Xây dựng bảo mật cho chính quyền điện tử Đà Nẵng

(Dân trí) - Sáng 28/7, Sở Thông tin – Truyền thông TP Đà Nẵng phối hợp với công ty Intel Security tổ chức hội thảo “An toàn an ninh thông tin cho người dùng cuối” nhằm chia sẻ các ý tưởng, giải pháp bảo mật thông tin, định hướng ý thức an toàn an ninh thông tin cho người dùng.

Theo ông Nguyễn Quang Thanh, phó giám đốc Sở Thông tin – Truyền thông Đà Nẵng, trong những năm qua, TP Đà Nẵng đang hoàn thiện để xây dựng chính quyền điện tử, xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố đáng sống, thành phố động lực phát triển kinh tế - xã hội của miền Trung. Với mong muốn đó, TP Đà Nẵng đã và đang tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT vào các cơ quan nhà nước. Từ đó góp phần hiện đại hóa nền hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành các lĩnh vực kinh tế, xã hội của thành phố. Công tác ứng dụng CNTT của TP Đà Nẵng đã có nhiều bước phát triển vượt bậc và đã đạt được nhiều giải thưởng.

img-7504-f1f65

Vấn đề an toàn an ninh thông tin là một thách thức trong quá trình vận hành hệ thống chính quyền điện tử. Hiện nay trên hệ thống của chúng ta, một ngày có rất nhiều hệ thống được các tổ chức cũng như nhóm hacker quan tâm. Một ngày có trên 10.000 lượt các hệ thống của chúng ta bị scan, đặc biệt là vào ban đêm, đối với những IP có nguồn gốc từ các quốc gia không thân thiện với chúng ta, tìm những lỗ hổng bảo mật.

Cũng theo ông Thanh, về mặt công nghệ, cũng như bao hệ thống khác, Đà Nẵng cũng xây dựng bảo mật trên hệ thống chính quyền điện tử bao gồm 3 lớp. Mô hình quản lý của Đà Nẵng theo mô hình mới tập trung, do vậy bảo mật của nó bao gồm ở mức hạ tầng. Bảo mật thứ hai để bảo đảm cho hệ thống an toàn trong quá trình vận hành đặc biệt phục vụ cho các tổ chức, công dân là bảo mật ở lớp ứng dụng, làm sao để các tổ chức công dân trong quá trình tương tác vào hệ thống, đảm bảo sự an toàn. An toàn cả về mặt dữ liệu, an toàn cả về mặt quy trình, an toàn về mặt tương tác giữa hệ thống này với hệ thống khác. Lớp thứ 3 là lớp bảo mật ở cơ sở dữ liệu. Các hệ thống hiện nay đối với TP Đà Nẵng bao gồm các cơ sở dữ liệu, đặc biệt là các cơ sở dữ liệu nền: cơ sở dữ liệu cán bộ, công chức; cơ sở dữ liệu doanh nghiệp…

“Ngoài việc sử dụng các giải pháp thì đối với an toàn an ninh thông tin đó là đào tạo nguồn nhân lực. Các công nghệ đều do con người tạo ra, các hacker cũng do con người trong quá trình đi tìm kiếm các lỗ hổng công nghệ. Do vậy, để đảm bảo được các công nghệ đang sử dụng đó được cập nhật kịp thời, được điều chỉnh kịp thời do lỗi về mặt công nghệ thì yếu tố đào tạo con người hết sức quan trọng. Đối với TP Đà Nẵng hiện nay chúng tôi đang cố gắng thông qua chương trình đạo tạo từ đề án 100 thạc sĩ, tiến sĩ; chương trình 922 trước đây và một số chương trình khác để tranh thủ nguồn lực đó”, ông Thanh cho biết thêm.

Khánh Hồng