi Lei Jun đã tự tin khẳng định “Xiaomi là hãng công nghệ sáng tạo hàng đầu thế giới”. Để dẫn chứng cho tuyên bố của mình, Lei Jun cho biết Xiaomi đã đăng ký tối thiểu 2.318 bản quyền sáng chế công nghệ trong năm 2014, trong đó có 665 sáng chế quốc tế. Ngoài ra, Jun cho biết Xiaomi có kế hoạch sẽ “đăng ký mười ngàn bằng sáng chế công nghệ trong một năm”. 

Lei Jun, nhà sáng lập và CEO Xiaomi, được đánh giá là “sao chép” phong cách của Steve Jobs
Lei Jun, nhà sáng lập và CEO Xiaomi, được đánh giá là “sao chép” phong cách của Steve Jobs

Sau tuyên bố mang tính tự tin của Lei Jun, trong một bài phỏng vấn gần đây, Phó chủ tịch toàn cầu của Xiaomi, Hugo Barra,  cho biết Xiaomi là hãng công nghệ rất sáng tạo, đồng thời khẳng định Xiaomi là hãng công nghệ Trung Quốc bị sao chép nhiều nhất.

“Chúng tôi là một công ty rất sáng tạo. Chúng tôi đã tạo nên rất nhiều thứ nguyên mẫu thực sự thú vị”, Hugo Barra cho biết. “Chúng tôi đã bị sao chép gần như nhiều hơn tất cả các công ty Trung Quốc khác, đặc biệt là mô hình chúng tôi sử dụng để bán sản phẩm, cách tiếp cận các mạng xã hội, thương mại điện tử...”.

 Tuyên bố của Lei Jun và Hugo Barra được xem là động thái để xây dựng lại hình ảnh của Xiaomi, thay vì là một hãng smartphone Trung Quốc giá rẻ như lâu nay.

Tuy nhiên, tuyên bố này cũng đã gây nên nhiều tranh cãi, nhất là khi Xiaomi thường xuyên bị chỉ trích vì sao chép thiết kế của Apple trên các sản phẩm của hãng, điều này cho thấy Xiaomi không thực sự là hãng công nghệ sáng tạo như những gì mình tuyên bố.

Bên cạnh đó, mặc dù Xiaomi là hãng smartphone trong top 5 của thế giới, tuy nhiên thương hiệu này vẫn chỉ phổ biến tại châu Á, chủ yếu tại Trung Quốc và Ấn Độ, mà chưa xâm nhập vào thị trường phương Tây, vốn bị đánh giá là khắc nghiệt và chịu nhiều sự cạnh tranh hơn so với thị trường châu Á.

Các nhà phân tích thị trường nhận định một hãng smartphone chưa thể đánh giá là thành công nếu không tìm được chỗ đứng của mình trên những thị trường “khó tính” như Mỹ hay các nước Tây Âu.

Về phần mình, Hugo Barra cho biết Xiaomi sẽ mất thêm một vài năm nữa mới đặt chân vào thị trường châu Âu, điều này cho thấy Xiaomi vẫn chưa thực sự sẵn sàng và tự tin vào các sản phẩm của mình có thể cạnh tranh được ở các thị trường có sự cạnh tranh khốc liệt.

T.Thủy