Viettel được cấp phép thử nghiệm 5G tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội

Bộ TT&TT vừa cấp phép thử nghiệm 5G cho Viettel. Địa điểm thử nghiệm sẽ triển khai tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, thời gian trong vòng 1 năm kể từ ngày cấp phép.

4g-viettel.jpg

 

Ông Nguyễn Đức Trung, Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) cho biết, Bộ TT&TT vừa cấp phép thử nghiệm 5G cho Viettel. Giấy phép thử nghiệm 5G của Viettel có thời hạn 1 năm kể từ ngày cấp phép. Địa điểm thử nghiệm là TP Hồ Chí Minh và Hà Nội.

Nguồn tin của ICTnews cho hay, đến thời điểm này mới có Viettel hoàn thiện hồ sơ xin thử nghiệm 5G.

Trả lời ICTnews về triển khai 5G, ông Tào Đức Thắng, Phó Tổng giám đốc Viettel cho biết, trên thế giới, một số nước như Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc dự kiến năm 2019 hoặc 2020 sẽ triển khai 5G. Nếu chúng ta tiến hành vào năm 2019 thì Việt Nam sẽ là 1 trong những nước đi đầu. Lợi ích của 5G bao gồm ứng dụng cho một chuỗi công nghệ trong cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, phục vụ cho việc kết nối, tự động hóa, đường truyền tốc độ cao, độ trễ thấp, giải quyết được nhiều hạn chế hiện nay của những công nghệ cũ.

“Viettel sẽ tham gia thử nghiệm theo lộ trình mà Bộ TT&TT đưa ra. Cuộc thử nghiệm đòi hỏi những hạ tầng như cáp quang, các trạm phát sóng, chúng tôi đã có sự chuẩn bị từ sớm. Giống như khi chuẩn bị triển khai mạng 4G, Viettel có lợi thế nhiều mạng cáp quang rộng khắp đến cả vùng sâu vùng xa. Chúng tôi mong rằng sẽ sớm có thông tin về tần số để Viettel và các nhà mạng khác có sự chuẩn bị về thiết kế, thiết bị phù hợp nhằm đáp ứng tần số mà Bộ TT&TT dự kiến sử dụng cho 5G”, ông Tào Đức Thắng nói.

Theo ông Tào Đức Thắng, Viettel đã phối hợp với các nhà cung cấp để nghiên cứu, tự sản xuất thiết bị 5G. 5G không đơn thuần là trạm thu phát sóng 5G mà còn bao gồm hệ thống mạng lõi để hỗ trợ cho 5G, thiết bị đầu cuối 5G. Ví dụ, nếu chỉ có máy đầu cuối 3G sẽ không dùng được 4G. Vì vậy, để có được mạng hoàn chỉnh, chúng ta cần có thiết bị đầu cuối, các thiết bị thu phát sóng 5G, hệ thống đường truyền, kết nối giữa trạm và tổng đài.
 

 

 

 
 

 
Tại buổi làm việc với Bộ TT&TT hồi năm ngoái, MobiFone đã lên tiếng xin thử nghiệm 5G. Mới đây, Tổng Giám đốc VNPT Phạm Đức Long cũng chia sẻ rằng, VNPT sẽ tiếp tục là một trong các doanh nghiệp tiên phong triển khai 5G khi các điều kiện chín muồi. Cụ thể, VNPT sẽ triển khai 5G khi có đầy đủ thiết bị đầu cuối thương mại rộng rãi. Phòng Lab 5G không chỉ nghiên cứu về công nghệ mà còn nghiên cứu phát triển các dịch vụ, ứng dụng trong hệ sinh thái 5G.

Đại diện VNPT còn cho hay, trong chuyến đi tháp tùng Thủ tướng Chính phủ công tác tại châu Âu mới đây, đại diện lãnh đạo VNPT đã ký kết hai thỏa thuận hợp tác liên quan tới 5G. VNPT sẽ hợp tác với Nokia triển khai thử nghiệm mô hình triển khai 5G, thử nghiệm cả về phương án kinh doanh khả thi. Dự kiến VNPT sẽ cố gắng thử nghiệm trong năm 2019.

Phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Bộ TT&TT mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã hoan nghênh Bộ TT&TT “bật đèn xanh” cho 5G, trước hết là tại TP Hồ Chí Minh, Thủ tướng yêu cầu Bộ TT&TT sớm triển khai cấp phép tần số 4G và cấp phép thử nghiệm 5G.

Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, bản chất công nghệ 5G là để phục vụ cho IoT, giúp kết nối data giữa vật với vật. Bởi vậy, cần tham khảo ý kiến của các doanh nghiệp IoT khi quy hoạch phát triển công nghệ này. Bộ trưởng cũng cho rằng, Việt Nam muốn bật lên trong cách mạng 4.0 thì phải phát triển 5G. Đây là cơ hội để Việt Nam thay đổi thứ hạng. Muốn thay đổi thứ hạng thì phải đi đầu. Chưa đi đầu được trên phạm vi toàn quốc thì đi đầu ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Bộ TT&TT chủ trương cấp tần số 5G để thử nghiệm từ năm 2019 và đến năm 2020, khi thế giới bắt đầu triển khai 5G thì Việt Nam sẽ là những nước đầu tiên triển khai 5G.

"Mạng 5G là hạ tầng kết nối vạn vật - hạ tầng quan trọng nhất của cách mạng công nghiệp 4.0. Việt Nam muốn đi đầu trong cách mạng 4.0 thì mạng 5G phải đi trước và đi đầu. Mạng lưới phải có trước, hạ tầng kết nối phải có trước. Đầu tư trước kinh doanh sau, đây phải là triết lý kinh doanh của tất cả các nhà mạng. Mạng 5G cho kết nối vạn vật của Việt Nam phải vào loại tốt nhất trên thế giới. Số lượng trạm BTS cho 5G sẽ phải lớn hơn rất nhiều so với các công nghệ trước đó. Do vậy, dùng chung hạ tầng, chia sẻ hạ tầng viễn thông với các hạ tầng điện, nước, giao thông là rất quan trọng để giảm chi phí xã hội", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Theo Thái Khang

ICTNews