Viettel chính thức kinh doanh tại Mozambique

(Dân trí) - Hôm qua, sau hơn 1 năm hoạt động, công ty Movitel, thương hiệu của Viettel ở Mozambique, đã công bố chính thức kinh doanh tại Mozambique với sự chứng kiến của Tổng thống nước sở tại, ngài Armando Emilio Guebuza.

Công ty Movitel là liên doanh giữa Viettel và công ty SPI, Mozambique, trong đó Viettel góp 70% vốn.

 

Sau hơn 1 năm hoạt động, công ty Movitel đã có vùng phủ rộng và sâu nhất tại Mozambique với 1.800 trạm phát sóng (2G&3G) phủ 100% quận, huyện và đường quốc lộ, đóng góp hơn 50% hạ tầng mạng di động của toàn Mozambique.

 

Nhà mạng liên doanh giữa Viettel và công ty SPI đã xây dựng hạ tầng khá lớn với 12.600 km cáp quang, đóng góp 70% hạ tầng cáp quang của toàn Mozambique.

 

Movitel đã góp phần đưa Mozambique trở thành một trong những quốc gia phát triển nhanh nhất về hạ tầng viễn thông và trở thành 1 trong 3 quốc gia có hạ tầng cáp quang lớn nhất khu vực sau Nam Phi và Nigeria”, ngài Paulo Zucula, Bộ trưởng Giao thông Liên lạc Mozambique  cho biết tại buổi lễ khai trương.
 

 

Viettel chính thức kinh doanh tại Mozambique


Movitel cho biết sẽ xây dựng hệ thống kênh phân phối lớn nhất với 50 cửa hàng và 25.000 điểm bán, đại lý đến từng huyện, trung bình, mỗi xã sẽ có 1-2 nhân viên của Movitel phụ trách bán hàng.

 

Tính đến thời điểm này, Viettel đã kinh doanh tại 5 nước ở 3 châu lục là Châu Á (Việt Nam, Lào, Campuchia), Châu Mỹ (Haiti) và châu Phi (Mozambique). Mozambique là thị trường nước ngoài thứ 5 của Viettel và là thị trường đầu tiên tạo đà để Viettel tiếp tục mở rộng sang các nước khác tại Châu Phi.

 

Viettel rất lạc quan tại thị trường Mozambique khi mà mật độ điện thoại cả nước mới chỉ đạt mức 30.9% thấp so với trung bình khu vực, internet và điện thoại cố định gần như chưa phát triển (với mức sử dụng 1.52% và 0.52%), chất lượng và tốc độ thấp… Tỉ lệ dân số nghèo ở quốc gia Châu Phi này rất cao, 55% dân số sống dưới ngưỡng 1.25$/ngày, trong khi người dân đang phải trả mức cước di động trung bình 10$/tháng, chiếm khoảng 20% - 25% thu nhập người dân. Ở các nước phát triển con số này chỉ là 1%, ở Việt Nam là 4%.
 
Hà Thanh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm